Mỹ thừa nhận thất bại khi không thuyết phục nổi EU 'phá' Dòng chảy phương Bắc 2

Bộ trưởng Ngoại giao Mike Pompeo cho biết, Hoa Kỳ tiếp tục thảo luận với Đức về phương án vận chuyển khí đốt của Nga qua Ukraine sẽ được đảm bảo sau khi xây dựng đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2).

Ngoại trưởng Mỹ Pompeo

Ngoại trưởng Mỹ Pompeo

Phát biểu tại phiên điều trần của Thượng viện, Ngoại trưởng Mike Pompeo nói: "Chúng tôi đã làm tất cả mọi thứ có thể để can ngăn người châu Âu, trước hết là Đức, từ bỏ việc xây dựng dự án khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2, nhưng đến nay đã không thành công".

Trong khi đó, Phó Tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence cho rằng việc triển khai thực hiện dự án Dòng chảy phương Bắc 2 về việc cung cấp khí đốt của Nga cho Đức sẽ làm nền kinh tế Đức trở thành “con tin” của Nga.

Theo ông Mike Pence, điều này sẽ ảnh hưởng đến an ninh của tất cả các nước phương Tây.

Ông nói: "Điều đó là không thể chấp nhận được khi nền kinh tế lớn nhất châu Âu tiếp tục phớt lờ mối đe dọa xâm lược của Nga và bỏ bê an ninh chung của chính chúng ta. Thật sai lầm khi Đức cho phép mình trở nên phụ thuộc vào năng lượng Nga".

Tổng thống Nga Putin

Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã giải thích lý do tại sao Hoa Kỳ không thể ngăn chặn được việc xây dựng Dòng chảy phương Băc 2. Theo ông Putin, dự án đường ống dẫn khí đốt này có lợi cho Liên minh châu Âu. Đồng thời, nhà lãnh đạo Nga lưu ý rằng rất khó để làm việc với Liên minh châu Âu, vì gần như tất cả các quyết định được đưa ra bởi sự đồng thuận của các nước.

Tổng thống Nga cho rằng, các đối tác Mỹ đã cản trở như vậy trong những năm sáu mươi. Nói chung, dự án "khí đổi lấy đường ống" chúng tôi đã làm với Cộng hòa Liên bang Đức, cũng hoàn toàn giống như vậy. Điều tương tự cũng xảy ra đúng như vậy với Dòng chảy Phương Bắc 1.

"Nếu không có Dòng chảy Phương Bắc 1, thì điều gì sẽ xảy ra hiện giờ với ngành năng lượng quốc tế? Tôi có thể nói với bạn rằng, giá sẽ còn cao hơn ngày nay", Tổng thống Nga nói thêm.

Tuần trước, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas nói rằng Berlin sẽ không thay đổi quan điểm của mình đối với dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2).

Dự án khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2

Dòng chảy phương Bắc 2 là dự án liên doanh giữa tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga cùng 5 công ty châu Âu. Lâu nay, Mỹ cực lực phản đối dự án này. Tổng thống Nga Vladimir Putin từng tuyên bố, người đồng cấp Donald Trump đang theo đuổi lợi ích của doanh nghiệp Mỹ trong việc cung cấp khí đốt hóa lỏng (LNG) cho châu Âu.

Dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 sẽ đi qua các vùng lãnh thổ và đặc quyền kinh tế của các quốc gia nằm ngoài khơi bờ biển Baltic - Nga, Phần Lan, Thụy Điển, Đan Mạch và Đức.

Nhiều quốc gia đã phản đối dự án này, trong đó có Ukraine do sợ mất nguồn thu từ việc trung chuyển khí đốt của Nga, cũng như nếu giảm khối lượng khí trung chuyển qua hệ thống vận chuyển khí đốt Ukraine (GTS) có thể dẫn đến hậu quả một số lượng lớn người tiêu dùng Ukraine không có khí đốt, và Mỹ với kế hoạch xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) sang châu Âu đầy tham vọng.

Ba Lan và các nước khác trong khu vực, vốn phụ thuộc vào khí đốt của Nga, đã phản đối mạnh mẽ dự án. Theo lập luận của các nước này, dự án của Đức và Nga đi ngược lại với chính sách của châu Âu trong việc đảm bảo an ninh năng lượng, cũng như đem lại "những tổn thất nghiêm trọng về địa chính trị cho châu Âu".

Trí Đức (Lược dịch)

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/my-thua-nhan-that-bai-khi-khong-thuyet-phuc-noi-eu-pha-dong-chay-phuong-bac-2-post296059.info