Mỹ-Taliban có thỏa thuận khung: Câu giờ hay đổi chiến lược?

Sau nhiều nỗ lực đàm phán, cuối cùng Mỹ và Taliban ở Afghanistan đã có một thỏa thuận khung về ngừng bắn và rút quân.

New York Times dẫn lời nhà một nhà đàm phán Mỹ hôm 28/1 cho biết Washington và lực lượng Taliban vừa đạt được một đồng thuận cơ bản cho các thỏa thuận hòa bình ở Afghanistan.

"Chúng tôi đã lên được thỏa thuận khung và sẽ cần thêm thời gian để bổ sung trước khi có được một thỏa thuận chính thức. Để có được thỏa thuận với Mỹ, Taliban sẽ phải cam kết không biến Afghanistan trở thành cơ sở cho các cá nhân hoặc nhóm khủng bố quốc tế" - đặc phái viên Zalmay Khalilzad, người Mỹ nói với New York Times.

Theo đặc phái viên này, thỏa thuận khung quy định quân nổi dậy phải đảm bảo ngăn chặn những kẻ khủng bố sử dụng lãnh thổ Afghanistan như một căn cứ, tạo điều kiện an toàn cho quân đội Mỹ rút lui, tuân thủ lệnh ngừng bắn và tiến hành các giải pháp chính trị với chính phủ Kabul.

Thực tế, cả Mỹ và Taliban đang rất quan tâm đến những cuộc đàm phán giữa hai bên. Trong tuần trước, phía Taliban đã thể hiện thiện chí khi bổ nhiệm một trong những thủ lĩnh có uy tín nhất của lực lượng này là Mullah Abdul Ghani Baradar làm đại diện đàm phán.

Mỹ đang tiến hành đàm phán hòa bình với các tay súng Taliban

Tuy nhiên, các bước tiến giữa Mỹ và Taliban không khiến cho chính quyền Kabul tin tưởng. Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani bày tỏ lo ngại những thỏa thuận này chỉ có thành tựu trên giấy tờ, và sau đó, mọi thứ sẽ sớm trở lại với con đường bạo lực.

"Chúng tôi muốn nhanh chóng có được hòa bình, chúng tôi muốn hòa bình thực sự, nhưng chúng tôi muốn thực hiện điều đó một cách thận trọng. Trong quá khứ đã có những sai lầm tai hại khi chúng tôi đã cả tin vào những gì mà Taliban thỏa thuận" - Tổng thống Ghani cho biết.

Song với thỏa thuận khung được định hình lần này, cơ hội để Mỹ có thể yên tâm rút khỏi Afghanistan một lần nữa đang rất rõ ràng. Hiện Mỹ đang hiện diện 14.000 quân tại quốc gia Trung Đông này, và Tổng thống Trump đang có ý tưởng sẽ rút ít nhất một nửa quân số ngay trong năm 2019.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng một thỏa thuận khung là không có gì để đảm bảo tính chắc chắn cho một tiến trình lâu dài. Nhưng điều này đã cho thấy nhiều vấn đề trong quan điểm của Mỹ với Afghanistan và thậm chí là cả Trung Đông.

Thứ nhất, việc đàm phán hòa bình với Taliban là một thất bại với chính sách Trung Đông cũ của Washington. Mỹ chính thức phát động cuộc chiến chống khủng bố năm 2001, thời Tổng thống G.W.Bush.

Gần 2 thập kỷ tham chiến, người Mỹ đang phải thừa nhận thất bại trước Taliban ở Afghanistan

Chính sách chống khủng bố cho phép Mỹ có thể liệt mọi tổ chức vào danh sách khủng bố, và huy động quân đội tham chiến trên mọi quốc gia và vùng lãnh thổ với tư cách chống khủng bố. Kết thúc mỗi cuộc chiến này, Mỹ sẽ thay đổi chính quyền sở tại bằng một chính quyền mới có thái độ thân thiết với Washington để tìm kiếm lợi ích lâu dài.

Tuy nhiên, gần hai thập kỷ chiến tranh tại Afghanistan, hàng chục nghìn sinh mạng quân nhân Mỹ đã đổ xuống, và bây giờ, họ đang phải ngồi lại để đàm phán với chính lực lượng mà họ cho là khủng bố.

Như vậy, chiến lược "chống khủng bố" của Mỹ đã thất bại. Và Tổng thống Donald Trump dù không tuyên bố, nhưng các nỗ lực của ông nhằm rút Mỹ ra khỏi bãi lầy Afghanistan đã gián tiếp thừa nhận sự thất bại đó.

Thứ hai, dù chiến lược Trung Đông cũ thất bại, nhưng Mỹ vẫn chưa tìm được một thiết kế mới để thay thế. Câu chuyện dài kỳ nhất là sự đối đầu giữa Mỹ và Iran.

Các đòn đánh kinh tế của ông Trump chưa đủ thuyết phục và sức nặng để hạ bệ Iran. Washington cần thêm sức ép từ các biện pháp quân sự. Dù không thể đưa quân trực tiếp "chống khủng bố" ở Iran, nhưng họ ít nhất phải có sự đề phòng.

Mỹ đã xây dựng được hệ thống căn cứ quân sự dày đặc bao vây Iran từ khắp phía. Nhưng với việc rút quân khỏi Afghanistan, một mặt trận đã được mở và thòng lọng của Mỹ cũng kém chặt.

Các nhóm vũ trang Taliban hiện đang nắm giữ khoảng 60% lãnh thổ Afghanistan với đa số vùng nông thôn, đồi núi

Vì thế, nếu muốn tiếp tục có sức ép lên Iran từ phía khu vực Afghanistan, Mỹ buộc phải thỏa thuận và tìm kiếm sự ủng hộ từ Taliban. Như vậy, tiêu chuẩn kép của Mỹ một lần nữa được tái hiện với khái niệm "ai là khủng bố".

Nhưng Taliban luôn tỏ ra là một đối tác không đáng tin cậy. Sự thù địch của nhóm phiến quân Hồi giáo này với Mỹ là rất sâu đậm. Hòa bình với Taliban đồng nghĩa với việc Mỹ chấp nhận dung dưỡng cho một thế hệ khủng bố chống Mỹ sau này.

Thứ ba, thỏa thuận khung là những điều kiện sơ bộ ban đầu. Nó có thể được thay đổi, được chỉnh sửa, hoặc đơn giản là không có giá trị nào nếu các cuộc đàm phán tiếp theo đi vào ngõ cụt.

Tuy nhiên trong thời gian đàm phán ấy, thiện chí của cả hai bên là điều được nhìn nhận, đánh giá đầu tiên. Do đó, khi còn duy trì thỏa thuận khung để đàm phán các thỏa thuận chính thức, Mỹ có thêm thời gian hòa hoãn, yên ổn và tránh leo thang đụng độ với Taliban.

Đây cũng có thể coi là một bước đi mang tính câu giờ. Nó cho phép các công trình sư ở Washington có thêm thời gian để theo dõi những tiến triển mới tại Trung Đông, kiểm chứng các mâu thuẫn trong nội bộ chính trị nước Mỹ, và đưa ra một sách lược mới với khu vực này.

Đỗ Tú

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/my-taliban-co-thoa-thuan-khung-cau-gio-hay-doi-chien-luoc-3373691/