Mỹ tăng sức mạnh hải quân đối phó Trung Quốc

Khẳng định Trung Quốc chưa thể bắt kịp hải quân Mỹ, tuy vậy Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper cho biết Washington vẫn cần tăng cường ngân sách để mở rộng lực lượng nhằm duy trì thế áp đảo.

Đội tàu khu trục DESRON 23 của hải quân Mỹ trên Thái Bình Dương. Ảnh: US Navy

Đội tàu khu trục DESRON 23 của hải quân Mỹ trên Thái Bình Dương. Ảnh: US Navy

Trong báo cáo gần đây, Lầu Năm Góc xác nhận Trung Quốc sở hữu lực lượng hải quân lớn nhất thế giới và đang đóng tàu nhanh đến mức Mỹ không đuổi kịp. Theo các số liệu, biên chế hải quân Trung Quốc hiện có 350 chiến hạm hoặc tàu có thể tham gia hoạt động chiến đấu so với 293 tàu của hải quân Mỹ. Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ước tính, cường quốc châu Á sẽ có khoảng 425 tàu chiến vào năm 2030.

Tuy nhiên, phát biểu tại Viện nghiên cứu RAND Corporation, Bộ trưởng Esper khẳng định Trung Quốc còn lâu mới sánh ngang với sức mạnh của hải quân Mỹ. “Ngay cả khi chúng tôi ngừng đóng tàu mới, Trung Quốc cũng sẽ mất nhiều năm để thu hẹp khoảng cách với Mỹ về năng lực trên biển cả” - ông Esper tuyên bố. Chủ nhân Lầu Năm Góc thừa nhận số lượng tàu chiến quan trọng, nhưng nó không quyết định tất cả bởi vẫn còn nhiều yếu tố ảnh hưởng khác như chủng loại và năng lực của tàu, kỹ năng thủy thủ, tài chỉ huy và sách lược chiến đấu.

Theo Popular Mechanics, lợi thế thực sự của hải quân Mỹ nằm ở hàng không mẫu hạm lớn và tàu tấn công đổ bộ. Hải quân Mỹ có 11 tàu sân bay từ 100.000 tấn trở lên, 9 tàu vận tải đổ bộ lớp Wasp và America. Về phần mình, Trung Quốc sở hữu hai tàu sân bay khoảng 60.000 tấn và đang chế tạo tàu vận tải đổ bộ đầu tiên Type 075.

Với tiềm lực như hiện tại, Bộ trưởng Esper cho biết Mỹ vẫn cần kế hoạch cụ thể để duy trì lợi thế, bao gồm tính toán mở rộng quy mô hạm đội lên hơn 355 tàu thông qua việc tăng ngân sách quốc phòng. Trong tương lai, hải quân sẽ bổ sung nhiều tàu nhỏ song song với việc xây dựng đội tàu ngầm lớn với năng lực trội hơn. Ngoài ra, lực lượng này cần chế tạo thêm tàu có người lái, không người lái hoặc tự hành, phi đội máy bay không người lái đóng trên tàu sân bay cùng chính sách răn đe chiến lược hiện đại. Cạnh tranh với các đối thủ mạnh về đóng tàu như Trung Quốc, Bộ trưởng Esper xác định các thiết bị không người lái là giải pháp khả thi và ít tốn kém nhất. “Hạm đội tương lai sẽ cân bằng hơn trong năng lực gây hiệu quả sát thương trên không, trên biển và dưới biển; có khả năng đối phó xung đột cường độ cao, thể hiện sức mạnh và sự hiện diện của Mỹ cũng như thực hiện các cuộc tấn công chính xác ở khoảng cách xa. Ðây sẽ là sự thay đổi lớn trong cách chúng ta tiến hành chiến tranh hải quân trong những năm và thập kỷ tới” - lãnh đạo Lầu Năm Góc nhấn mạnh.

Tại sự kiện hôm 16-9, Bộ trưởng Esper còn tái khẳng định Trung Quốc là mối đe dọa an ninh hàng đầu của Mỹ và nhấn mạnh Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương là khu vực ưu tiên của Lầu Năm Góc. Ông nêu rõ sự cần thiết hiện thực hóa hạm đội tương lai “có liên quan” yếu tố Trung Quốc cũng như mối đe dọa mà Bắc Kinh gây ra không chỉ cho Mỹ cùng các đồng minh mà còn đối với trật tự dựa trên luật lệ trong lĩnh vực ngoại giao, an ninh, chính trị và kinh tế. Ðặc biệt với những hành vi gây hấn và coi thường các cam kết trên Biển Ðông, theo ông Esper, Bắc Kinh đang toan tính tái định hình và phá hoại trật tự vốn phục vụ lợi ích cộng đồng quốc tế. Trước những thách thức này, Bộ trưởng Esper cho biết Washington phải sẵn sàng ngăn chặn xung đột và nếu cần, phải chiến đấu và chiến thắng ở trên biển.

MAI QUYÊN (Theo Business Insider)

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/my-tang-suc-manh-hai-quan-doi-pho-trung-quoc-a125515.html