Mỹ thuật Việt Nam: Mối lo với nạn sao chép tranh

Buổi trưa 29-7, đoàn sưu tầm tranh người Mỹ đến nhà riêng của họa sĩ Phạm Lực (trên đường Nghi Tàm, TP Hà Nội), để nghiên cứu tranh và giới thiệu khách hàng. Vì tính chất bảo mật của cuộc làm việc, phía Mỹ đề nghị không tiết lộ danh tính người mua tranh cũng như những chi tiết trong hợp đồng.

Chiều cùng ngày, khi chúng tôi liên hệ với bà Michelle Nguyễn (Giám đốc công ty In Country Tours), người dẫn đầu đoàn khách Mỹ đến tìm hiểu tranh của họa sĩ Phạm Lực (trưa 29-7), thì được bà cho biết: “Một vài cá nhân, tổ chức, trong đó có Đại học Harvard đang muốn mời họa sĩ Phạm Lực sang Mỹ để tổ chức triển lãm và giới thiệu về đất nước Việt Nam qua tranh của ông. Qua tìm hiểu, chúng tôi lấy làm e ngại vì nạn sao chép tranh giả đang có chiều hướng gia tăng ở Việt Nam. Ở nước ngoài có cơ sở đào tạo sao chép tranh, người học được cấp bằng khi tốt nghiệp. Tranh sao chép phải khác kích cỡ của tranh gốc; nếu bán được tranh thì phải đóng thuế”.

Một số người trong đoàn của bà Michelle Nguyễn cũng có ý tìm hiểu thông tin về phiên đấu giá các tác phẩm của hai bộ tứ danh họa nổi tiếng Việt Nam: “Trí - Lân - Vân - Cẩn” (Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Tường Lân, Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn) và “Nghiêm - Liêm - Sáng - Phái” (Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái) vào tối 30-7 tại Nhà đấu giá Chọn (17 Trần Quốc Toản, TP Hà Nội). Tại buổi đấu giá trên, có 9 bức tranh được bán với giá khởi điểm từ 2.000 đến 8.000 USD/bức. Bức "Tình yêu đầu tiên" của danh họa Trần Văn Cẩn sáng tác năm 1973, chất liệu bột màu, 45x50cm, có giá khởi điểm 6.000USD đã thuộc về một nhà sưu tầm sau khi trả giá tới 41.000USD. Tuy nhiên cũng có một vài bức tranh (giá dưới 1.000 USD/bức) không được các nhà sưu tầm để tâm, phải chăng do giới sưu tầm còn e ngại về độ chính xác của các tác phẩm, vì tranh không có chữ ký của tác giả. Bình thường, ngay cả khi tranh của các họa sĩ nổi tiếng Việt Nam nêu trên được mang ra nước ngoài đấu giá, thì giá tranh cũng không cao, dù chất lượng được đánh giá là hàng đầu; cũng bởi các nhà sưu tầm tranh nước ngoài e ngại nạn sao chép tranh giả ở Việt Nam. Và thực tế đã có không ít nhà sưu tầm mua phải hàng giả.

Bà Drew Gilpin Faust, Hiệu trưởng Trường Đại học Harvard (Mỹ) đã có lời mời họa sĩ Phạm Lực sang Đại học Harvard để nói chuyện về đất nước, con người, văn hóa Việt qua hội họa Việt Nam. Ảnh do tác giả cung cấp.

Để mua đúng tranh thật, các nhà đấu giá ga-lơ-ri ở Mỹ, châu Âu, Xin-ga-po… thường mời các họa sĩ đương đại có tiếng Việt Nam mang sản phẩm sang triển lãm. Vào năm 1999, lần đầu tiên có một triển lãm tranh Việt Nam ở Anh, do 5 họa sĩ Đinh Quân, Lê Thanh Sơn, Lê Thiết Cương, Thành Chương và Bùi Hữu Dương tổ chức. Triển lãm dự định kéo dài từ ngày 23 đến 28-2-1999 nhưng chỉ 3 ngày sau hôm khai mạc, 51 bức tranh đã được bán hết. Họa sĩ Thành Chương tâm sự: “Đã từng đi triển lãm tranh ở nhiều nước nhưng chuyến sang Anh năm 1999 mang lại nhiều bất ngờ trong tôi, bởi công chúng xứ sở sương mù đón nhận hội họa Việt Nam rất nhiệt tình và cảm động. 51 bức tranh chúng tôi mang đi triển lãm ngày ấy chủ yếu về đề tài đất nước, con người Việt Nam năng động, sáng tạo trong thời kỳ đổi mới. Qua triển lãm, nhiều bà con Việt kiều đã không cầm được nước mắt. Họ mời chúng tôi về nhà ăn cơm, giao lưu. Nhiều người vừa khóc vừa bảo: “Chúng em tự hào về quê nhà, về đất nước quá”.

