Mỹ thử nghiệm tên lửa bội siêu thanh thất bại: Thua trắng trước Nga

Mặc dù đổ vào rất nhiều tiền nhưng dự án tên lửa bội siêu thanh của Mỹ vẫn chưa đạt được như kỳ vọng. Ở lĩnh vực này, Mỹ đã để Nga vượt mặt.

Ngày 5/4, cuộc thử nghiệm bay tăng cường đầu tiên với tên lửa bội siêu thanh, tên là Vũ khí phản ứng nhanh trên không (ARRW) AGM-183A của Lực lượng Không quân Mỹ đã được thực hiện. Mục đích của cuộc thử nghiệm là tên lửa đẩy nhưng cuộc thử nghiệm đã thất bại. Thông tin này được phòng truyền thông của Không quân Mỹ công bố.

Tướng Heath A. Collins, giám đốc điều hành chương trình vũ khí của Không quân Mỹ cho biết trong thông cáo báo chí: “Chương trình ARRW đã vượt qua các ranh giới kể từ khi thành lập và chấp nhận rủi ro có tính toán để phát triển khả năng quan trọng này. Mặc dù thử nghiệm đã bị thất bại nhưng đã cung cấp những thông tin vô cùng quý giá để chúng tôi giúp kinh nghiệm và tiếp tục hoàn thiện trong thời gian tới”.

Vụ thử tên lửa bội siêu thanh mới nhất của Mỹ đã bị thất bại.

Vụ thử tên lửa bội siêu thanh mới nhất của Mỹ đã bị thất bại.

Cuộc thử nghiệm được tiến hành trên biển Point Mugu ở bang California. Đây sẽ là lần đầu tiên ARRW khai hỏa bằng phương tiện tăng cường, nhưng tên lửa đã không "hoàn thành trình tự phóng" và không tách khỏi máy bay B-52H Stratofortress. Quả tên lửa vẫn nằm trong máy bay.

Đây là chuyến bay thử nghiệm thứ tám của chương trình ARRW. Trước đây, ARRW đã thử nghiệm trên 7 chuyến bay.

Tên lửa AGM-183A được thiết kế để có thể vượt qua hệ thống phòng thủ dày đặc của đối phương và tấn công các mục tiêu giá trị như cầu cảng, sân bay và các cơ sở khác.

Tên lửa AGM-183A được cho là có tầm bắn 1.600 km và các cuộc thử nghiệm nhằm xác định, loại tên lửa này có đạt vận tốc bội siêu thanh hay không. Quân đội Mỹ kỳ vọng, tên lửa có thể đạt tốc độ gấp 20 lần tốc độc âm thanh. Nếu các cuộc thử nghiệm thành công, loại tên lửa sẽ được đưa vào biên chế trong vài năm tới.

Năm 2018, Lockheed Martin ký hợp đồng trị giá lên tới 480 triệu USD để phát triển tên lửa bội siêu thanh ARRW. Hợp đồng bao gồm, phát triển, thử nghiệm và sản xuất hàng loạt.

Các quan chức của Không quân Mỹ từng tuyên bố, chuyến bay thử nghiệm tăng cường đầu tiên được lên kế hoạch vào tháng 12/2020, nhưng sau đó bị đẩy sang ngày 1/3 và cuối cùng là chuyển sang đầu tháng 4.

Defense News đưa tin: “Trong năm tài chính 2021, Quốc hội đã phân bổ 386 triệu USD cho Không quân để phát triển dự án tên lửa siêu thanh. Số tiền này đã tăng 5 triệu USD so với yêu cầu ngân sách của dịch vụ. Nhưng, mức tăng này đi kèm với sự đánh đổi. Năm ngoái, Không quân thông báo, họ sẽ hủy bỏ một chương trình vũ khí siêu thanh khác cũng do Lockheed Martin sản xuất. Ngân sách không đủ đã buộc phải hy sinh dự án này để tập trung tổng lực cho dự án khác”.

Hiện tại, cuộc đua về vũ khí siêu bội thanh đang ngày càng trở nên căng thẳng. Trong cuộc đua này, Nga có lợi thế hơn khi tên lửa bội siêu thanh của Nga đã được ra mắt và thử nghiệm thành công.

Tháng 3/2018, Tổng thống Nga Vladimir Putin công khai xác nhận việc sở hữu tên lửa bội siêu thanh. Thời điểm đó, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Michael Griffin thừa nhận, về lĩnh vực này Nga đã vượt qua Mỹ.

Để theo kịp đối thủ, tháng 1/2020, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper thông báo, Lầu Năm Góc sẽ tăng đầu tư và thử nghiệm phát triển vũ khí bội siêu thanh sớm hơn kế hoạch.

Cuộc thử nghiệm tên lửa thất bại bị coi là bước lùi của Mỹ trong cuộc chạy đua với Nga và Trung Quốc ở lĩnh vực phát triển vũ khí bội siêu thanh.

Clip thử tên lửa bội siêu thanh của Mỹ:

HÒA AN (Theo SF)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/my-thu-nghiem-ten-lua-boi-sieu-thanh-that-bai-thua-trang-truoc-nga-a510701.html