Mỹ thử nghiệm tổ hợp vũ khí phòng không tầm thấp IM-SHORAD

Đại tá Chuck Warshim, lãnh đạo chương trình phát triển Vũ khí tên lửa phòng thủ thuộc Lầu Năm góc cho biết, quá trình phát triển tổ hợp tên lửa phòng không tầm thấp cơ động cao IM-SHORAD đang được đẩy nhanh.

Động thái trên nhằm đáp ứng yêu cầu phòng thủ bảo vệ các lực lượng quân sự Mỹ trước các loại bom, tên lửa và rocket.

Theo đó, giai đoạn thử nghiệm đầu tiên của IM-SHORAD sẽ kết thúc vào tháng 6 tới. Nếu mọi việc diễn ra thuận lợi, dòng vũ khí phòng không mới này có thể hoàn thiện ngay trong cuối năm 2020 để triển khai tại châu Âu trong tương lai gần.

Trong biên chế Quân đội Mỹ, tổ hợp IM-SHORAD được thiết kế để hộ tống các đoàn xe chiến đấu Stryker kể cả trong trạng thái hành quân hoặc phòng thủ điểm. Giới chức quân sự Mỹ đánh giá, IM-SHORAD đáp ứng được sự thiếu hụt các loại vũ khí phòng thủ tên lửa tầm thấp của Quân đội Mỹ. Trước đây, Quân đội Mỹ sử dụng tổ hợp vũ khí phòng không tầm thấp Avenger, nhưng nó đã không chứng minh được hiệu quả thực chiến.

 Nguyên mẫu tổ hợp IM-SHORAD.

Nguyên mẫu tổ hợp IM-SHORAD.

Toàn bộ tổ hợp IM-SHORAD được đặt trên khung gầm xe bọc thép bánh hơi Stryker, vốn là khung gầm cơ sở của nhiều dòng vũ khí hiện có của Quân đội Mỹ. Cấu hình đa năng của vũ khí phòng không này là sự kết hợp giữa 2 cụm module 4 tên lửa Stinger, 2 tên lửa chống tăng Hellfire và pháo bắn nhanh 30mm. Với hỏa lực trên, IM-SHORAD không chỉ đáp ứng khả năng phòng không, mà còn đảm nhiệm vai trò thứ yếu là chống tăng và áp chế hỏa lực mặt đất khi cần.

Cung cấp thông tin và khóa mục tiêu cho tổ hợp vũ khí là hệ thống radar đa hướng Blue Force Tracker được tích hợp khả năng phân biệt địch-ta. Công nghệ này do Israel phát triển và đã khẳng định độ tin cậy trong thực chiến.

Trong tương lai, tổ hợp IM-SHORAD sẽ được trang bị vũ khí laser để nâng cao hiệu quả tác chiến.

Trong tương lai, IM-SHORAD có thể được tích hợp thêm vũ khí laser công suất 50 Kilowatt. Đây có thể là bước chuyển mang tính cách mạng trong lĩnh vực vũ khí phòng không chiến thuật. Vũ khí laser có nhiều ưu điểm hơn so với vũ khí truyền thống. Với tốc độ chiếu xạ tương đương ánh sáng, vũ khí laser có thể tiêu diệt mục tiêu gần như tức thì. Tuy nhiên, việc tích hợp tổ hợp vũ khí laser cần nguồn năng lượng lớn và khung gầm xe Stryker rất khó có thể đáp ứng. Các nhà phát triển Mỹ sẽ cần nhiều thời gian để hoàn thiện công nghệ vũ khí laser đủ nhỏ gọn lắp trên phương tiện tác chiến cấp chiến thuật như xe chiến đấu Stryker.

Hiện tại, Quân đội Mỹ đang có kế hoạch mua khoảng 144 tổ hợp IM-SHORAD.

TUẤN SƠN (theo Lenta)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/tin-tuc/my-thu-nghiem-to-hop-vu-khi-phong-khong-tam-thap-im-shorad-614051