Qua nhiều triển lãm ở trong nước và quốc tế của họa sĩ Việt Nam, các nhà sưu tầm, chơi tranh có tiếng ở châu Á, châu Âu, Mỹ, Ô-xtrây-li-a… đều có chung tiêu chí: Họ rất thích tranh vẽ theo phong cách hiện đại, nhưng nhìn vào phải nhận ra đây là tranh của Việt Nam. Có nghĩa, bên cạnh tính nghệ thuật, cái tôi của người nghệ sĩ, thì yếu tố truyền thống và hiện đại phải được kết hợp nhuần nhuyễn trong một tác phẩm.

Trao đổi với chúng tôi, họa sĩ Phạm Lực cho rằng: “Có họa sĩ vẽ nhiều tranh cùng một đề tài, cùng một chủ thể nên đôi khi cũng có thể tranh nhìn hơi giống nhau. Nhưng nếu là họa sĩ tài năng, thì luôn có sự khác biệt, điểm nhấn, thế giới tĩnh-động, ý tưởng được truyền đạt mãnh liệt trong tranh. Cái mà giới hội họa và công chúng yêu hội họa Việt Nam quan tâm, lo lắng, đó là nạn sao chép tranh đang diễn ra tràn lan, vượt ngoài tầm kiểm soát”. Rồi họa sĩ Phạm Lực kể, có lần ông biết một cơ sở chuyên sao chép tranh của mình, nên tìm đến tận nơi khuyên nhủ. Nào ngờ chưa kịp giới thiệu xong họ tên, kẻ sao chép tranh đã muốn nói chuyện bằng “tay chân” với người họa sĩ ngoài 70 tuổi.

Trò chuyện với chúng tôi, danh họa Trương Hán Minh cho biết: “Nhiều người giàu có nhưng không am hiểu về hội họa, mua tranh về chỉ để lấy oai, khoe mẽ. Có người yêu hội họa nhưng lại không đủ tiền mua tranh thật, do đó họ chấp nhận mua hàng sao chép. Bản chính thường ít nên người yêu tranh chấp nhận mua tranh nhái vì công nghệ sao chép ngày càng tinh vi. Có người sao chép vô thức, thích thì sao chép tranh cho vui tay, không nhằm mục đích kiếm lợi. Có người có ý sao chép vì mưu cầu cuộc sống”. Ở đây, lại phải nhìn nhận người cố ý sao chép tranh bởi họ không được đào tạo đến nơi đến chốn về mọi mặt. Với những người cố ý sao chép tranh lừa bán, hiển nhiên họ bất chấp tất cả, và có không ít “cao thủ” còn liên kết tạo thành băng nhóm chuyên làm giả tranh của các họa sĩ nổi tiếng Việt Nam. Chính vì lẽ đó, tranh của Việt Nam chưa bao giờ bán được giá cao trên thị trường quốc tế.

Họa sĩ Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cho rằng: “Cục Bản quyền hoạt động đã lâu nhưng gần như không có họa sĩ nào đăng ký, trừ giới mỹ thuật ứng dụng. Điều nữa là các họa sĩ phải nộp thuế, bởi hóa đơn, chứng từ mua bán cũng chính là bằng chứng để khẳng định giao dịch đã diễn ra một cách minh bạch, công khai. Rất nhiều giao dịch trực tiếp với họa sĩ không có thuế. Và người mua cũng phải yêu cầu có hóa đơn để làm bằng chứng. Chúng ta thiếu những nơi làm tư vấn mỹ thuật cho công chúng. Nhưng tư vấn mỹ thuật ở ta cũng chưa có tiền lệ. Bản thân không phải người yêu hội họa, mỹ thuật nào cũng muốn tư vấn. Hiện nay, tất cả các cục trong ngành văn hóa nghệ thuật đang triển khai một đề án công nghiệp văn hóa, trong đó phải làm ngân hàng dữ liệu về tác giả, tác phẩm. Khi xong, công chúng sẽ có thể truy nhập vào đó để lựa chọn”.

MINH MINH

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/my-thuat-viet-nam-moi-lo-voi-nan-sao-chep-tranh-514027