Mỹ tố Iran gây nhiễu trước khi bắn hạ MQ-4C Triton

Tờ Newsweek dẫn nguồn tin quân sự Mỹ cho biết, lực lượng tác chiến điện tử Iran đã gây nhiễu khiến MQ-4C Triton lạc đường và bắn hạ chiếc UAV này.

Theo nguồn tin này, nhiều khả năng Iran đã dùng tổ hợp tác chiến điện tử (EW) 1L222 Avtobaza do Nga sản xuất gây nhiễu khiến máy bay Mỹ đi lạc vào không phận Iran và sau đó bị phòng không Tehran bắn hạ.

Dù cáo buộc này không phải là nguồn tin chính thức được Mỹ đưa ra nhưng khả năng này hoàn toàn có cơ sở bởi chính khí tài này của Iran đã từng gây nhiễu khiến 3 chiếc máy bay tấn công không người lái (UCAV) MQ-9 của Mỹ rơi.

Chỉ tính từ đầu năm 2019 đến cuối tháng 4, đã có tổng công 3 chiếc MQ-9 của Mỹ gặp nạn một cách bí ẩn khi hoạt động tại Afghanistan. Phía Mỹ cho rằng, những chiếc máy bay này bị rơi do gặp phải sự cố kỹ thuật, nguồn tin địa phương thì cho rằng nó bị tên lửa đất đối không của phiến quân bắn hạ.

Được biết, Avtobaza là một hệ thống gây nhiễu tự động trên nhiều loại tín hiệu phát xạ khác nhau. Khí tài này có tầm hoạt động tối đa là 150km, độ cao tối đa là 30km, hệ thống có khả năng dò tìm tín hiệu trong dải tần từ 8-17.5Mhz và có khả năng quản lý trên 60 mục tiêu.

Hệ thống này có khả năng gây nhiễu tín hiệu vệ tinh, mô phỏng tín hiệu của các loại sóng radar từ trạm điều khiển mặt đất, gây nhiễu loạn hệ thống điều khiển và dẫn đường của đối phương.

Ngoài ra, Avtobaza còn có khả năng chống lại các hệ thống tác chiến điện tử của đối phương, đảm bảo cho các khí tài của lực lượng vũ trang được trang bị hoạt động tốt trong môi trường tác chiến điện tử mạnh.

Ngoài lực lượng mặt đất, hệ thống Avtobaza cũng được triển khai trên một số tàu chiến nhằm nâng cao sức mạnh chiến đấu và phòng thủ. Thông số kỹ thuật của các hệ thống này hầu như không được công bố, điều đó khiến năng lực của hệ thống này trở thanh một ẩn số lớn.

Nếu nhìn vào những thông tin Nga công bố về 1L222 Avtobaza cho thấy, khí tài này hoàn toàn đủ sức vô hiệu bất kỳ vũ khí nào nó ngắm đến. Nhưng theo một số chuyên gia, với trường hợp của MQ-9 lại khác và gây nhiễu UAV là một công việc khó khăn.

Bởi theo công bố của nhà sản xuất Lockheed Martin, những chiếc UAV này được thiết kế để hoạt động ở hai chế độ khác nhau, hoặc được điều khiển bằng tay từ trạm mặt đất, hoặc chế độ tự động. Ngoài ra, việc dò tìm tần số điều khiển của hệ thống UAV không hề đơn giản, các đường truyền tín hiệu an toàn của Mỹ luôn được mã hóa để tăng cường bảo mật.

Thế nhưng khi nhìn vào thành tích thực chiến của những hệ thống EW do Nga sản xuất, trong đó có cả 1L222 Avtobaza khi hoạt động trong quân đội Iran cho thấy, việc ép hạ cánh MQ-9 và trước đây là RQ-170 không hề khó như Mỹ tuyên bố. Ảnh trong bài: MQ-4C Triton và MQ-9. (Đan Nguyên)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/anh-nong/my-to-iran-gay-nhieu-truoc-khi-ban-ha-mq-4c-triton-3382477/