Mỹ tiếp tục sản xuất nhiên liệu sinh học bất chấp khủng hoảng lương thực toàn cầu

Mỹ sẽ thúc đẩy sản xuất nhiên liệu sinh học, bất chấp những lo ngại ngày càng tăng về cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.

Nhiên liệu sinh học là thuật ngữ dùng để chỉ nguồn năng lượng được hình thành từ các hợp chất có nguồn gốc từ động thực vật và chất thải trong nông nghiệp. Hiện nay nhiên liệu sinh học là một vấn đề đang rất được quan tâm chính vì những lợi ích mà nó mang lại.

Nhiều nông dân Mỹ được hưởng lợi từ việc sản xuất nhiên liệu sinh học, mang lại cho họ một thị trường tiềm năng. Ảnh: Hannibal Hanschke/Reuters.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Mỹ Jewel Bronaugh cho biết nông dân Mỹ có thể tiếp tục sản xuất nhiên liệu sinh học mà không gây hại cho sản xuất lương thực. Bà chia sẻ với các nhà báo tại London, nơi bà gặp chính phủ Anh để thảo luận về một thỏa thuận thương mại và hợp tác về vấn đề thực phẩm.

“Cứu tinh” của thị trường năng lượng

Bên cạnh đó, bà cho biết thêm rằng nhiên liệu sinh học có thể giúp giảm nhu cầu sử dụng nhiên liệu hóa thạch và do đó giúp giải quyết các rắc rối phát sinh từ cuộc khủng hoảng khí hậu và rất quan trọng trong việc giảm giá nhiên liệu hóa thạch. Hơn thế, có thể giảm áp lực lên giá khí đốt, điều hòa thị trường năng lượng.

“Ngoài ra còn có các cơ hội để tăng việc làm - rất nhiều lợi ích đáng kể ở đó, mà chúng tôi cảm thấy là quan trọng. Chúng tôi sẽ tiếp tục quảng bá nhiên liệu sinh học như một loại nhiên liệu bền vững, đặc biệt là vào thời điểm giá khí đốt quá cao”, bà nói thêm.

Một cây xăng E85 tại Mỹ. Ảnh: Ỉnternet.

Trong nhiều năm nay, Mỹ là nhà sản xuất etanol lớn nhất thế giới - sử dụng làm nhiên liệu vận tải, thường được pha trộn với xăng và chưng cất từ ngô, đồng thời còn là một trong những nhà sản xuất dầu diesel sinh học lớn nhất - từ các loại dầu bao gồm đậu nành.

Bên cạnh đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden đang đối mặt với một loạt các cuộc bầu cử giữa kỳ khó khăn vào mùa thu này. Chi phí sinh hoạt tăng, giá nhiên liệu cao hơn và những lo ngại về nền kinh tế đang khiến chính quyền của ông cảm thấy bất an. Ngay bây giờ, phát triển một giải pháp cứu chữa tình hình là rất cấp thiết.

Trong khi đó, nhờ sản xuất nhiên liệu sinh học, nhiều nông dân Mỹ đã được hưởng lợi, mang lại một thị trường tiềm năng cho ngô và dầu của họ. Việc loại bỏ hoặc giảm bớt thị trường đó sẽ gây nhiều tranh cãi ở nhiều bang nuôi trồng trọng điểm.

Cân bằng sản xuất lương thực, nhiên liệu sinh học

Bà Bronaugh cho rằng nông dân Mỹ làm việc hiệu quả và có thể sản xuất cả lương thực và nhiên liệu. “Chúng tôi cảm thấy như những người nông dân của chúng tôi đủ hiệu xuất để sản xuất ngô làm thực phẩm và ngô để chuyển sang sản xuất ethanol. Chúng tôi đang làm mọi cách để thúc đẩy năng suất cao nhất”.

Ý tưởng của bà Bronaugh đối với nhiên liệu sinh học được đưa ra khi các chuyên gia và nhà vận động xanh đưa ra báo động về việc chuyển đổi nguồn thực phẩm thành năng lực nhiên liệu vào thời điểm nhiều nước đang phát triển đang đối mặt với nạn đói lan rộng.

Bên cạnh đó, ở các nước phát triển hiện giá lương thực đang tăng mạnh. Nguyên nhân của việc tăng giá lương thực rất phức tạp, bao gồm sự cạn kiệt nguồn dự trữ trong đại dịch, chi phí nhiên liệu tăng do hậu quả của chiến tranh Ukraine và tác động của thời tiết khắc nghiệt, do cuộc khủng hoảng khí hậu.

Nhiên liệu sinh học cũng rất thân thiện với môi trường. Ảnh: Internet.

Tuy nhiên, theo hai nghiên cứu nhiên liệu sinh học cũng có hai luồng trái chiều.

Một, của nhóm chiến dịch Giao thông và Môi trường, phát hiện ra rằng EU và Anh đang đổ 19 triệu chai dầu ăn vào động cơ xăng mỗi ngày, bất chấp những hạn chế nghiêm trọng về sản xuất do hệ lụy của chiến tranh Ukraine đem lại

Theo một nghiên cứu khác từ tổ chức nghiên cứu của Green Alliance thinktank phát hiện ra rằng nếu chỉ riêng đất đai sử dụng điều chế Bio-Ethanol (nguyên liệu sạch được trộn với xăng để chạy ô tô mà không cần sửa đổi động cơ) ở Anh được chuyển đổi sang trồng cây lương thực, thì sẽ có thêm 3,5 triệu người được cung cấp thức ăn mỗi năm, giảm tình trạng thiếu ăn lên đến 25-40%.

Chính phủ Anh được hiểu là đang xem xét giảm việc trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu hóa thạch để đối phó với sự gia tăng giá lương thực toàn cầu.

Bà Bronaugh cũng cho biết mình đã gặp George Eustice, Bộ trưởng Môi trường Vương quốc Anh, để thảo luận về thương mại hậu Brexit. Bà xác nhận rằng ông Eustice đã đề xuất rằng nông dân Mỹ có thể tuân thủ các tiêu chuẩn tự nguyện về phúc lợi như một cách để thông suốt con đường nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ vào Vương quốc Anh.

Tuy nhiên, bà nhấn mạnh rằng các tiêu chuẩn về phúc lợi động vật và sản phẩm nông nghiệp của Mỹ đã cao và không cần phải cải thiện. Bà nói: “Chúng tôi cảm thấy rất rõ ràng về các tiêu chuẩn của mình, nhưng luôn sẵn sàng nói chuyện và lắng nghe ý kiến".

Lê Na (Theo TheGuardian)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/my-tiep-tuc-san-xuat-nhien-lieu-sinh-hoc-bat-chap-khung-hoang-luong-thuc-toan-cau-post200969.html