Mỹ - Thổ sắp 'xâu xé' S-400: Nga vẫn bình tâm như 'người đi trên dây'?

Dù không thích những kịch bản liên quan đến việc Mỹ toàn quyền giám sát S-400, Nga vẫn tỏ ra không quan tâm đến vòng thỏa hiệp sắp tới giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ.

S-400.

S-400.

Tin đồn S-400

Chưa đầy một tuần trước khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan có cuộc gặp đầu tiên với người đồng cấp Joe Biden, đã có những tin đồn xoay quanh một thỏa thuận cho phép hệ thống S-400 nằm đưới sự giám sát của Mỹ, điều sẽ giúp cứu vãn mối quan hệ giữa hai đồng minh NATO.

Tuy nhiên, các nguồn tin ngoại giao am hiểu vấn đề đã phủ nhận bất kỳ thỏa thuận tiềm năng nào được đưa ra.

“Đây là lần đầu tiên tôi nghe thấy điều này”, Al-Monitor dẫn lời một quan chức cấp cao của Thổ Nhĩ Kỳ. Một quan chức phương Tây khác gọi những tin đồn này là “trò lừa bịp”.

“Ông Erdogan đang thể hiện sự cứng rắn. Cũng như không có khả năng Nga chấp nhận cất giữ S-400 dưới sự giám sát của Mỹ. Đúng như năng lực vốn có của vũ khí này, họ có ý định hạ gục máy bay chiến đấu F-16 và F-35 do Mỹ sản xuất”, quan chức phương Tây nói thêm.

Giới quan sát cũng thể hiện sự kém lạc quan về cuộc gặp dự kiến giữa hai nhà lãnh đạo Erdogan và Biden bên lề hội nghị thượng đỉnh NATO ngày 14/6 tại Brussels.

Soner Cagaptay, một thành viên tại Viện Chính sách Cận Đông ở Washington nói rằng Ankara đã đưa ra lời đề nghị đặt hệ thống của Nga dưới sự giám hộ chung của Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ tại một cơ sở của NATO. Đổi lại, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ vận hành và bảo vệ sân bay Kabul của Afghanistan

Bên cạnh đó, kịch bản quen thuộc như triển khai S-400 dưới sự kiểm soát của Mỹ tại căn cứ không quân Incirlik ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ cũng được nêu ra.

Sinan Ulgen, một cựu quan chức ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ lập luận trên Bloomberg rằng, Ankara có thể “chấp nhận một thỏa thuận mà họ chỉ có thể sử dụng hệ thống này trong những trường hợp ngoại lệ gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia. Việc lắp đặt S-400 tại căn cứ không quân Incirlik sẽ cho phép Mỹ dễ dàng giám sát việc tuân thủ”.

Tuy nhiên, các nhà phân tích khác bác bỏ những tuyên bố trên. Đáng chú ý, đề xuất đầu tiên đã được chính quyền Trump chào hàng trước đây và bị Ankara từ chối. “Lựa chọn đó không còn trên bàn. Tôi không nghĩ chính quyền mới quan tâm đến bất kỳ cuộc thương lượng lớn nào với Thổ Nhĩ Kỳ”, Gonul Tol, chuyên gia về Thổ Nhĩ Kỳ từ Viện Trung Đông, nhấn mạnh.

Nga không thích phỏng đoán

Nga sẽ không thích kịch bản Mỹ giám sát S-400.

“Không thể có bất kỳ giải pháp nào nếu S-400 vẫn nằm trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ, kể cả ờ một căn cứ như Incirlik. Sau này, Thổ Nhĩ Kỳ hoàn toàn có thể yêu cầu người Mỹ về nước và tuyên bố kích hoạt S-400. Giải pháp khả thi duy nhất sẽ là đưa S-400 trở lại Nga hoặc cất giữ chúng ở một quốc gia NATO khác, dưới sự giám sát chung của Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ”, Alan Makovsky, một thành viên cấp cao tại Trung tâm Tiến bộ Mỹ, nêu quan điểm.

Cho đến lúc này Tổng thống Erdogan dường như vẫn tin rằng “thương hiệu” Thổ Nhĩ Kỳ sẽ giúp ông có được đòn bẩy và sự lo sợ "mất" một đồng minh quan trọng của NATO sẽ khiến chính quyền Biden lùi bước.

Đối với người Nga, “họ sẽ không thích những kịch bản trên”, Makovsky thừa nhận. “S-400 không chỉ là một cuộc mua bán vũ khí; thương vụ còn tượng trưng cho nỗ lực của Nga trong việc sử dụng Thổ Nhĩ Kỳ để gây chia rẽ liên minh phương Tây”.

“Việc ông Erdogan từ bỏ S-400 sẽ là tín hiệu thất bại - ít nhất là thất bại một phần - của nỗ lực đó”, Makovsky nói. “Điều quan tâm nhất của Moscow sẽ là về sự thỏa hiệp công nghệ. Chắc chắn họ không ngờ nghệch khi chuyển giao S-400 cho một quốc gia NATO mà Mỹ và các đồng minh sẽ tìm cách nắm bắt công nghệ đó. Vì lý vậy, dự đoán chính xác nhất lúc này là Thổ Nhĩ Kỳ đã không nhận được phiên bản tinh vi nhất của S-400 từ Nga”.

Theo Al-Monitor, trong khi đó các nhà ngoại giao phương Tây khác cũng không đồng ý với những giải pháp trên, một nhà ngoại giao đã so sánh một cách thực tế hơn: “Liệu Mỹ có để cho Thổ Nhĩ Kỳ đặt hệ thống Patriot vào căn cứ của Nga? Không đời nào. Vậy tại sao người Nga lại chấp nhận điều đó?”

Nga vẫn chưa đưa ra bình luận chính thức, điều này cho thấy Điện Kremlin không quan tâm đến việc dự đoán tình hình sẽ thế nào trong vòng thỏa hiệp Mỹ-Thổ đầu tiên – ít nhất là ở thời điểm này.

Trương Mạnh Kiên

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/my-tho-sap-xau-xe-s-400-nga-van-binh-tam-nhu-nguoi-di-tren-day-a517317.html