Mỹ thử nghiệm robot chiến đấu, hỏa lực thua xa sản phẩm của Nga

Lục quân Mỹ hiện đang thử nghiệm nguyên mẫu xe chiến đấu không người lái M5 Ripsaw được trang bị pháo 30mm và súng máy 7,62mm. Dù vậy số khí tài này bị đánh giá là thua kém sức mạnh so với robot chiến đấu phân khúc tương đương đến từ Nga.

Quân đội Mỹ gần đây cho biết, họ bắt đầu thử nghiệm phương tiện chiến đấu không người lái (robot) M5 Ripsaw tại căn cứ Fort Dix, bang New Jersey.

Robot chiến đấu này sử dụng tháp pháo Protector điều khiển từ xa do hãng Kongsberg Defence Systems phát triển.

Pháo Mk44 Bushmaster II cỡ nòng 30mm và súng máy M240 cỡ nòng 7,62mm được lựa chọn để gắn trên tháp pháo này.

Dù đây là hai chủng loại vũ khí mạnh mẽ, nhưng nếu so với sản phẩm cùng loại của Nga là Uran-9 thì hỏa lực trên robot chiến đấu Mỹ lại thua kém hơn nhiều.

Robot Uran-9 của Nga ngoài pháo 30mm, súng máy 7,62mm, chúng còn có thể triển khai tới 8 tên lửa chống tăng cực mạnh.

Được biết Ripsaw M5 đã được chế tạo bởi Howe & Howe, một công ty được gây dựng bởi hai anh em Mike và Geoff Howe, sau đó được mua lại bởi tập đoàn công nghiệp Textron trong năm 2018.

Lục quân Mỹ đang xem xét đưa M5 Ripsaw vào chương trình phát triển Phương tiện Chiến đấu Robot hạng trung (RCV-M), nằm trong đề án phát triển Phương tiện Chiến đấu Đa chức năng Thế hệ tiếp theo (NGCV-CFT) của quân đội Mỹ.

M5 Ripsaw nặng 10 tấn tương đương Uran-9 của Nga, chúng sử dụng động cơ diesel - điện, có thể đạt tốc độ tối đa 40 km/h.

Lục quân Mỹ hiện đang có 4 nguyên mẫu RCV-M, bao gồm M5 Ripsaw, lên kế hoạch thử nghiệm tất cả trước tháng 9.

Theo Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội, lục quân Mỹ muốn nghiên cứu tích hợp các loại module cho nguyên mẫu RCV-M, bao gồm tổ hợp vũ khí điều khiển từ xa thông thường (CROWS) với tên lửa chống tăng FGM-148 Javelin.

FGM-148 Javelin là loại tên lửa chống tăng hiện đại với kiểu tấn công "đột nóc" vào phần giáp yếu nhất của xe tăng để phá hủy chúng.

Trước đó Mỹ đã thử nghiệm thành công tên lửa FGM-148 Javelin gắn trên robot chiến đấu hạng nhẹ, tuy vậy tầm hoạt động của phương tiện này ngắn, khả năng mang vác chỉ được 1 tên lửa chống tăng.

Nếu được gắn, mỗi chiếc M5 Ripsaw có thể đem theo 4 hoặc 8 quả tên lửa FGM-148 Javelin giúp tăng cường hỏa lực đáng kể, và sức chiến đấu lúc này sẽ tương đương với Uran-9 của Nga.

Để phòng vệ, M5 Ripsaw được hệ thống phun khói ngụy trang, hệ thống gây nhiễu tín hiệu điều khiển tên lửa chống tăng.

Ngoài ra M5 Ripsaw còn có thể triển khai UAV cỡ nhỏ do FLIR Systems phát triển, cung cấp nhận thức tình huống toàn cảnh 360 độ cũng như video chất lượng cao về không gian tác chiến.

"M5 Ripsaw có thể đi trước lực lượng cơ giới có người lái để xác định kẻ thù, chướng ngại vật hay chất độc, sau đó các binh sĩ sẽ xác định hướng hành động phù hợp nhất", chuẩn tướng Ross Coffman, giám đốc đề án NGCV-CFT, cho biết.

Hệ thống vũ khí RCV-M sẽ là một trong ba mẫu phương tiện chiến đấu mà lục quân Mỹ sẽ mua vào những năm tới.

Trước đó Lục quân Mỹ tháng 12/2020 nhận hai nguyên mẫu robot chiến đấu hạng nhẹ (RCV-L) với trọng lượng khoảng 7 tấn. Trong khi đó mẫu hạng nặng RCV-H vẫn đang được Mỹ phát triển.

Việt Hùng

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/anh-my-thu-nghiem-robot-chien-dau-hoa-luc-thua-xa-san-pham-cua-nga-post474891.antd