Mỹ tiếp tục gây sức ép lên Iran

Chính quyền Mỹ hôm 7/8 đã chính thức đơn phương tái áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào Iran, mang trở lại các biện pháp trừng phạt từng bị gỡ bỏ theo Thỏa thuận hạt nhân lịch sử từng được ký dưới thời Tổng thống Barack Obama nhưng bị Tổng thống Donald Trump rút khỏi hồi tháng 5 vừa qua.

Báo chí Iran đưa tin về việc ông Trump tái áp đặt lệnh trừng phạt (Nguồn: AP).

Lớp lệnh trừng phạt đầu tiên

Lớp lệnh trừng phạt đầu tiên - trong tổng số 2 lớp lệnh trừng phạt - đã được chính quyền Mỹ kích hoạt trong hôm 7/8, nhằm ngăn chặn Iran tiếp cận đồng USD của Mỹ và trừng phạt nhiều ngành công nghiệp quan trọng của nước Cộng hòa Hồi giáo này, bao gồm ngành chế tạo xe hơi và thảm.

Người dân Iran hiện nay vốn đã thấm ảnh hưởng từ các đòn trừng phạt, khi mà đồng Rial của nước này mất gần nửa giá trị kể từ khi Tổng thống Trump tuyên bố rằng Mỹ sẽ rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015.

Quan điểm của ông Trump phản đối Kế hoạch Hành động chung Toàn diện (JCPOA) - Thỏa thuận hạt nhân Iran - đã được công khai kể từ khi ông đang tranh cử Tổng thống, và vào ngày 8/5 năm nay, ông tuyên bố rút nước Mỹ khỏi Thỏa thuận quốc tế này. Trong hôm đầu tuần, ông Trump một lần nữa chỉ trích Thỏa thuận này, gọi nó là “Thỏa thuận một chiều kinh khủng, thất bại trong việc đạt được mục tiêu cơ bản là ngăn chặn mọi con đường phát triển bom nguyên tử của Iran”.

Mỹ đơn phương rút khỏi JCPOA bất chấp các bên ký kết còn lại của Thỏa thuận là Anh, Trung Quốc, Đức, Nga và Liên minh châu Âu (EU) vẫn tuyên bố duy trì Thỏa thuận, cho rằng Thỏa thuận này giúp ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân.

Trong chỉ thị mới công bố hôm đầu tuần, Tổng thống Trump nói rằng các lệnh trừng phạt mới được tái lập sẽ gây sức ép tài chính đối với chính quyền Tehran để từ đó làm nảy sinh một “giải pháp toàn diện và lâu dài” đối với mối đe dọa đến từ Iran - trong đó gồm việc nước này phát triển tên lửa và các hoạt động trong khu vực.

Cao ủy phụ trách các vấn đề ngoại giao của EU là bà Federica Moderghini, nói rằng khối này cùng với Anh, lấy làm tiếc về động thái mới của Washington.

“Chúng tôi quyết tâm bảo vệ các thành phần kinh tế của châu Âu đang có mối quan hệ làm ăn hợp pháp với Iran” - bà Moderghini nói trong một tuyên bố.

Trước đó, có rất nhiều công ty lớn của châu Âu đã buộc phải rời khỏi Iran do lo ngại dính đòn trừng phạt của Mỹ, và Tổng thống Trump còn cảnh báo rằng sẽ có “hậu quả khôn lường” đối với các công ty và cá nhân dám tiếp tục làm ăn với Iran.

Việc các lệnh trừng phạt được áp đặt trở lại cũng góp phần làm tăng tình hình căng thẳng ở Iran, đất nước vốn đã trải qua nhiều ngày biểu tình và đình công ở nhiều thành phố và thị trấn do tình trạng thiếu nước, giá cả gia tăng...

Sự phản kháng từ Iran

Trước khi áp đặt trở lại các đòn trừng phạt nhằm vào Tehran, Tổng thống Trump nói rằng ông luôn cởi mở với việc đạt được một thỏa thuận toàn diện với Iran, mà trong đó “sẽ giải quyết được quan ngại về các hoạt động nguy hiểm của nước này trong khu vực, trong đó có chương trình phát triển tên lửa đạn đạo và việc Tehran hậu thuẫn chủ nghĩa khủng bố”.

Tuy nhiên, đề xuất thảo luận mà Washington đưa ra đã bị Tổng thống Iran Hassan Rouhani bác bỏ thẳng thừng.

“Nếu bạn là kẻ thù và bạn đâm người khác bằng một con dao, sau đó lại nói rằng bạn muốn đàm phán. Vậy thì điều đầu tiên bạn cần làm là phải rút con dao đó ra đã” - Tổng thống Rouhani nói trong một buổi phỏng vấn trên kênh truyền hình quốc gia và nhấn mạnh: “Họ muốn khởi động một cuộc chiến tâm lý nhằm vào đất nước Iran, đàm phán bằng lệnh cấm vận không có ý nghĩa gì cả”.

John Glaser, Giám đốc nghiên cứu chính sách ngoại giao thuộc Viện CATO, nhận định rằng Mỹ đang xem các đòn trừng phạt “như một công cụ để gây sức ép cho Iran trở lại bàn đàm phán, nhằm sửa lại Thỏa thuận hạt nhân như ông Trump mong muốn. Nhưng điều đó khó có thể xảy ra”.

Lớp lệnh trừng phạt thứ hai của Mỹ, dự kiến có hiệu lực kể từ ngày 5-11 tới nhằm vào kinh tế dầu mỏ của Iran, dự kiến sẽ còn gây ra nhiều tổn thất hơn, dù một số quốc gia gồm Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ đã tuyên bố rằng họ không sẵn lòng cắt giảm toàn bộ lượng dầu thô nhập từ Iran.

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif hôm 7/8 nói trước báo giới rằng, phản ứng của thế giới trước động thái của ông Trump đã cho thấy Mỹ đã bị “cô lập” về mặt ngoại giao, nhưng thừa nhận rằng các lệnh trừng phạt “có thể gây ra một số tổn thất”. Được biết trước khi lệnh trừng phạt của Mỹ có hiệu lực, Chính phủ của Tổng thống Rouhani đã áp dụng nhiều biện pháp khẩn cấp để ngăn sự sụp đổ của đồng Rial.

Khánh Duy

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/quoc-te/my-tiep-tuc-gay-suc-ep-len-iran-tintuc412118