Mỹ: Thách thức của Tướng John Raymond

Nếu được Thượng viện phê chuẩn, Tướng John Raymond (hiện đang là Chỉ huy Bộ Tư lệnh vũ trụ của Không quân đóng tại bang Colorado), sẽ trở thành người lãnh đạo Bộ chỉ huy Vũ trụ sẽ sớm được thành lập ở Mỹ.

Theo thông báo hôm 26-3 của Lầu Năm Góc, Tổng thống Donald Trump đã đề cử Tướng John Raymond làm Tư lệnh Bộ chỉ huy Vũ trụ (Bộ chỉ huy Không gian) và việc này phải được Thượng viện thông qua.

Phát biểu trước Quốc hội về việc này, Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Patrick Shanahan nhấn mạnh, việc thành lập Cơ quan Phát triển Vũ trụ phải là ưu tiên sau khi thành lập Bộ chỉ huy Vũ trụ.

Theo đó, Bộ chỉ huy Vũ trụ sẽ tập trung vào việc thực hiện toàn bộ hoạt động tác chiến thời chiến trong không gian vũ trụ, cũng như đảm bảo khả năng sẵn sàng chiến đấu của các lực lượng vũ trang Mỹ. Và đây là thách thức lớn khi Tướng John Raymond ngồi vào chiếc ghế Tư lệnh Bộ chỉ huy Vũ trụ.

Hơn 3 tháng trước (18-12-2018), Tổng thống Donald Trump đã ra lệnh thành lập Bộ chỉ huy Vũ trụ. "Tôi ra lệnh thành lập Bộ chỉ huy Vũ trụ và tổ chức này sẽ hoạt động như một cơ quan chỉ huy tác chiến thống nhất của quân đội", Tổng thống Donald Trump viết trong thông báo gửi Bộ trưởng Quốc phòng khi đó là ông James Mattis. Và ông James Mattis từng cho rằng, vị thế thống trị trong không gian vũ trụ là điều sống còn của Mỹ và Lầu Năm Góc cần sẵn sàng cho việc này.

Được biết, hiện quân đội Mỹ đã có Bộ Tư lệnh vũ trụ thuộc Không quân, sau khi thành lập Bộ chỉ huy Vũ trụ sẽ thống nhất các hoạt động với số nhân viên khoảng 30.000 người.

Tướng John Raymond.

Tướng John Raymond.

Ông chủ Nhà Trắng từng khẳng định, việc thành lập lực lượng chiến đấu của Mỹ trong không gian là cần thiết bởi xứ sở cờ hoa hiểu rõ các đối thủ hàng đầu đang vượt lên trong lĩnh vực này.

Gần 1 năm trước (18-6-2018), Tổng thống Donald Trump đã chính thức chỉ đạo Bộ Quốc phòng "bắt đầu quá trình cần thiết để thành lập "Lực lượng Vũ trụ" như một quân chủng thứ 6 của lực lượng vũ trang Mỹ". Được biết, việc thành lập "Lực lượng Vũ trụ" hết gần 13 tỷ USD cho 5 năm đầu của kế hoạch, và con số này sẽ còn tăng lên.

Theo giới truyền thông, các cố vấn của Nhà Trắng từng khuyến nghị, "Lực lượng Vũ trụ" - quân chủng thứ 6 của Mỹ do Tổng thống Donald Trump đề xuất thành lập cần tìm cách phát triển các phương thức để có thể hoạt động được trong vũ trụ. Khuyến nghị này được đưa ra trong cuộc họp được tổ chức tại Đại học Quốc phòng ở Washington với sự tham dự của Phó Tổng thống Mike Pence.

Gần 8 tháng trước (9-8-2018), ông Mike Pence từng tiết lộ sơ bộ về kế hoạch thành lập "Lực lượng Vũ trụ". Theo đó, "Lực lượng Vũ trụ" (còn gọi là Lực lượng Không gian - Space Force) sẽ trở thành quân chủng thứ 6 của quân đội Mỹ vào năm 2020 và đây là quân chủng mới đầu tiên của nước này trong hơn nửa thế kỷ qua.

Ông Mike Pence cũng nhắc lại việc Tổng thống Donald Trump đề nghị Quốc hội đầu tư thêm 8 tỷ USD cho các hệ thống an ninh vũ trụ Mỹ trong 5 năm tới. Theo lời ông Mike Pence, "Lực lượng Vũ trụ" sẽ gồm 4 đơn vị chính, trong đó có Cơ quan phát triển vũ trụ và Lực lượng tác chiến vũ trụ.

Và bước đầu tiên là thành lập Bộ Tư lệnh Vũ trụ (gồm các chuyên gia hàng đầu về vũ trụ, được lấy từ các binh chủng hiện tại của quân đội Mỹ) vào cuối năm 2018, do Tướng Joseph Dunford, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ lãnh đạo. Bởi theo quyết định hôm 19-6-2018 của Tổng thống Donald Trump, Tướng Joseph Dunford là người chịu trách nhiệm thành lập "Lực lượng Vũ trụ".

Tổng thống Donald Trump đã thể hiện quyết tâm thành lập "Lực lượng Vũ trụ" bằng cách trao quyền chọn logo lực lượng này cho những người ủng hộ. Và các trợ lý của ông chủ Nhà Trắng tại Lầu Năm Góc đã gửi email cho người dân yêu cầu họ bỏ phiếu chọn mẫu logo cho "Lực lượng Vũ trụ".

Nếu được Quốc hội thông qua, "Lực lượng Vũ trụ" sẽ chịu trách nhiệm trong lĩnh vực vũ trụ - từ các vệ tinh phát tín hiệu của Hệ thống định vị toàn cầu (GPS) tới các thiết bị cảm biến theo dõi các vụ phóng tên lửa. Và một trong những nhiệm vụ của "Lực lượng Vũ trụ" là chống lại mối đe dọa có thể đến từ không gian có thể kết thúc nền văn minh, thậm chí là loài người.

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về Tuân thủ, Thanh sát và Kiểm soát vũ khí Yleem D.S. Poblete từng bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc Nga theo đuổi những vũ khí không gian mới, trong đó có hệ thống tia laser di động nhằm phá hủy những vệ tinh trong không gian vũ trụ.

"Đã đến lúc Mỹ cần chiếm ưu thế trong không gian như cách từng làm chủ bầu trời. Có khả năng sẽ xảy ra chiến tranh vũ trụ trong những năm tới và Mỹ cần đi đầu trong lĩnh vực này. Và đây là yêu cầu quốc gia", Tham mưu trưởng không quân David Goldfein tuyên bố.

Trịnh Huyền My

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/ho-so-interpol-cstc/my-thach-thuc-cua-tuong-john-raymond-539399/