Mỹ tìm 'điểm chết' của hải quân Trung Quốc

Giữa lúc Trung Quốc phô diễn lực lượng hải quân, người Mỹ đã chỉ ra 'điểm chết' giúp nước này và các đồng minh có thể khóa chặt đối thủ.

Phô trương lực lượng

Truyền thông Trung Quốc đưa tin tàu đổ bộ Type 071 thứ 8 của nước này đã lần đầu tiên tham gia tập trận trên biển công khai. Con tàu được đánh giá có khả năng thực hiện các nhiệm vụ chuyển quân, phòng không, chống hạm và tấn công đất liền sau khi được đưa vào phục vụ Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) vào cuối năm ngoái.

Tàu đổ bộ Type 071 Kỳ Liên Sơn và Ngũ Chỉ Sơn, thuộc đội tàu đổ bộ của Hải quân Bộ Tư lệnh Chiến khu miền Nam của PLA đã tiến hành các cuộc tập trận với cường độ cao trong 5 ngày ở những vùng biển không được tiết lộ.

Hình ảnh trên đoạn phim được công bố cho thấy các cuộc tập trận chủ yếu tập trung vào việc xác định mục tiêu, khai hỏa pháo chủ lực và những hệ thống vũ khí tầm gần, đồng thời triển khai các mồi nhử khói.

Hình ảnh tập trận với sự tham gia của Type 071 được Trung Quốc công bố mới đây

Bản tin của Đài Phát thanh quốc gia Trung Quốc cho biết tàu đổ bộ Kỳ Liên Sơn đã đạt được nhiều khả năng chiến đấu sau khi đi vào hoạt động chưa đầy 6 tháng, bao gồm chuyển quân đa hướng, phòng không và chống hạm chính xác, và tấn công đất liền.

Trong khi đó, Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) đã công bố hình ảnh con tàu này lần đầu tiên vào tháng 11/2020 và xác định tàu Kỳ Liên Sơn là chiếc thứ 8 trong lớp này.

Theo truyền thông Trung Quốc, tàu đổ bộ Type 071 có lượng choán nước 25.000 tấn và là một trong những sàn tàu vận tải đổ bộ tiên tiến nhất trên thế giới.

Thời báo Hoàn Cầu dẫn lời một chuyên gia quân sự Trung Quốc hôm 6/5 cho biết tàu đổ bộ Type 071 có khả năng mang theo một số lượng lớn thủy phi cơ, các phương tiện tấn công đổ bộ và binh sĩ.

Ngoài Type 071, đến nay, Trung Quốc đã chế tạo 3 tàu tấn công đổ bộ Type 075 với chiếc đầu tiên được đưa vào biên chế Hải quân PLA vào tháng trước là tàu Hải Nam và 2 chiếc còn lại đang trong quá trình trang bị và thử nghiệm trên biển.

Trung Quốc hiện đã có 8 chiếc Type 071

Các thông tin trên của truyền thông Trung Quốc được giới phân tích quốc tế đánh giá là màn phô diễn lực lượng khi tình hình Biển Đông tiếp tục diễn biến phức tạp. Ngay cả các báo cáo chính thức của Mỹ thời gian qua cũng phải thừa nhận sự phát triển thần tốc của hải quân Trung Quốc với số lượng tăng nhanh một cách đáng kinh ngạc, đặc biệt là việc liên tục đưa vào biên chế các loại tàu chiến mặt nước hiện đại.

Trên thực địa, Trung Quốc cũng thể hiện các bước đi quyết đoán. Mới đây, một nhóm tác chiến do tàu sân bay thứ hai của Trung Quốc mang tên Sơn Đông dẫn đầu tiến hành một loạt cuộc tập trận ở Biển Đông. Đáng chú ý, hoạt động này được tiến hành gần như ngay sau khi tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc mang tên Liêu Ninh rời khỏi khu vực này.

Đại tá Ngô Khiêm, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc, tự tin nhấn mạnh: “Các tàu sân bay của Trung Quốc không phải là những con tàu 'ru rú xó nhà' và các chuyến hành trình dài nhất định trở thành tiêu chuẩn”.

Điểm chết của hải quân Trung Quốc

Tuy nhiên, tờ Nikkei Asia mới đây dẫn lời Tom Shugart, cựu thủy thủ tàu ngầm của Hải quân Mỹ, nhận đinh rằng cho dù tăng cường xây dựng quân đội trên quy mô lớn, Trung Quốc vẫn có một số điểm yếu khó có thể khắc phục. Ông nói: "Khi bạn nhìn vào các căn cứ tàu ngầm của Trung Quốc, căn cứ nào cũng có những vùng nước nông mà tàu ngầm của họ phải đi qua để có thể tiến ra vùng nước sâu".

