Mỹ tìm không thấy 'bàn tay Nga' kích động biểu tình

Trong số các cuộc biểu tình bạo loạn, giới chức tình báo Mỹ không thấy bàn tay của Nga.

Cái chết của người đàn ông da màu George Floyd sau khi bị cảnh sát ghì chặt cổ bằng đầu gối hồi tháng 5 đã kéo theo cuộc biểu tình và bạo loạn lan khắp nước Mỹ.

Người biểu tình vây kín cơ quan cảnh sát tại thành phố Minneapolis, Mỹ. Ảnh:AP.

Người biểu tình vây kín cơ quan cảnh sát tại thành phố Minneapolis, Mỹ. Ảnh:AP.

Washington Post dẫn nhận định của các chuyên gia cho biết, đây là cuộc biểu tình lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ, lan rộng hơn 650 thành phố và trải khắp 50 tiểu bang. Hơn 100 trên tổng số 310 thành phố (có dân số trên 100.000 người) diễn ra biểu tình quy mô lớn, bao gồm biểu tình ôn hòa và bạo động cướp phá. Tổng cộng có 12 người thiệt mạng do biểu tình, hàng nghìn người bị bắt giữ.

Những cuộc biểu tình đòi công lý cho George Floyd hiện nay khác rất nhiều so với vụ việc của Martin Luther King, nhà đấu tranh chống phân biệt chủng tộc có uy tín trong lịch sử cận đại. Việc ông bị ám sát cũng gây ra biểu tình bạo loạn trên 100 thành phố tại Mỹ vào năm 1968 và sự phản đối ngoại giao từ nhiều quốc gia khác.

Tuy nhiên, mức độ phản ứng của dư luận nước Mỹ nói riêng và thế giới nói chung vào thời điểm đó không thể bằng với tất cả những gì đang diễn ra chung quanh vụ việc George Floyd.

Công tố viên liên bang Nicolas Trutanich ở bang Nevada (Mỹ) đánh giá: "Các tác nhân bạo lực đã thao túng các cuộc biểu tình ôn hòa trên cả nước, bao gồm cả Nevada. Chúng lợi dụng cơn tức giận thực sự và hợp pháp từ cái chết của George Floyd nhằm phục vụ cho các mục tiêu cực đoan của chúng".

Hai nhóm cực đoan được cho là "thủ phạm" của làn sóng biểu tình tại Mỹ: Phong trào Antifa và Phong trào Boogaloo.

Antifa là từ viết tắt của "antifascist", nghĩa là "chống phát xít". Theo báo cáo năm 2018 của Cơ quan Nghiên cứu quốc hội, FBI ngày càng lo ngại về bạo lực do phong trào Antifa gây ra tại các sự kiện công cộng.

Một nhóm Antifa được trang bị kỹ lưỡng khi tham gia biểu tình bạo động tại Mỹ

Theo Liên đoàn Chống phỉ báng ở Mỹ (ADL - chuyên giám sát các tổ chức cực đoan), phong trào Antifa thường xuyên chống lại các cá nhân hoặc các tổ chức mà họ đánh giá là độc đoán hoặc có xu hướng phân biệt chủng tộc.

ADL ghi nhận mục đích của phong trào Antifa nhằm "đe dọa và răn đe những kẻ phân biệt chủng tộc" bằng chiến thuật hung hăng, kể cả sử dụng bạo lực tay chân.

Tổng thống Donald Trump từng lên tiếng cảnh báo về phong trào Antifa: "Các bạn biết đấy, bọn họ xuất hiện có đội mũ và mang mặt nạ đen, bọn họ có cả câu lạc bộ và có tất cả mọi thứ".

Còn phong trào Boogaloo là phong trào chống chính phủ theo tư tưởng đấu tranh, thích mặc áo hoa văn sặc sỡ kiểu Hawaii và cầm theo súng trường tấn công.

Trung tâm Luật về nghèo đói miền nam (SPLC - chuyên theo dõi các nhóm kích động hằn thù) đánh giá phong trào Boogaloo tin rằng nước Mỹ sẽ bước vào cuộc nội chiến thứ hai vì chính phủ Mỹ đã làm trái Hiến pháp, cản trở sử dụng súng và sẽ tịch thu hết súng ống của dân.

ADL đánh giá nói chung các phong trào dân quân cực hữu và các nhóm cực hữu đấu tranh bảo vệ quyền mang súng xem phong trào Boogaloo như cuộc chiến chống chính phủ hoặc cuộc chiến của những người chủ trương tự do.

Các thành viên phong trào Boogaloo hôm 30-5 ở Louisville (Kentucky). Ảnh: IPX

Chính người dân địa phương đã phát hiện ra các nhóm phá hoại này và có hành động phản kháng mạnh mẽ để bảo vệ tài sản, tính mạng. Tất cả những cuộc biểu tình bạo loạn lan tỏa rất nhanh trên toàn nước Mỹ và đều có chung một mô thức tương tự.

Ngày 29/5, trong vòng 24 giờ, hãng tin CNN phát hành đến 80 bản tin riêng biệt liên quan đến cái chết của George Floyd và các cuộc biểu tình. Điều này được cho là bất thường so với tầm vóc của sự kiện và cách thức đưa tin truyền thống của CNN. Cũng chính CNN là hãng truyền thông Mỹ lần đầu tiên đề cập đến yếu tố Nga đứng sau cuộc biểu tình bạo loạn ở nước này.

Ngày 30/5, truyền thông Mỹ đề cập đến tổ chức Antifa và một ngày sau, Tổng thống Donald Trump tuyên bố Antifa là tổ chức khủng bố nội địa và sẽ tiêu diệt Antifa cùng những kẻ đứng sau. Antifa bị dư luận lên án lợi dụng sự kiện George Floyd để phá hoại nước Mỹ.

Những nhận định trên cho thấy những thành phần tham gia cuộc biểu tình ở Mỹ hiện nay không phải đến từ các thành phần ở nước ngoài như Nga, giống cách một số nhân vật ở Mỹ nhận định.

Mọi sự diễn ra ở Mỹ đều đổ lỗi cho Nga?

Cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Susan Rice nói rằng có thể Nga đứng đằng sau tình trạng bạo lực biểu tình tại Mỹ thời gian gần đây. Tuy nhiên, cựu quan chức Mỹ này không cung cấp bất kỳ bằng chứng hay sự kiện cụ thể nào.

"Tôi cá rằng, đây là một trong những kịch bản của Nga" - bà Susan cáo buộc Moscow "cố gắng làm tan rã nước Mỹ từ bên trong". Khi đó, bà cũng nói thêm rằng bà hiện không là người được đọc những thông tin tình báo trong những ngày này. Do đó, về cơ bản, bà đưa ra những nhận xét này là từ quan điểm cá nhân.

Không chỉ cựu cố vấn cho Tổng thống Mỹ có nhận định như vậy. Cựu Thị trưởng New Orleans Marc Morial cũng nói với CNN hôm 30/5 rằng, các "điệp viên Nga" đang gây ra bạo loạn.

Sau khi bản tin này được đưa ra, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tích cực chỉ trích lý thuyết chống Nga của một bộ phận truyền thông Mỹ.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova mới đây đã tuyên bố Mỹ nên chú trọng giải quyết những vấn đề nội bộ trước khi “đổ lỗi” cho các quốc gia khác. Bà Zakharova cho rằng, những cáo buộc này hoàn toàn vô lý và không có căn cứ.

Hải Lâm

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/my-tim-khong-thay-ban-tay-nga-kich-dong-bieu-tinh-3405660/