Mỹ sửa ý Trump, khẳng định không mua Greenland

Ý tưởng mua lại đảo Greenland của Đan Mạch từng được ông Trump nói như một giả thiết giờ lại được chính quyền ông Biden nói lại.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken vừa có chuyến thăm Đan Mạch và đã một lần nữa nhắc đến ý tưởng từ thời cựu Tổng thống Donald Trump cho rằng, Mỹ có thể sẽ mua đảo tự trị Greenland của Đan Mạch như một nỗ lực cạnh tranh với Nga ở Bắc Cực.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trong chuyến thăm Đan Mạch.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trong chuyến thăm Đan Mạch.

Trong cuộc phỏng vấn với kênh DR-TV của Đan Mạch, Ngoại trưởng Mỹ nói Washington không có kế hoạch mua đảo Greenland của Đan Mạch.

"Chúng tôi chỉ tập trung hướng về phía trước và câu trả lời ngắn gọn là không" - Ngoại trưởng Mỹ trả lời khi được hỏi liệu Washington có đang cân nhắc việc mua lãnh thổ tự trị của Đan Mạch hay không.

Ông Antony Blinken đang có chuyến thăm Đan Mạch, Iceland và Greenland như một phần trong chuyến công du khẳng định sự tập trung của chính quyền Tổng thống Joe Biden vào khu vực Bắc Cực, làm giảm bớt những ảnh hưởng của Nga tại đây. Ông Blinken sẽ tham dự cuộc họp Bộ trưởng của Hội đồng Bắc Cực tại Reykjavik.

Thực tế trong lịch sử, đã có 4 lần truyền thông quốc tế đề cập đến việc các nhà lãnh đạo Mỹ mong muốn mua hòn đảo chiến lược ở vùng xa xôi này.

Sáng kiến đầu tiên được cho là từ năm 1867 và gần nhất là cựu Tổng thống Donald Trump vào năm 2019. Khi đó, ông Trump được cho là đã nói về ý tưởng này trong một cuộc họp với các quan chức an ninh. Vị Tổng thống sau đó cũng không hoàn toàn phủ nhận về việc ông đã nói như vậy với các quan chức an ninh của mình mà chỉ phủ nhận việc ông lên kế hoạch mua Greenland. Ông Trump đã viết trên Twitter rằng ông không có ý định sẽ xây một tòa tháp Trump ở hòn đảo băng giá này, hàm ý nhắc đến lợi ích thực sự mà ông muốn hướng đến không phải là ở Greenland.

Dẫu vậy khi đó, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen bác bỏ đề xuất là "vô lý", thể hiện với giọng điệu có hơi hướng "kinh doanh" cho phù hợp với ý tưởng của ông Trump: "Greenland not for sale" (Greenland không phải để bán".

Phản ứng của ông Trump rất nhanh chóng sau tuyên bố này, ông gọi thủ tướng là "kẻ xấu xa" và hủy chuyến thăm Copenhagen.

Ông Trump từng chế giễu về ý định mua Greenland được truyền thông loan tin.

Chuyến thăm Đan Mạch của chính quyền mới của Tổng thống Joe Biden có thể cho thấy các nỗ lực mang lại tầm ảnh hưởng toàn cầu của Mỹ tại khu vực này. Đặc biệt là Washington cũng xác định sẽ tăng cường hiện diện ở Bắc Cực sau một thời gian dài chứng kiến tầm ảnh hưởng của Nga tại đây.

Hồi cuối tháng 4, quân đội Mỹ thời gian gần đây đã công bố 1 chiến lược nhằm đảm bảo ưu thế quân sự của Washington ở Bắc Cực.

Với tên gọi “Giành lại quyền thống trị Bắc Cực”, chiến lược nhằm mục đích thiết lập một trụ sở chỉ huy và các đơn vị có khả năng hoạt động ở mọi địa hình tại vùng địa cực băng giá, nâng cấp cơ sở hạ tầng trong khu vực, tập trung vào các hoạt động huấn luyện cá nhân và tập thể.

Theo kế hoạch đề ra, Lục quân Mỹ sẽ thành lập các đơn vị đặc nhiệm có khả năng sinh tồn, chiến đấu trong điều kiện khắc nghiệt ở Bắc Cực.

Tại Bắc Cực, các đơn vị đặc nhiệm của lục quân Mỹ có thể đóng góp đáng kể vào hoạt động răn đe trong thời bình và sẵn sàng ứng phó trong trường hợp xảy ra xung đột.

