Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ leo thang căng thẳng xung quanh hệ thống S-400

Đầu tuần này, Thổ Nhĩ Kỳ đã chính thức thử nghiệm các hệ thống phòng không S-400 của Nga - tạo ra bước leo thang căng thẳng mới với Mỹ.

Thổ Nhĩ Kỳ hiện sở hữu 2 hệ thống S-400 của Nga. Ảnh: Sputnik

Thổ Nhĩ Kỳ hiện sở hữu 2 hệ thống S-400 của Nga. Ảnh: Sputnik

Mâu thuẫn trong việc mua bán vũ khí những tháng gần đây đã khiến mối quan hệ đồng minh Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng xấu đi. Đỉnh điểm là việc Mỹ loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình sản xuất chiến đấu cơ tối tân F-35 vào tháng 7 vừa qua, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ vừa là bên tham gia sản xuất, vừa là khách hàng. Từ đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan quyết định mua hệ thống phòng không của Nga vốn là khắc tinh của dòng máy bay chiến đấu chủ lực F-35 của Mỹ. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar, Mỹ đã từ chối nỗ lực của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc mua hệ thống phòng thủ Patriot, vì vậy, Thổ Nhĩ Kỳ mới phải mua S-400.

Trong những ngày gần đây, những nỗ lực đàm phán giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ nhằm xoa dịu căng thẳng đều không đạt hiệu quả. Ngày 14-11, tại cuộc hội đàm, Tổng thống Donald Trump đã bày tỏ thiện chí đối với Tổng thống Erdogan để nỗ lực thuyết phục từ bỏ hệ thống S-400 của Nga và mua hệ thống Patriot của Mỹ, nhưng Tổng thống Erdogan khẳng định, nước này có thể mua thêm hệ thống phòng thủ Patriot để dùng song song với hệ thống S-400.

Chỉ 2 tuần sau, bất chấp sự phản đối và đe dọa từ Mỹ, hệ thống phòng không S-400 mà Thổ Nhĩ Kỳ mua của Nga đã bắt đầu được vận hành thử nghiệm. Đây là hệ thống khí tài quân sự thuộc loại hiện đại nhất thế giới. Động thái này đã khẳng định cho thái độ cứng rắn của chính quyền Tổng thống Erdogan khi sẵn sàng đối đầu với người đồng cấp Mỹ Donald Trump và sự bất đồng đã thêm một bước leo thang cao hơn.

Bình luận về sự việc này trên mạng xã hội, Thượng nghị sĩ Mỹ Christopher Van Hollen đã đưa ra lời khẳng định rằng, sau 2 tuần kể từ cuộc hội đàm ở Nhà Trắng (Mỹ), Thổ Nhĩ Kỳ thử nghiệm S-400 là hành động vượt “lằn ranh đỏ”. Một trong những lý do khiến hệ thống phòng không S-400 được ví von là “Rồng lửa” của Nga không được Mỹ chấp nhận bởi không phù hợp với các hệ thống phòng thủ của NATO mà Thổ Nhĩ Kỳ cũng là thành viên. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định sẽ không tích hợp “Rồng lửa” S-400 vào hệ thống phòng thủ chung NATO dưới mọi hình thức và chỉ hoạt động như một hệ thống độc lập.

Chưa dừng lại ở việc sở hữu 2 hệ thống S-400 - mối đe dọa đối với Mỹ và NATO, một ngày sau khi thử nghiệm, phía Nga tiết lộ, 2 nước đã có kế hoạch ký hợp đồng cung cấp thêm các hệ thống tên lửa S-400 vào nửa đầu năm 2020. Trong đó, ngoài việc nhập khẩu từ Nga, một số thành phần của hệ thống S-400 sẽ được nội địa hóa ngay tại Thổ Nhĩ Kỳ. Trước những động thái mới của Thổ Nhĩ Kỳ, giới quan sát quốc tế đánh giá, nỗ lực của Mỹ trong việc ngăn chặn các quốc gia mua bán vũ khí với Nga bằng các lệnh trừng phạt đang dần suy yếu.

Trong một diễn biến khác, ngày 26-11, không chỉ đẩy mạnh năng lực quân sự, Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa ra tối hậu thư cho NATO. Theo đó, Thổ Nhĩ Kỳ - nước có số lượng binh lính lớn thứ 2 trong NATO - sẽ từ chối tham gia Kế hoạch phòng vệ chung đối với Baltic và Ba Lan, nếu NATO không chính thức coi người Kurd ở miền Bắc Syria là tổ chức khủng bố. Đây được xem là hành động leo thang mới của Thổ Nhĩ Kỳ, khiến mối quan hệ giữa nước này với Mỹ và NATO càng thêm trầm trọng.

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/my-tho-nhi-ky-leo-thang-cang-thang-xung-quanh-he-thong-s-400/