Mỹ tính chi phối tương lai khí đốt của châu Âu

Quyết định trì hoãn các dự án cơ sở hạ tầng khí đốt mới với lý do 'thảm họa khí hậu' của Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ không có tác động ngắn hạn đến châu Âu, vốn nghiện khí đốt của Mỹ kể từ khi cuộc chiến ở Ukraine nổ ra, nhưng có thể sẽ có tác động trong thập kỷ tới.

Một cảng xuất khẩu LNG ở Mỹ. Ảnh Reuters

Dù được các tổ chức phi chính phủ chống nhiên liệu hóa thạch hoan nghênh nhưng kế hoạch này lại vấp phải sự lạnh nhạt của ngành công nghiệp khí đốt.

Eurogas, một hiệp hội gồm 77 doanh nghiệp khí đốt châu Âu, gần đây đã kêu gọi Washington tránh "cấm hoặc hạn chế không cần thiết" đối với các cơ sở hạ tầng xuất khẩu LNG theo đường biển ở Mỹ.

Eurogas cảnh báo rằng "hành động này có nguy cơ làm tăng và kéo dài tình trạng mất cân bằng nguồn cung trên toàn cầu", hoặc thậm chí "có thể kéo dài thời kỳ biến động giá ở châu Âu".

Trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ, ông Joe Biden đã quyết định ngừng cấp phép cho các terminal LNG mới tại Mỹ, với lý do khủng hoảng khí hậu.

Mỹ có 7 terminal xuất khẩu LNG, hầu hết nằm ở Texas, với tổng công suất 328 triệu m3/ngày. Ngoài ra còn có thêm 5 công trình khác đã được cấp phép và đang được xây dựng. Theo S&P Global Commodity Insights, tổng cộng có 22 địa điểm mới đã được chọn. Trong số đó, có 4 hồ sơ đang được Bộ Năng lượng Hoa Kỳ (DOE) xem xét đình chỉ.

Khi khí đá phiến bùng nổ mạnh, Mỹ đã trở thành nước xuất khẩu LNG hàng đầu thế giới, vượt qua cả Qatar và Úc, cung cấp 80% tổng nguồn cung bổ sung vào năm 2023, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế.

Mỹ đã tăng tỷ trọng nhập khẩu của châu Âu từ 43% vào năm 2022 lên 47% vào năm 2023, trở thành nhà cung cấp LNG hàng đầu cho lục địa già.

Hiện tại sẽ không có giấy phép xuất khẩu mới nào được cấp tại Mỹ cho đến khi DOE cập nhật phân tích của mình về từng dự án. Đối với Washington, đây là cách để hiểu rõ hơn về nhu cầu của thị trường, về cung và cầu dài hạn cũng như các yếu tố môi trường.

Vấn đề trên đặt ra loạt câu hỏi mới về nguồn cung ở châu Âu, vốn đang căng thẳng kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine vào tháng 2/2022 và khi Moscow quyết định cắt giảm nguồn cung khí đốt qua đường ống.

Than có giành được chiến thắng không?

Tại Brussels, Ủy ban châu Âu nhấn mạnh lệnh cấm này "không ảnh hưởng đến các dự án xuất khẩu đã được phê duyệt", nên sẽ "không ảnh hưởng đến an ninh cung ứng của EU trong ngắn hoặc trung hạn", đại diện phát ngôn về năng lượng và khí hậu Tim McPhie chia sẻ với AFP.

Nhà nghiên cứu Ben Cahill tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho biết thị trường cũng sẽ chứng kiến một làn sóng các dự án cung cấp mới do Mỹ và Qatar triển khai từ năm 2026.

Nhưng điều này vẫn chưa thể chắc chắn được trong dài hạn. Ông cho biết thêm: "Vấn đề này thực sự liên quan đến những gì sẽ xảy ra sau đó, vì các dự án LNG mới của Mỹ sẽ nhằm đáp ứng nhu cầu dự kiến trong những năm 2030 và 2040".

Nhà phân tích Ademiju Allen công ty Rystad Energy cho biết: "Kế hoạch tạm hoãn này sẽ có tác động lâu dài hơn, do nhu cầu LNG tăng trưởng sau năm 2030" ở châu Âu và đặc biệt là ở châu Á, và sẽ không loại trừ khả năng tăng giá trên các chỉ số toàn cầu.

Trước lệnh cấm của ông Biden, Rystad ước tính rằng với tốc độ hiện tại, thị phần toàn cầu của Mỹ có thể tăng từ 21% vào năm 2023 lên 30% vào năm 2030.

Nhà nghiên cứu Simone Tagliapietra tại Viện Bruegel Brussels nhận xét: Thời gian tạm hoãn kéo dài sẽ mang lại lợi ích cho các nhà cung cấp LNG khác như Qatar. Theo Rystad, "Mexico, Canada, Mozambique và có thể bao gồm cả Nga có thể sẽ tăng thị phần của họ vượt qua mong đợi".

Được các doanh nghiệp trong ngành gọi là năng lượng "chuyển tiếp", ít độc hại hơn than đá và dầu mỏ, khí đốt vẫn còn gây tranh cãi do vấn đề rò rỉ khí metan, một loại khí nhà kính mạnh gây ra hiện tượng nóng khí hậu. Theo Rystad, quyết định hạn chế khí đốt có thể làm chậm tốc độ chuyển đổi, nhưng lại kích thích người ta sử dụng than nhiều hơn.

Ý Thiên

AFP

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/my-tinh-chi-phoi-tuong-lai-khi-dot-cua-chau-au-704983.html