Mỹ tìm phương án mở cửa lại chính phủ: Sức nóng ngày càng tăng

Mỹ đang tìm cách mở cửa lại chính phủ nhưng cơ hội để 2 đề xuất về việc này được thông qua trong cuộc bỏ phiếu của Thượng viện ngày 24/1 là không nhiều.

Giới lãnh đạo Thượng viện Mỹ ngày 24/1 sẽ bỏ phiếu về 2 đề xuất nhằm mở cửa lại một loạt các cơ quan chính phủ bị đóng cửa một phần kể từ ngày 22/12/2018. Bất chấp những tác động ngày càng lớn của việc chính phủ bị đóng cửa đối với người dân và doanh nghiệp, có nhiều dấu hiệu cho thấy cơ hội để thông qua 2 đề xuất này là không nhiều.

Mỹ đang tìm các phương án để mở cửa lại Chính phủ. Ảnh: Reuters

Mỹ đang tìm các phương án để mở cửa lại Chính phủ. Ảnh: Reuters

Dự luật thứ nhất được đưa ra bỏ phiếu vào ngày mai về đề xuất thỏa hiệp của Tổng thống Donald Trump trong , nếu ông nhận được tài chính xây dựng bức tường biên giới. Tuy nhiên, đề xuất này đã bị Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi bác bỏ ngay trước khi Tổng thống Mỹ công bố.

Đề xuất thứ 2 bao gồm dự luật được sự ủng hộ của Đảng Dân chủ, theo đó cấp ngân sách chính phủ đến ngày 8/2 để các bên có thêm thời gian thảo luận về an ninh biên giới và nhập cư. Mặc dù vậy, nếu dự luật thứ 2 này được Quốc hội thông qua thì Tổng thống Donald Trump cũng tuyên bố sẽ không ký thành luật. Mỗi phương án muốn được thông qua đòi hỏi phải đạt được sự ủng hộ của tối thiểu 60/100 Thượng nghị sĩ. Mức phiếu tối thiểu này là khá cao nếu xét đến tình trạng chia rẽ đảng phái tại Thượng viện hiện nay.

Bất chấp những bế tắc trong nỗ lực mở cửa lại chính phủ, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Đảng Dân chủ đều bày tỏ thái độ kiên quyết không có nhượng bộ. Tổng thống Trump hôm 22/1 tiếp tục khẳng định sẽ không thay đổi với yêu cầu xây dựng bức tường biên giới, vì không có bức tường, nước Mỹ sẽ không có an ninh biên giới hay an ninh quốc gia. Trong khi đó, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tiếp tục cáo buộc Tổng thống Trump đang giữ người dân làm con tin:

“Chúng ta không thể có một Tổng thổng mà lần nào cũng nói tôi sẽ cho đến khi các bạn ủng hộ ý kiến của tôi. Chúng ta đang giữ người dân làm con tin. Trong đề xuất được cho là thỏa hiệp của Tổng thống trong chính sách nhập cư, thực chất cũng là điều mà ông đã tước đi của những người nhập cư này và bây giờ ông lấy ra để đặt điều kiện xây dựng bức tường”

Với cuộc chiến chính trị chưa ngã ngũ thì nước Mỹ đang chứng kiến những hậu quả thực sự. Sức nóng của việc chính phủ đóng cửa kéo dài được cảm nhận tại Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), với những phàn nàn về tình trạng chính phủ đóng cửa kéo dài ảnh hưởng đến các hoạt động quan trọng của cơ quan này. Chủ tịch Hiệp hội Đặc vụ FBI (FBIAA) Tom O'Connor hôm qua kêu gọi sớm chấm dứt tình trạng đóng cửa:

“Chúng tôi vẫn đang phải thực hiện một số nhiệm vụ mà không được trả lương với các điều kiện khó khăn ngày càng gia tăng. Thêm một ngày đóng cửa sẽ gây trở ngại cho hoạt động của chúng tôi, ảnh hưởng đến các hoạt động chống khủng bố cũng như chống phản gián trên toàn cầu”, ông O'Connor nói.

Đợt đóng cửa chính phủ một phần lần này ảnh hưởng tới 1/4 cơ quan liên bang với khoảng 800.000 nhân viên liên bang phải nghỉ việc hoặc làm việc không lương. Nhà Trắng ước tính cứ hai tuần đóng cửa chính phủ, Mỹ sẽ bị thiệt hại 0,1% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) mỗi quý./.

Phạm Hà/VOV1

Nguồn VOV: http://vov.vn/the-gioi/my-tim-phuong-an-mo-cua-lai-chinh-phu-suc-nong-ngay-cang-tang-868515.vov