Mỹ sửa luật CAATSA theo hướng có lợi cho Việt Nam

The Economic Times vừa đăng tải thông tin đáng chú ý về việc Mỹ đồng ý đưa một số quốc gia khỏi danh sách bị trừng phạt nếu mua vũ khí Nga.

The Economic Times cho biết, Quốc hội Hoa Kỳ đã hành động để loại bỏ "thanh kiếm" treo trên mối quan hệ Mỹ - Ấn Độ. Nguồn gốc lớn nhất đe dọa gây ảnh hưởng tới quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước đã được dỡ bỏ, sự thay đổi tới vào hôm Thứ hai vừa qua sau nhiều suy xét.

Ủy ban của Thượng viện và Hạ viện Mỹ đã thống nhất thông qua ấn bản chính thức của Dự luật hàng năm về chính sách quốc phòng, điều này sẽ sửa đổi Đạo luật chống đối thủ của Mỹ thông qua biện pháp trừng phạt - CAATSA, một đạo luật chủ yếu nhằm vào Nga nhưng đủ rộng để bao trùm lên cả bạn lẫn kẻ thù.

Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam giờ đây đã được miễn trừ CAATSA và có thể tiếp tục mua sắm thiết bị quân sự từ Nga, nhưng văn bản cuối cùng trong Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng cho năm 2019 không thông qua danh sách mở rộng tới mức như Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis mong muốn.

Đây là một sự điều chỉnh có cân nhắc, yêu cầu được Tổng thống Donald Trump thông qua và chỉ định các tiêu chí nhất định phải được đáp ứng.

Tiêm kích F-16 Block 70 được phía Mỹ chào bán cho Ấn Độ trong gói thầu MMRCA

Cuộc vận động hành lang bền bỉ của Bộ trưởng James Mattis trên đồi Capitol trong suốt mấy tháng qua đã có kết quả và dẫn đến những thay đổi trên.

Ông đã gặp gỡ các thành viên của Thượng viện và Hạ viện, tham dự một số buổi điều trần và viết nhiều bức thư thuyết phục. Tuyên bố cuối cùng của ông được đưa ra hôm thứ sáu khi Ủy ban hoàn thiện văn bản ghi rõ:

"Câu hỏi cơ bản mà chúng ta phải tự hỏi chính là chúng ta có muốn tăng cường quan hệ đối tác với những quốc gia ở khu vực quan trọng hay không, hoặc rời bỏ để họ không còn lựa chọn nào khác ngoài Nga, qua đó phá hoại cơ hội trong cả một thế hệ để gắn kết chặt chẽ hơn các nước nằm trong tầm nhìn của Mỹ về an ninh và ổn định toàn cầu", ông Mattis nói.

Ông Mattis nhấn mạnh rằng bất cứ biện pháp trừng phạt nào của Mỹ đối với Ấn Độ cũng sẽ kéo lùi mối quan hệ trở lại ít nhất một thập kỷ, thậm chí nhiều hơn. Các nghị sĩ đã lắng nghe ông, một cựu tướng và cũng là thành viên được kính trọng nhất trong nội các.

Trực thăng đa dụng của hải quân MH-60R Seahawk đang phóng tên lửa chống tăng Hellfire

Chính quyền Tổng thống Trump đã đưa ra hai điều kiện miễn trừ CAATSA cho Ấn Độ và yêu cầu New Delhi phải đáp ứng ít nhất một, đó là giảm phụ thuộc vào Nga và tăng cường đáng kể hợp tác với Hoa Kỳ, cả hai điều kiện trên được New Delhi đáp ứng khá dễ dàng.

Việc mua sắm quốc phòng của Ấn Độ thực sự khá đa dạng theo thời gian. Các công ty quốc phòng Mỹ trên thực tế đã vượt đối thủ đến từ Nga.

Trong 3 năm qua, New Delhi đã ký 13 hợp đồng với phía Mỹ, tổng giá trị đạt 228 tỷ Rupi, trong khi với Nga chỉ là 12 hợp đồng trị giá 88 tỷ Rupi, số liệu trên được Quốc hội Ấn Độ cung cấp.

Tuy nhiên Quốc hội Hoa Kỳ vẫn có thể phản đối việc Ấn Độ mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 Triumf của Nga và điều này sẽ đe dọa ít nhiều tới hợp tác quốc phòng giữa Washington và New Delhi trong tương lai.

Nhưng trên hết, như Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ từng đề cập đến việc miễn trừ CAATSA cho các quốc gia trên hồi tháng 5/2018 vì họ "Có xu hướng mua thêm vũ khí của Mỹ", giới tài phiệt nước này chắc chắn không muốn bỏ lỡ cơ hội xâm nhập những thị trường đầy tiềm năng mà việc áp dụng biện pháp cấm vận mang lại hại nhiều hơn lợi.

Chí Linh

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/quoc-phong-viet-nam/my-sua-luat-caatsa-theo-huong-co-loi-cho-viet-nam-3362526/