Mỹ tin ông Tập Cận Bình không biết về khí cầu do thám

Washington tin rằng khinh khí cầu vừa bị bắn hạ trên Đại Tây Dương thuộc một chương trình theo dõi quy mô toàn cầu của Trung Quốc, nhưng Chủ tịch Tập Cận Bình có thể không biết về hoạt động này.

Hình ảnh lực lượng Mỹ trục vớt xác khí cầu Trung Quốc. (Ảnh: Hải quân Mỹ)

Đánh giá trên được báo cáo với các nghị sĩ Mỹ trong cuộc họp cung cấp thông tin hôm 9/2, CNN đưa tin. Nếu đúng như vậy, các nhà phân tích cho rằng nguyên nhân là tình trạng thiếu phối hợp trong hệ thống của Trung Quốc.

Nếu ông Tập biết khinh khí cầu đang bay ở Mỹ trước khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thăm Bắc Kinh, điều này lại đặt ra một câu hỏi khác về cách hoạch định của Trung Quốc trong quan hệ với Mỹ.

Điều đó có nghĩa là ông Tập và các cố vấn đánh giá thấp hệ lụy nếu khinh khí cầu bị phát hiện và khả năng tác động đến chuyến thăm của ông Blinken, khi đây là nhà ngoại giao cấp cao nhất của Mỹ đến Bắc Kinh kể từ năm 2018 và được Trung Quốc chào đón để hạ nhiệt căng thẳng quan hệ song phương.

Cho đến nay, Trung Quốc chỉ đưa ra rất ít thông tin về khí cầu, khẳng định đó là khí cầu nghiên cứu dân sự đi chệch hướng và bác bỏ cáo buộc về chương trình giám sát quy mô lớn.

Trong tuyên bố đưa ra cuối tuần trước, Bắc Kinh có vẻ khẳng định mối liên quan giữa thiết bị này với “các công ty”, chứ không phải chính phủ hay quân đội, dù những doanh nghiệp quốc doanh và tổ hợp công nghiệp quân sự của nước này khiến ranh giới đó bị lu mờ.

Tuy nhiên, một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, Washington tin rằng Trung Quốc có “một phi đội khí cầu chuyên thực hiện các hoạt động theo dõi”, và những hoạt động đó diễn ra “dưới sự chỉ đạo của quân đội Trung Quốc”. Quan chức này cũng nói rằng Trung Quốc đưa khí cầu đi theo dõi hơn 40 quốc gia trên khắp 5 châu lục, nhưng không cho biết cụ thể.

Dù khí cầu đó phục vụ mục đích dân sự hay quân sự, sự di chuyển của nó ở Mỹ đặt ra câu hỏi rằng ông Tập nắm rõ mức nào về các hoạt động nhạy cảm được thực hiện trong hệ thống do ông giám sát.

Nếu khí cầu bay sang Mỹ là một phần của cái mà Washington gọi là chương trình giám sát phối hợp có liên quan đến quân đội, thì ông Tập có thể biết về chương trình đó, nhưng không hiểu rõ về hoạt động hằng ngày.

Theo nhà phân tích Drew Thompson ở Singapore, nếu đúng như vậy, điều này cho thấy mức độ kiểm soát quyền lực chặt chẽ ở Trung Quốc.

“Vấn đề với hệ thống tập trung quyền lực là thiếu trao quyền cho các cấp thấp hơn, nghĩa là các quan chức cấp thấp dù có thể theo dõi hoạt động như vậy chặt chẽ hơn nhưng không được trao quyền để làm, hoặc không thể đánh giá về tác động chính trị của hoạt động”, ông Thompson nhận định.

Những cuộc khủng hoảng trước đây cho thấy tình trạng này, bao gồm đợt bùng phát dịch SARS năm 2002-2003 và gần đây là COVID-19, khi tình trạng chậm trễ trong báo cáo dẫn đến phản ứng chậm và khiến vấn đề trầm trọng hơn. Một số quan chức cấp địa phương bị cho là đã cố che đậy vì sợ trách nhiệm, hoặc quen với một hệ thống mà thông tin truyền từ trên xuống, thay vì từ dưới lên.

Dali Yang, một nhà khoa học chính trị tại ĐH Chicago, cho rằng việc phóng khinh khí cầu có thể rơi vào khoảng trống mà hoạt động của chúng không được quản lý hay giám sát giống như các sứ mệnh không gian và tàu vũ trụ.

Trong trường hợp này, các đơn vị phóng khí cầu có thể nhận được “ít hoặc không phản hồi nào từ các quốc gia, bao gồm Mỹ”, vì thế họ coi những vụ phóng như vậy là thông lệ, dựa trên điều kiện thời tiết và thực hiện với chi phí thấp.

Các quan chức Mỹ cho biết, họ tin rằng cả các lãnh đạo cấp cao của quân đội và Đảng, bao gồm Chủ tịch Tập, cũng không biết về khí cầu bay ở Mỹ, và đến nay Trung Quốc vẫn đang đánh giá xem điều gì đã xảy ra, một nguồn tin nắm được cuộc họp trong Quốc hội Mỹ nói với CNN.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc có vẻ bị động về vụ việc, vì thế chỉ có thể đưa ra giải thích đầu tiên 12 giờ sau khi Lầu Năm Góc thông báo đang theo dõi một khí cầu nghi do thám.

Bình Giang

Theo CNN

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/my-tin-ong-tap-can-binh-khong-biet-ve-khi-cau-do-tham-post1509057.tpo