Mỹ thừa nhận miếng bánh Bắc Cực đang tuột khỏi tay

Theo giới quan chức Mỹ, Trung Quốc không phải là quốc gia Bắc Cực nhưng cũng muốn chia phần bánh ở đây, trong khi Mỹ không quan tâm đến điều này.

Tờ tạp chí Mỹ “Lợi ích Dân tộc” (National Interest - NI) mới đây có bài viết cho rằng, Bắc Cực đã trở thành một khu vực gia tăng sự chú ý của các cường quốc hàng đầu thế giới như Nga, Trung Quốc…, nhưng Hoa Kỳ hoàn toàn không sẵn sàng bảo vệ lợi ích của mình ở đó.

Ấn phẩm Mỹ nhấn mạnh, Washington hoàn toàn không sẵn sàng chiến đấu cho khu vực Bắc Cực. Ở phía bắc Vòng Bắc Cực, quân đội Mỹ không có một căn cứ quân sự lớn nào, không có máy bay, không có tàu chiến lớn có khả năng hoạt động trong điều kiện nhiệt độ thấp.

Ngoài ra, tờ báo lưu ý, Hải quân Hoa Kỳ chỉ có một tàu phá băng hạng nặng duy nhất mang tên Polar Star đã 42 tuổi và nằm trong biên chế lực lượng bảo vệ bờ biển. Vào năm ngoái, nó hầu như không thể tránh khỏi một thảm họa, khi nước bắt đầu rò rỉ trên con tàu.

Thế nhưng, National Interest nhấn mạnh, chính phủ Mỹ tiếp tục không để ý đến tình trạng tồi tệ của tàu phá băng nói riêng và thực trạng của lực lượng hoạt động ở Bắc Cực nói chung.

Đặc biệt, năm 2018, Thượng viện đã phân bổ 750 triệu dollars để cải thiện tình trạng của hạm đội hoạt động ở Bắc Cực, nhưng sau đó các quỹ này đã được chuyển hướng đến việc xây dựng một bức tường ở biên giới với Mexico.

Đồng thời tờ báo lưu ý, rằng Nga đã tích cực chuẩn bị để bảo vệ lợi ích của mình ở Bắc Cực. NI đã soạn hẳn một danh sách vũ khí Moscow sẽ có thể sử dụng để bảo vệ lợi ích của mình ở Bắc Băng Dương trong trường hợp có chiến tranh, làm nổi bật sự yếu kém của Mỹ ở Bắc Cực.

Theo NI, tàu phá băng là phương tiện quan trọng nhất để truy cập Bắc Cực và Nga sở hữu hạm đội tàu này lớn nhất thế giới.

Hiện nay, Nga đã có tới 40 tàu phá băng cỡ lớn, gồm cả tàu phá băng nguyên tử. Thế nhưng ngay sau đó, nước này còn có kế hoạch chế tạo ra các tàu chiến mang tên lửa hành trình, chuyên hoạt động ở các vùng băng tuyết.

Các lực lượng vũ trang Nga có các tàu ngầm, máy bay ném bom, máy bay tiêm kích, xe tăng, các hệ thống tên lửa phòng không…, thế hệ mới nhất, thích nghi tốt với điều kiện lạnh giá ở Bắc cực.

Theo truyền thông và giới chức Mỹ, Nga đã làm tốt hơn ở Bắc Cực

Theo truyền thông và giới chức Mỹ, Nga đã làm tốt hơn ở Bắc Cực

Ví dụ như tàu ngầm Akula hoạt động rất tốt dưới các lớp băng của Bắc Cực, được trang bị nhiều loại vũ khí khác nhau. Nó có thể đánh bại những tàu ngầm, cũng như tiêu diệt các tàu nổi của đối phương.

Điều kiện giá lạnh ở Bắc Cực không phù hợp cho hoạt động quân sự với việc sử dụng tàu sân bay, đặc điểm này làm gia tăng tầm quan trọng của máy bay cất cánh trên các căn cứ mặt đất. MiG-31 được coi là tiêm kích đánh chặn nhanh nhất thế giới, thực sự là một vũ khí quân sự lợi hại có khả năng hoạt động trong mọi bối cảnh thời tiết.

Máy bay ném bom Tu-95MS Bear-H và người anh em phái sinh của nó là máy bay tuần tiễu hải quân Tu-142 cảm thấy "như ở nhà mình" trong bầu trời ảm đạm lạnh lẽo của Bắc Cực, nơi Mỹ ít có căn cứ mặt đất và không thể triển khai tàu sân bay, đồng nghĩa với việc chúng hoàn toàn tự do ở không phận Bắc Cực.

Nhờ có tầm hoạt động chiến đấu trong bán kính hơn 4800 km, các máy bay Tu-95MS Bear-H có thể tham gia chiến dịch vượt quá tầm bay của các chiến đấu cơ cất cánh trên căn cứ mặt đất của Mỹ.

Nga cũng đã triển khai các hệ thống phòng không được chế tạo chuyên để hoạt động ở Bắc Cực như S-400, Pantsir-S hay Tor-M2E… Cùng với các máy bay chiến đấu, những hệ thống phòng không này đã khóa chặt không phận ở vùng cực lạnh giá.

Ngoài ra, trong những năm gần đây, Nga đã tăng cường đào tạo lực lượng đặc nhiệm trang bị mô tô trượt tuyết hay thanh trượt tuyết để hoạt động trong điều kiện Bắc Cực, nơi khó sử dụng xe bọc thép lớn và bộ binh thông thường.

Trước đây, cựu Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cũng đã nhấn mạnh sự quan trọng ngày càng tăng ở Bắc Cực và thừa nhận rằng Hoa Kỳ đang tụt hậu đáng kể so với Nga và các nước khác trong việc thúc đẩy các mối quan tâm của mình ở khu vực này.

Trong bài phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Woodrow Wilson ở thủ đô Washington, ông Tillerson cho biết, Nga đã đưa khu vực này vào danh mục ưu tiên chiến lược của mình. Ngay cả Trung Quốc vốn không phải là quốc gia thuộc khu vực Bắc Cực, cũng đã bắt đầu xây dựng những tàu phá băng để chia phần bánh ở khu vực này.

Ngoại trưởng Tillerson than thở rằng, Hoa Kỳ cũng quan tâm đến thực trạng gia tăng hiện diện của các cường quốc tại Bắc Cực; tuy nhiên, vì nhiều lí do, Washington không giành đủ kinh phí cho việc tăng cường khả năng hoạt động ở khu vực này.

Toàn Thắng

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/my-thua-nhan-mieng-banh-bac-cuc-dang-tuot-khoi-tay-3378133/