Mỹ thử nghiệm tên lửa mới 'ăn đứt' Iskander-M và 'xuyên thủng' S-400 của Nga

Mỹ vừa hoàn thành thử nghiệm lần 3 loại tên lửa mới được cho có thể xuyên thủng hàng phòng thủ của S-400 và có tầm bắn gần gấp 2 tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander-M của Nga.

Theo báo cáo của Defensenews, Tập đoàn quốc phòng Lockheed Martin của Mỹ vừa hoàn thành cuộc bắn trình diễn thứ ba và cũng là cuối cùng trong giai đoạn thử nghiệm đầu tiên của chương trình phát triển tên lửa tấn công chính xác PRSM.

Mỹ vừa hoàn thành lần thử nghiệm thứ 3 của tên lửa PRSM. Nguồn: Sina.

Mỹ vừa hoàn thành lần thử nghiệm thứ 3 của tên lửa PRSM. Nguồn: Sina.

Trong đợt thử nghiệm lần này, Mỹ vẫn sử dụng bệ phóng của hệ thống pháo phản lực phóng loạt HIMARS M142 để phóng tên lửa PRSM và đã tấn công chính xác mục tiêu ở khoảng cách 85 km tại trường bắn White Sands, bang New Mexico.

Trước đó, các nguyên mẫu của tên lửa PRSM được đánh giá khả năng tấn công lần lượt ở khoảng cách 240 km và 180 km trong hai lần bắn trình diễn đầu tiên. Ở giai đoạn thử nghiệm tiếp theo, nhà thầu Lockheed Martin sẽ bắn tên lửa PRSM ở những khoảng cách xa hơn.

Ban đầu, tên lửa PRSM được thiết kế có tầm bắn tối đa dưới 500 km. Tuy nhiên, sau khi Washington rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), Lục quân Mỹ được cho là đã yêu cầu hãng Lockheed Martin tăng tầm bắn của tên lửa PRSM lên tới 750 km (xa gấp rưỡi tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander-M của Nga).

Tên lửa mới của Mỹ có tầm bắn hơn hẳn Iskander-M của Nga. Nguồn: Sina.

Như vậy, tên lửa PRSM sẽ sở hữu khả năng tấn công tương đương với các dòng tên lửa đạn đạo tầm ngắn nhưng vẫn có thể sử dụng được trên khung gầm của hệ thống pháo phản lực phóng loạt MLRS M270 và HIMARS M142 (phiên bản thu gọn của M270), số đạn mang theo lên tới 4 quả cho mỗi bệ phóng.

Chuẩn tướng John Rafferty, Giám đốc dự án Vũ khí tấn công chính xác tầm xa (LRPF) của Lục quân Mỹ khẳng định, việc phát triển hệ thống PRSM là một trong những nhiệm vụ quan trọng, ưu tiên hàng đầu của công nghiệp quốc phòng Mỹ. "Chúng ta phải phát triển các hệ thống vũ khí tên lửa tầm trung phóng từ mặt đất. Thất bại trong việc phát triển hệ thống tên lửa này sẽ bị các đồng minh đặt câu hỏi về năng lực của Mỹ trong việc đảm bảo cân bằng với sự đe dọa từ phía Nga", vị tướng Mỹ nói.

Tên lửa PRSM có thể phóng bằng hệ thống HIMARS M142. Nguồn: Sina.

Lần bắn thử này đã chứng minh được độ tin cậy và những tính năng kỹ chiến thuật quan trọng mà hãng Lockheed Martin đã đưa vào trong thiết kế tên lửa PRSM. Mục tiêu chung của giai đoạn thử nghiệm đầu tiên là xác định quỹ đạo bay, tầm bắn và độ chính xác của tên lửa, độ sai lệch và khả năng sát thương của đầu đạn, khả năng tích hợp với bệ phóng HIMARS M142, tốc độ phóng tên lửa trong thực tế.

Đây sẽ là tên lửa tầm trung mới của Mỹ hiện đại hàng đầu thế giới, trong tương lai nó sẽ là công cụ chính của Lục quân Mỹ để tấn công chính xác các mục tiêu tầm xa như hệ thống phòng không tích hợp thế hệ mới và pháo pháo phản lực tầm xa, trong đó, mục tiêu hàng đầu chính là hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-400 của Nga.

Thời gian tới, Mỹ sẽ tích hợp thêm nhiều công nghệ mới để giúp tên lửa này có khả năng theo dõi các mục tiêu nhỏ, như mục tiêu hàng hải trên biển ở khu vực Thái Bình Dương như tàu chiến Trung Quốc, hoặc radar cảnh báo sớm ở châu Âu.

S-400 của Nga sẽ bị PRSM “xuyên thủng”. Nguồn: Sina.

Ra mắt vào năm 2017, chương trình PRSM được thực hiện để tạo ra một thế hệ tên lửa chiến thuật hoạt động có độ chính xác cao với tốc độ hơn 5 Mach và tầm bắn chính thức ban đầu từ 60 đến 499 km. Tên lửa siêu thanh mới của Mỹ được phát triển để thay thế cho tên lửa lỗi thời của hệ thống tên lửa chiến thuật tầm ngắn ATACMS MGM-140. Lục quân Mỹ dự kiến sẽ nhận các đơn vị tên lửa PRSM để tiến hành nghiệm thu, đưa vào biên chế từ năm 2023.

Tuy nhiên, giới quân sự Mỹ cho rằng, tồn tại của PRSM là thiếu phiên bản tên lửa có khả năng tấn công tầm xa tới 2.500 km, tương tự như Iskander với biến thể tên lửa hành trình. Nhưng do học thuyết quân sự của Mỹ khác với Nga, sự thiếu sót của PRSM có thể được bù đắp bởi các loại tên lửa tiến công đường không hay từ chiến hạm khác.

Đức Trí (lược dịch)

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/quan-su/my-thu-nghiem-ten-lua-moi-an-dut-iskander-m-va-xuyen-thung-s-400-cua-nga-62252.html