Theo đó, quan sát trên Google Earth, bờ biển của Trung Quốc được bao quanh bởi màu xanh nhạt- thể hiện đó là vùng nước nông- trái ngược với vùng nước sâu màu xanh đậm ngay gần bờ biển phía Đông của Đài Loan và Nhật Bản. Trong khi các tàu ngầm của Nhật Bản và Đài Loan có thể đi thẳng vào các vùng nước sâu, thì đây là "điều xa xỉ" mà tàu ngầm của Trung Quốc không có.

Trung Quốc đang tự tin với lực lượng hải quân dựa trên "số đông"

Cựu sĩ quan hải quân Mỹ cho biết: “Để các tàu ngầm di chuyển từ vùng biển gần của Trung Quốc ra vùng biển khơi, chúng sẽ phải đi qua nhiều 'nút thắt cổ chai' và eo biển khác nhau. Điều đó sẽ tạo cơ hội cho kẻ thù- lực lượng tàu ngầm của Mỹ và các đồng minh của chúng ta- giám sát chặt chẽ hơn và cố gắng đánh chặn các tàu ngầm này trong trường hợp chúng ta đang ở trong một cuộc xung đột, hoặc sắp xảy ra một cuộc xung đột".

Theo giới phân tích Mỹ, Nhật Bản sẽ đóng vai trò quan trọng kiểm soát “nút thắt cổ chai” dọc quần đảo Nansei. Quần đảo này của Nhật Bản trải dài từ cực Nam của đảo Kyushu đến phía Bắc của Đài Loan, bao gồm các nhóm đảo nhỏ hơn, gồm chuỗi đảo Osumi, Tokara, Amami, Okinawa, Miyako và Yaeyama.

Vào tháng 4 vừa qua, tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc và 5 tàu hộ tống đã đi qua eo biển Miyako, một tuyến đường thủy rộng 250 km nằm giữa Okinawa và Miyako, trước khi đi về phía Nam.

Với các tàu ngầm và các bãi mìn phòng thủ, Nhật Bản có thể hoàn toàn bít kín “nút thắt cổ chai”, buộc Trung Quốc phải đi đường vòng để tới Đài Loan, hay về cơ bản là phải tiến vào không gian chiến đấu ở Biển Hoa Đông, nơi Mỹ và Nhật Bản có thể lên kế hoạch và kiểm soát.

Tàu ngầm Trung Quốc không có "cửa" xuất chiến?

Tờ Nikkei Asia dẫn lời chuyên gia Hornung nói: "Nhật Bản càng có thể tập trung vào quốc phòng - với tên lửa hành trình chống hạm hoặc máy bay tuần tra hàng hải P-3C để tìm kiếm và săn tàu ngầm của Trung Quốc, điều đó sẽ giải phóng rất nhiều nguồn lực của Mỹ để có thể chiến đấu trong cuộc chiến này".

Còn thưo cựu binh Shugart, các tàu ngầm chạy bằng diesel-điện của Nhật Bản đặc biệt phù hợp cho những nhiệm vụ như vậy. Ông nói: “Hạm đội tàu ngầm diesel-điện của các đồng minh của chúng ta như Nhật Bản và Australia có thể rất hữu ích cho việc phòng thủ 'các nút thắt cổ chai'", đồng thời ông lưu ý rằng nhiệm vụ này tương đối tĩnh tại và các tàu ngầm không cần phải di chuyển nhanh.

Ông nói thêm: "Các tàu ngầm diesel-điện hoạt động khá êm, vì vậy nếu có một vị trí tĩnh, nơi cần bảo vệ một 'nút thắt cổ chai' trong một chuỗi đảo, đó sẽ là một nơi rất phù hợp để triển khai một tàu ngầm chạy bằng động cơ diesel".

Trong khi đó, các tàu ngầm hạt nhân của Mỹ được cho là phù hợp với vùng biển khơi, đuổi theo kẻ thù hoặc chuẩn bị phóng một tên lửa từ một vị trí không bị phát hiện. Shugart nói: "Phòng thủ chuỗi đảo 'nút thắt cổ chai' có thể là một cách hữu ích để triển khai các hạm đội tàu ngầm diesel-điện của các đồng minh của Mỹ như Australia, Nhật Bản và có thể là Hàn Quốc".

Đó có thể là kiểu hợp tác mà Mỹ và các đồng minh ngày càng quan tâm và lên kế hoạch, khi họ đang chuẩn bị cho khả năng đối mặt với các năng lực tiên tiến của Trung Quốc.

Đông Triều

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/my-tim-diem-chet-cua-hai-quan-trung-quoc-3431832/