Mỹ thần tốc sửa XQ-58A Valkyrie

Không quân Mỹ vừa có chuyến thử nghiệm thành công đầu tiên với XQ-58A Valkyrie sau khi chiếc UCAV tàng hình này hỏng nặng khi hạ cánh.

Chuyến bay được thực hiện hôm 23/1 tại sân bay Yuma Proving Ground ở Arizona với sự phối hợp của cả Không quân Mỹ và nhà sản xuất. Michael Wipperman, quản lý Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Không quân ( AFRL) thuộc Không quân Mỹ cho biết:

"Chiếc máy bay tấn công không người lái (UCAV) tàng hình XQ-58A Valkyrie đã hoàn thành tất cả các tiêu chí đề ra của cuộc thử nghiệm như hoạt động ổn định, chuyển hướng linh hoạt, cất - hạ cánh an toàn".

XQ-58A Valkyrie có thể phối hợp với nhiều máy bay khác khi thực hiện nhiệm vụ.

XQ-58A Valkyrie có thể phối hợp với nhiều máy bay khác khi thực hiện nhiệm vụ.

Việc Mỹ nối lại thử nghiệm với nguyên mẫu duy nhất của Valkyrie là thông tin khá bất ngờ bởi chiếc máy bay đã bị hỏng nặng trong chuyến bay thử hồi cuối năm 2019.

Nguyên nhân dẫn đến sự cố được xác định là trong quá trình hạ cánh bất ngờ có gió mạnh khiến máy bay bị mất thăng bằng và xảy ra va chạm xuống đường băng gây hỏng nặng.

Như vậy, Mỹ chỉ mất khoảng 2 tháng để sửa chưa toàn bộ hỏng hóc trên chiếc máy bay này. Theo Jane's, đây là điều thần kỳ bởi tại thời điểm gặp nạn, chính Không quân Mỹ không tin rằng có thể sửa chữa và cho chiếc XQ-58A Valkyrie cất cánh trở lại được.

XQ-58A Valkyrie có chiều dài khoảng 9,14m. Máy bay mới sẽ hoạt động ở tầm xa hơn 4.800 km. Nó có thể mang tải trọng 272 kg, bao gồm bom và tên lửa có đường kính nhỏ.

Máy bay có thể được sử dụng để làm lá chắn cho máy bay chiến đấu kiểm soát khả năng tác chiến đồng đội trên không, sẵn sàng đỡ đạn cho máy bay có phi công lái và hệ thống vũ khí tự động đắt tiền khác khi tác chiến.

Đặc biệt, tận dụng lợi thế tàng hình và hoạt động rất êm, XQ-58A Valkyrie có thể làm nhiệm vụ ở những nơi rất nguy hiểm với máy bay có người lái và tung ra những đòn đánh bất ngờ khiến đối phương không kịp trở tay.

Michael Wipperman lưu ý rằng ý tưởng về XQ-58A là làm ra một loại máy bay không người lái có khả năng chiến đấu với giá thấp thông qua việc sử dụng công nghệ sản xuất hiện đại.

"Ý tưởng cơ bản là chúng ta có thể chế tạo ra một loại máy bay có khả năng chiến đấu với giá thành thấp thông qua sử dụng công nghệ sản xuất hiện đại và giảm chi phí càng thấp càng tốt", Michael Wipperman nói.

Điểm làm nên sự đặc biệt của XQ-58A là cùng với khả năng tấn công rất mạnh, dòng UCAV này còn có thể thực hiện nhiệm vụ trinh sát khi cần. Tuy nhiên, so với chiếc MQ-4C Triton bị Iran bắn rơi hồi năm 2019, khả năng trinh sát của XQ-58A khiêm tốn hơn nhiều.

MQ-4C Triton là UAV dành cho Hải quân Mỹ, được phát triển từ mẫu RQ-4 Global Hawk của không quân. Mỗi hệ thống Trion hoàn chỉnh gồm một trạm chỉ huy mặt đất với 4 sĩ quan điều khiển và các máy bay không người lái.

MQ-4C được thiết kế với khung thân rất chắc chắn giúp chống chịu mưa đá, chim và sét đánh, cùng hệ thống chống đóng băng trên cánh. Dòng Triton cũng có thể nhanh chóng hạ độ cao xuống gần mặt biển để nhận diện tàu bè.

Cảm biến chính của Triton là radar mảng pha quét điện tử chủ động AN/ZPY-3, có khả năng quan sát khu vực rộng 5.200 km2 chỉ trong một lần quét ở độ cao 17 km. Khi hoạt động ở tầm thấp, Triton có thể triển khai tổ hợp quang điện - hồng ngoại MTS-B tương tự mẫu MQ-9 Reaper, kèm theo đó là thiết bị chỉ thị và đo xa laser.

Trinh sát rất mạnh nhưng Triton lại không có khả năng tấn công. Có thể đây chính là lý do khiến Mỹ phát triển XQ-58A - dòng máy bay có thể thực hiện nhiệm vụ độc lập vừa phối hợp với UAV và chiến đấu cơ khác.

Ngọc Hòa

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/my-than-toc-sua-xq-58a-valkyrie-3395969/