Mỹ tìm cách lôi kéo đồng minh Đông Âu, thông điệp gửi tới Nga

'Xây dựng lại các liên minh' và 'nâng cao khả năng răn đe và phòng thủ của NATO' là những cam kết được Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến các quốc gia thuộc cánh phía Đông của NATO, hay còn gọi là nhóm Bucharest Nine.

Các nhà lãnh đạo Ba Lan và Romania, những nước đồng chủ trì Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến Nhóm Bucharest Nine đánh giá sự tham dự của Tổng thống Joe Biden đã gửi đi thông điệp rõ ràng về cam kết an ninh của Mỹ đối với các quốc gia sườn phía Đông, cũng như sự vững chắc của mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương. Những nước này đồng thời kêu gọi các đồng minh Mỹ và NATO tăng cường sự hiện diện quân sự để đối phó với điều mà họ cho là mối đe dọa từ Nga.

Mỹ tìm cách lôi kéo đồng minh Đông Âu, thông điệp gửi tới Nga. Ảnh: Visegrad Insight

Mỹ tìm cách lôi kéo đồng minh Đông Âu, thông điệp gửi tới Nga. Ảnh: Visegrad Insight

Tổng thống Romania Klaus Iohannis nhấn mạnh: “NATO phải tiếp tục củng cố thế trận phòng thủ và răn đe, đặc biệt là ở sườn phía Đông, một cách thống nhất và chặt chẽ từ Biển Baltic đến Biển Đen. Đây cũng là những gì tôi đã thảo luận với Tổng thống Mỹ Joe Biden để tăng cường sự hiện diện quân sự của đồng minh, bao gồm cả Mỹ ở Romania và khu vực phía Nam sườn phía Đông”.

Từ Washington, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết, tại cuộc họp, Tổng thống Joe Biden đã nhấn mạnh cam kết xây dựng lại các liên minh, cũng như mong muốn hợp tác với những đồng minh Đông Âu về một loạt vấn đề từ an ninh, y tế toàn cầu, biến đổi khí hậu đến an ninh năng lượng. Nhà lãnh đạo Mỹ đặc biệt bày tỏ sự ủng hộ đối với việc nâng cao khả năng răn đe và phòng thủ của NATO, hối thúc các đồng minh tăng cường khả năng phục hồi trước những hành động kinh tế và chính trị có hại từ các đối thủ cạnh tranh chiến lược.

Quyết định của Tổng thống Joe Biden tham gia cuộc họp của lãnh đạo các quốc gia thuộc cánh phía Đông của NATO là một sự kiện được dư luận quan tâm. Trên thực tế, hầu hết những nước tại khu vực này đều bị “ám ảnh” bởi những nỗ lực của Nga nhằm khẳng định lại ảnh hưởng đối với một khu vực có nhiều duyên nợ, nhất là sau sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014. Trong khi đó tham vọng mở rộng về phía Đông của NATO và Mỹ đã phần nào đẩy quan hệ Đông-Tây vào vòng xoáy của những hiềm khích và phòng thủ lẫn nhau, mà cuộc khủng hoảng tại Ukaraine hiện nay là một minh chứng.

Những lời kêu gọi tăng cường cam kết an ninh đưa ra sau khi Nga gần đây đã điều quân tới sát biên giới Ukraine trước khi đưa trở lại các vị trí đóng quân thường trực hồi tháng trước, bất chấp việc Nga khẳng định đây chỉ là một cuộc đánh giá thường xuyên, song các quan chức Mỹ và NATO lại coi đây là một thông điệp khiêu khích từ phía Nga.

Theo Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda, dù việc Nga rút quân đã làm giảm nguy cơ xảy ra xung đột, song cả châu Âu và thế giới vẫn chưa thể rời mắt khỏi Ukraine. Đây cũng là lý do Mỹ và NATO cấp tập tiến hành một hoạt các cuộc tập trận quy mô trong tháng 5 này và tháng 6 tới.

Được thành lập vào năm 2015 theo sáng kiến của Romania và Ba Lan, Nhóm Bucharest Nine gồm 9 quốc gia là Romania, Ba Lan, Hungary, Bungaria, Cộng hòa Séc, Slovania, Estonia, Latviavà Lithunia. Tất cả những nước này từng thuộc ảnh hưởng của Nga trong Chiến tranh Lạnh, song hiệu nay đều là thành viên của Liên minh châu Âu và NATO./.

Thu Hoài/VOV1 (biên dịch) Tổng hợp

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/my-tim-cach-loi-keo-dong-minh-dong-au-thong-diep-gui-toi-nga-856818.vov