Mỹ tính đưa tên lửa đến châu Á giữa căng thẳng với TQ

Tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ ủng hộ ý tưởng triển khai tên lửa đến những căn cứ then chốt tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, không loại trừ khả năng có đảo Darwin gần Biển Đông.

Căng thẳng Mỹ - Trung phủ bóng Hội nghị Tham vấn Bộ trưởng Australia - Mỹ (AUSMIN) tổ chức tại Sydney ngày 4/8.

Tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper tiết lộ với truyền thông ông muốn triển khai đầu đạn quy ước tầm trung đến các căn cứ then chốt của nước này trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt sau khi Mỹ chính thức rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) ngày 2/8, theo Finacial Review.

Từ trái qua: Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper, Ngoại trưởng Mike Pomeo, Ngoại trưởng Australia Marise Payne và Bộ trưởng Quốc phòng Linda Reynolds. Ảnh: Bloomberg.

Từ trái qua: Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper, Ngoại trưởng Mike Pomeo, Ngoại trưởng Australia Marise Payne và Bộ trưởng Quốc phòng Linda Reynolds. Ảnh: Bloomberg.

Tham vọng điều tên lửa đến khu vực

Bộ trưởng Quốc phòng Australia Linda Reynolds ngày 5/8 trả lời ABC Radio National cho biết bà đã trao đổi với người đồng cấp phía Mỹ về khả năng Washington triển khai tên lửa đến căn cứ Darwin.

"Ông ấy xác nhận chưa có yêu cầu gửi Australia và chưa có dự định. Có thể Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cần phải xem xét tổng thể các vấn đề này, đặc biệt trước những diễn biến trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nhưng tôi có thể xác nhận ông ấy đã không đưa ra đề nghị nào và cũng chưa có dự tính đưa ra đề nghị chính thức", bà Reynolds cho biết.

Tuy nhiên, ý tưởng triển khai tên lửa đến khu vực vẫn được phía Mỹ đề cập trong cuộc họp giữa các bộ trưởng và phần trao đổi với truyền thông.

"Giờ đây chúng tôi có thể tự do phát triển vũ khí với tầm hoạt động từ 500-5.500 km, vốn là công cụ răn đe trên mặt đất thời gian qua không được đầu tư", ông Esper trả lời họp báo sau cuộc họp.

"Theo tôi, việc được nâng mức độ thiết kế và phát triển, thử nghiệm và cuối cùng là triển khai những hệ thống này, dù là đến châu Âu hay đặt tại châu Á - Thái Bình Dương hoặc bất cứ nơi nào khác, đều sẽ thiết lập và duy trì cho Mỹ vị thế mong muốn để răn đe ngăn chặn xung đột trong mọi khu vực", ông bổ sung việc triển khai sẽ được tham vấn với các đồng minh và đối tác.

Theo AAP, nếu Mỹ triển khai tên lửa với tầm bắn 5.500 km đến căn cứ tại Darwin, khu vực phía nam Trung Quốc sẽ nằm trong tầm nhắm. Khoảng cách từ Darwin đến Thượng Hải chỉ có 5.000 km. Các đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp, xây dựng và quân sự hóa trái phép trên Biển Đông cũng nằm trong khoảng cách 3.000 km.

"Pháo đài bay" B-52 của Mỹ hạ cánh tại căn cứ Darwin trong một đợt tập trận cùng Australia năm 2018. Ảnh: Không quân Mỹ.

Trong một phát biểu sau đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng khẳng định những quyết sách về triển khai quân sự và các hoạt động trong khu vực được Mỹ đánh giá liên tục.

"Chúng tôi muốn đảm bảo chắc chắn khả năng bảo vệ các đối tác và những lợi ích của Mỹ", ông cho biết.

Ông Pompeo nhấn mạnh "Mỹ là một quốc gia Thái Bình Dương" và rất quan tâm đến khu vực. Ông khẳng định tên lửa sẽ không được triển khai đến Darwin hoặc những nơi khác nếu không nhận được sự ủng hộ của chính quyền Australia.

"Một khi chúng tôi triển khai các khí tài này trên thế giới cùng với bạn bè và đồng minh, chúng tôi tiến hành với sự đồng thuận của họ", ông trả lời báo giới ngày 4/8.

Australia dè dặt trước lời kêu gọi

Trong phần trao đổi với báo giới trên đường sang Australia, Bộ trưởng Esper chia sẻ mọi người không nên bất ngờ nếu Mỹ triển khai tên lửa đến châu Á. Ông cho biết gần 80% tên lửa của Trung Quốc được xếp loại vũ khí chiến thuật tầm trung.

Nhận định về những phát biểu của giới chức Mỹ, Ngoại trưởng Australia Marise Payne nhấn mạnh nước này vẫn xem Trung Quốc là "một đối tác vô cùng quan trọng". Tuy nhiên, bà bổ sung rằng sự hiện diện quân sự mạnh mẽ của Mỹ ở khu vực đôi lúc cũng đáng hoan nghênh.

"Đó là những quyết định chiến lược của Mỹ và tôi chắc chắn họ sẽ tham vấn với các đối tác then chốt", bà nhận định.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định việc triển khai tên lửa nếu được tiến hành cần có sự chấp thuận của Australia. Ảnh: AAP.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Australia Linda Reynolds lại cảnh báo sẽ không ai hưởng lợi trong viễn cảnh quan hệ cạnh tranh Mỹ - Trung trở nên thù địch, bày tỏ lo ngại tình thế đối đầu chiến lược giữa hai cường quốc ngày một tăng.

"Đối với Australia, lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc là một vấn đề khó. Chúng tôi có quan hệ chặt chẽ và lâu bền với Trung Quốc, trong khi Mỹ vẫn là đồng minh mạnh nhất của chúng tôi", bà cho biết.

Thủ tướng Australia Scott Morrison ngày 5/8 cũng nhấn mạnh Washington chưa đưa ra đề nghị triển khai tên lửa đến vùng lãnh thổ phía tây bắc nước này.

"Đề nghị đó chưa được mở lời, chưa được cân nhắc và cũng chưa được chính thức gửi đến chúng tôi", Thủ tướng Morrison trả lời họp báo tại Brisbane.

Nhiều chuyên gia lo ngại việc Mỹ đưa tên lửa đến châu Á có thể khiến Trung Quốc đẩy nhanh phát triển vũ khí và châm ngòi một cuộc chạy đua vũ trang ở khu vực, theo Financial Times.

"Trong khi bộ trưởng Mỹ hào hứng với ý tưởng triển khai tên lửa tầm trung, thực tế khắc nghiệt là Mỹ không có nhu cầu quốc phòng cho loại vũ khí này, không có sự ủng hộ từ quốc hội, không có đồng minh nào muốn tiếp nhận, cộng thêm rủi ro Trung Quốc phản ứng bằng nhiều tên lửa hơn", Daryl Kimbal, Giám đốc Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí, nhận định.

Lê Thanh

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/my-tinh-dua-ten-lua-den-chau-a-giua-cang-thang-voi-tq-post974763.html