Mỹ thất bại trước cơn địa chấn AIIB?

Bất chấp sức ép của Oa-sinh-tơn, nhiều nước đồng minh và đối tác của Mỹ đã 'xé rào' xin gia nhập Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB) - định chế tài chính do Trung Quốc khởi xướng và cam kết đóng góp tài chính nhiều nhất. Một số chuyên gia phân tích cho rằng đây là một thất bại mới của Mỹ trong việc ngăn cản những bước đi của Bắc Kinh nhằm hình thành một trật tự kinh tế thế giới mới.

Anh - đồng minh của Mỹ - không cưỡng được sức hút của AIIB. Tranh biếm họa trên The Daily Telegraph.

Đến ngày 31/3 vừa qua (thời hạn “khóa sổ” danh sách các nước được công nhận là thành viên sáng lập AIIB), đã có 47 nước xin gia nhập AIIB với tư cách thành viên sáng lập, trong đó 30 nước đã được chấp nhận. Trong số 7 nước công nghiệp phát triển (G7), chỉ còn Mỹ và Nhật Bản hiện đứng ngoài AIIB, nhưng Tô-ki-ô vẫn để ngỏ khả năng gia nhập AIIB trong tương lai. Điều này được nhiều nhà phân tích xem như một thắng lợi ngoại giao của Trung Quốc và “thất bại bẽ bàng” đối với Mỹ.

Sức hút của AIIB

Cuối tháng 10 năm ngoái, tại Bắc Kinh, 21 quốc gia ở châu Á đã ký một bản ghi nhớ về việc thành lập AIIB với vốn pháp định 100 tỷ USD, trong đó vốn đăng ký ban đầu là 50 tỷ USD. Thể chế này dự kiến sẽ đi vào hoạt động cuối năm 2015 nhằm thúc đẩy đầu tư vào các lĩnh vực vận tải, năng lượng, viễn thông và các cơ sở hạ tầng của châu Á.

Sự ra đời của AIIB xuất phát từ thực tế châu Á là khu vực đông dân nhất thế giới, có nhu cầu về vốn để phát triển hạ tầng rất lớn. Theo dự báo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), trong giai đoạn 2010-2020, châu Á cần tổng cộng số tiền đầu tư lên tới 800 tỷ USD, trong đó gần 70% dùng cho việc xây dựng các cơ sở hạ tầng mới và hơn 30% dùng cho nâng cấp các cơ sở hạ tầng hiện có trong các lĩnh vực năng lượng, thông tin liên lạc, giao thông và xử lý nước thải.

Khác với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) - hai thể chế tài chính có nhiệm vụ và nghiệp vụ mang tính toàn cầu, AIIB có tính chất khu vực có thể phát huy vai trò hỗ trợ bằng việc đáp ứng các yêu cầu đầu tư ở châu Á, thúc đẩy sự phát triển ở khu vực. Hơn nữa, Trung Quốc cam kết không can thiệp vào chuyện nội bộ của các nước nhận nguồn tài chính hỗ trợ, điều hoàn toàn trái ngược với chính sách đối ngoại của phương Tây.

Không dừng ở phạm vi châu Á, Trung Quốc còn lôi kéo nhiều nước phương Tây tham gia. Tất nhiên, đối với các quốc gia châu Âu đang khát vốn do cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu, lợi ích kinh tế trong quan hệ với Trung Quốc là yếu tố quyết định. Khác với Mỹ, các nước châu Âu hầu như không có mâu thuẫn lợi ích chiến lược với Trung Quốc ở châu Á-Thái Bình Dương (TBD), do đó việc gia nhập AIIB không phải là quyết định khó khăn. Sau khi cân nhắc các lợi ích tài chính lâu dài, Anh đã đi bước đi thực dụng, tạm thời bỏ qua Mỹ để hướng tới các đối tác mới tiềm năng, trở thành nền kinh tế phương Tây lớn đầu tiên gia nhập câu lạc bộ sáng lập AIIB.

Thất bại của Mỹ?

Việc Anh, đồng minh đặc biệt của Oa-sinh-tơn đề nghị trở thành thành viên sáng lập AIIB, được xem là một thất bại của Mỹ. Chưa hết, sự quay lưng của Anh đã gây “hiệu ứng đô-mi-nô”, kéo theo một loạt nước Đức, Pháp, I-ta-li-a, Lúc-xăm-bua, Thụy Sĩ,… và nhiều đối tác quan trọng của Mỹ trong và ngoài khu vực châu Á-Thái Bình Dương như Hàn Quốc, Ô-xtrây-li-a, Ấn Độ, Bra-xin, Ca-na-đa gia nhập AIIB.

Nếu như việc các nước châu Âu gia nhập AIIB được cho là chủ yếu xuất phát từ lợi ích kinh tế, chọn Trung Quốc trong bối cảnh kinh tế châu Âu vẫn rất ảm đạm, thì việc ngay cả các đồng minh then chốt của Mỹ ở châu Á-TBD như Hàn Quốc, Ô-xtrây-li-a cũng gia nhập khiến dư luận đặt câu hỏi về ảnh hưởng của Mỹ và hiệu quả của chính sách “tái cân bằng” ở khu vực.

Rõ ràng, AIIB xuất hiện không chỉ phản ánh xu hướng dịch chuyển sang châu Á của các trung tâm tài chính toàn cầu, mà còn cho thấy sự nổi lên mạnh mẽ của Trung Quốc. Với lượng dự trữ ngoại tệ gần 4.000 tỷ USD (chiếm 1/3 tổng dự trữ ngoại tệ thế giới), Trung Quốc đã ấp ủ ý tưởng thành lập một ngân hàng ở châu Á nhằm đối trọng với IMF, WB và cả ADB - nơi Mỹ và các đồng minh là những nhà tài trợ lớn nhất. Sự xuất hiện của AIIB tất yếu sẽ tạo ra sự cạnh tranh, thách thức lớn đối với những thể chế tài chính vốn theo đuổi các giá trị và mục tiêu của phương Tây.

Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để khẳng định thất bại ngoại giao của Mỹ trong “vụ AIIB” báo hiệu sự cáo chung của trật tự tài chính quốc tế do Mỹ chi phối suốt 70 năm qua từ khi hệ thống Bretton Woods ra đời. Với việc thành lập AIIB, Trung Quốc mới lần đầu tiên thử nghiệm lãnh đạo một thể chế tài chính quốc tế, do vậy vẫn còn rất nhiều rủi ro phía trước. Hơn nữa, để chi phối trật tự tài chính quốc tế, việc có lượng tiền dự trữ lớn không quan trọng bằng việc quốc tế hóa đồng nội tệ. Nhìn lại lịch sử, ngay cả khi Mỹ đã qua mặt Anh trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 1872, phải mất hơn 40 năm, đồng USD mới truất ngôi được đồng Bảng Anh.

Đánh giá một cách đúng mức, AIIB ra đời và thu hút được sự tham gia của nhiều đồng minh, đối tác của Mỹ chỉ chứng tỏ thực tế rằng thế giới đang hướng tới một trật tự đa cực. Nhiều cường quốc phương Tây tham gia AIIB với tư cách thành viên sáng lập sẽ góp phần hạn chế khả năng Trung Quốc áp đặt luật chơi. Nếu vậy, như học giả Trung Quốc Dingding Chen nhận xét, AIIB không phải là thắng lợi của Trung Quốc, cũng chẳng phải là thất bại của Mỹ.

Ngọc Ánh

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/my-that-bai-truoc-con-dia-chan-aiib/