Các lực lượng Rangers, Delta Force và Green Berets đều có những kỹ năng và kinh nghiệm cần thiết giúp họ có thể thích nghi với môi trường khắc nghiệt tại Bắc Cực.

Trung đoàn Ranger số 75 được coi là "con cưng" và là lực lượng phản ứng nhanh tinh nhuệ nhất của Lục quân Mỹ hiện tại. Đơn vị này phụ trách các hoạt động đột kích, phục kích và chiếm giữ sân bay. Điều kiện giá lạnh tại Bắc Cực khiến các hoạt động tiếp tế và hậu cần gặp nhiều khó khăn. Vì thế nhiệm vụ chiếm giữ sân bay của Trung đoàn Ranger số 75 trở nên đặc biệt quan trọng trong trường hợp xảy ra xung đột.

Lực lượng Delta là đơn vị đặc nhiệm hành động trực tiếp của Lục quân Mỹ, có nhiệm vụ giải cứu con tin và chống khủng bố. Tại Bắc Cực, lực lượng này có thể tiến hành các hoạt động tác chiến phi truyền thống hay chống phá các lực lượng của đối phương.

Bên cạnh đó, Lực lượng Mũ nồi xanh (Green Berets), hay còn được gọi là lực lượng tác chiến đặc biệt trực thuộc quân chủng Lục quân của quân đội Mỹ. Họ được đào tạo đặc biệt, không chỉ chiến thuật tác chiến, trinh sát mà còn cả tâm lý chiến tranh, ngoại giao và chính trị. Họ có thể huấn luyện những binh sỹ khác thực hiện các kỹ năng chuyên biệt như leo núi hay hoạt động trong thời tiết giá lạnh.

Có thể thấy rõ Mỹ đã bắt đầu xác định các chiến lược một cách cụ thể hơn cho khu vực này khi nhận thấy tầm ảnh hưởng của Nga và đối thủ Trung Quốc đã bắt đầu trở thành mối nguy hiểm.

Các hoạt động kinh tế và quân sự ở Bắc Cực không phải là mới mẻ, nhưng giá trị của khu vực này ngày càng gia tăng khi tình trạng biến đổi khí hậu khiến việc tiếp cận trở nên dễ dàng hơn. Khi băng tan, sẽ có thêm nhiều tuyến đường mới được khai phá, thuận lợi cho hoạt động giao thương.

Tuyến đường biển phía bắc, trải dọc theo bờ biển nước Nga, kéo dài từ Na Uy đến Thái Bình Dương, hứa hẹn kết nối châu Âu và châu Á – hai thị trường đóng góp hơn 70% GDP của thế giới. Bắc Cực được biết đến là nơi có các nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào. Mặc dù quy mô và trữ lượng dầu mỏ, khí đốt tự nhiên tại khu vực này vẫn chưa được xác định, nhưng chắc chắn nó đủ lớn để thu hút sự quan tâm của các nước lớn và nhiều quốc gia trong khu vực. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu khiến nơi đây ngày càng trở nên dễ tiếp cận hơn với các lực lượng quân sự.

Các hình ảnh từ vệ tinh được công bố thời gian gần đây cho thấy, Nga đang triển khai các lực lượng với quy mô ngày càng lớn hơn và tăng cường thử nghiệm vũ khí mới tại Bắc Cực. Ngoài các lực lượng trên không và trên bộ, Nga còn có một Hạm đội phương Bắc “đáng gờm” đồn trú tại Bắc Cực, chiếm gần 75% sức mạnh của hải quân nước này. Hạm đội phương Bắc chịu trách nhiệm bảo vệ khu vực phía tây bắc của Nga, có thể tiếp cận Đại Tây Dương và Bắc Băng Dương. Trung Quốc dù không có đường biên giới với Bắc Cực, nhưng từ lâu đã cố gắng gây dựng tầm ảnh hưởng đối với khu vực.

Trước đó vào năm 2018, Trung Quốc tuyên bố nước này là một "quốc gia cận Bắc Cực" và khởi động Sáng kiến Con đường Tơ lụa vùng Cực. Tương tự như Sáng kiến Vành đai và Con đường, dự án này nhằm biến Bắc Cực trở thành tuyến đường trung chuyển cho hàng hóa Trung Quốc.

Hải Lâm

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/my-sua-y-trump-khang-dinh-khong-mua-greenland-3432370/