Mỹ tạo căng thẳng với Iran, tạo cớ rút khỏi Iraq

Sau khi ám sát tướng Iran trên đất Iraq, Mỹ đã chịu áp lực và phải chuẩn bị kịch bản tồi tệ.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 13/1 cho biết, Washington sẽ làm việc với các nhà lãnh đạo Iraq để chuẩn bị cho kế hoạch giảm số lượng quân đội Mỹ khỏi nước này. Việc giảm số lượng binh sỹ Mỹ đồn trú sẽ được thiết kế để bảo vệ các lợi ích của Iraq.

Quân đội Mỹ hoạt động ở Iraq. Ảnh: AP

Quân đội Mỹ hoạt động ở Iraq. Ảnh: AP

"Tình hình lực lượng quân đội của chúng ta như thế nào sẽ được quyết định cùng chính quyền Iraq. Chúng ta sẽ làm việc với các nhà lãnh đạo được bầu chọn hợp pháp ở nước này.

Tôi nghĩ rằng chúng ta có thể đạt được cả hai mục tiêu này - giảm thiểu sự hiện diện của chúng ta ở Iraq và các rủi ro, trong khi vẫn đạt được mục tiêu của Mỹ tại Trung Đông, bao gồm cả Iraq" - ông Pompeo tuyên bố.

Quốc hội Iraq trước đó đã yêu cầu trục xuất các lực lượng quân đội nước ngoài ra khỏi đất nước mình, sau khi Mỹ hạ sát vị tướng hàng đầu của Iran Qassem Soleimani gần sân bay quốc tế Baghdad hôm 3/1 vừa qua. Hơn nữa, trong bối cảnh căng thẳng ở khu vực leo thang, Tổng thống Mỹ Donald Trump còn tiếp tục hối thúc các thành viên NATO tham gia vào cuộc chiến tại Trung Đông.

Phía Mỹ sau đó đã chấp thuận việc giảm số lượng binh sĩ Mỹ ở Iraq, tuy nhiên, sau khi thông báo bằng văn bản do gửi văn bản do người đứng đầu các lực lượng Mỹ tại Iraq, Chuẩn tướng William H. Seely III viết và gửi đi thì Iraq đã yêu cầu Washington phải giải thích về quyết định này do có sự sai lệch.

Cụ thể, Thủ tướng Iraq Adel Abdul Mahdi cho biết, bản tiếng Anh và tiếng Ả Rập trong lá thư của quân đội Mỹ có nội dung không giống nhau, vì thế ông Abdul Mahdi buộc phải yêu cầu Mỹ làm rõ sự việc này.

Lầu Năm Góc còn lập tức xác nhận bức thư trên là một “sự nhầm lẫn”. Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper khẳng định thêm rằng: “Vẫn chưa có quyết định hay kế hoạch rút quân Mỹ khỏi Iraq”.

Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ cũng nhấn mạnh các lực lượng của Mỹ vẫn đang hoạt động xung quanh Iraq và nước láng giềng Kuwait.

Thậm chí, sau đó Tổng thống Donald Trump còn cho rằng nghị quyết trên của Quốc hội Iraq là không có tính ràng buộc. Ông Trump còn đe dọa sẽ áp đặt lệnh trừng phạt lên Baghdad và khẳng định chỉ giảm số quân đội khỏi Iraq đi khi ... "nhận đủ tiền" xây căn cứ quân đội của Mỹ tại nước này.

Cho đến nay, Ngoại trưởng Mỹ đã tuyên bố rằng, Mỹ sẽ thực hiện động thái rút quân sau khi có cuộc họp làm việc với chính quyền Iraq.

Vụ tấn công tên lửa nhằm vào Tướng Iran Qasem tại sân bay ở Iraq của quân đội Mỹ đã chịu phản ứng rất tiêu cực.

Giới phân tích còn nêu quan điểm cho thấy phản ứng của Mỹ là sự coi thường luật pháp quốc tế cũng như không tôn trọng nước sở tại khi thực hiện tấn công tên lửa vào sân bay Iraq, kết quả khiến 6 người chết, 3 người bị thương nặng, bao gồm cả người Iraq. Vụ việc càng thúc đẩy mâu thuẫn giữa Mỹ và Iraq khi người dân nước này biểu tình tại Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad vì đã tấn công các binh sĩ Hezbollah được Iran hậu thuẫn.

Mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Mỹ và Iraq tới nay đã đẩy thêm một cú hích mới sau quyết định của Mỹ khi thực hiện vụ sát hại tướng Soleimani trở thành một giọt nước làm tràn ly, đe dọa đến sự hiện diện của chính quân đội Mỹ trong khu vực.

Hải Lâm

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/my-tao-cang-thang-voi-iran-tao-co-rut-khoi-iraq-3395146/