Mỹ trả giá đắt vì đánh giá thấp tên lửa Triều Tiên

Giới chuyên gia quân sự cho biết rằng, sẽ rất nguy hiểm nếu “ai đó” đánh giá thấp tiềm năng của tên lửa đạn đạo của Triều Tiên.

Công nghệ dân dụng Triều Tiên rất phát triển

Trong những ngày gần đây, nguy cơ đối đầu quân sự trên bán đảo Triều Tiên đang nóng lên dữ dội, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rằng, tốt nhất là Bình Nhưỡng không nên đe dọa Hoa Kỳ, nếu không nước này sẽ phải gánh chịu hậu quả ghê gớm.

Ngay sau đó hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA thông báo rằng, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên đang phát triển kế hoạch phóng bốn quả tên lửa đạn đạo tầm trung theo hướng đảo Guam (Mỹ), vừa nhằm thử nghiệm tên lửa, vừa răn đe những cái đầu nóng của Mỹ.

Một số chuyên gia cho rằng, ban lãnh đạo Triều Tiên đang giả vờ mà thôi. Tuy nhiên, trong bài bình luận cho Sputnik, chuyên gia quân sự Nga Vasily Kashin cho rằng, các đối thủ phương Tây không nên đơn giản hóa tình hình và đừng có đánh giá thấp tiềm lực tên lửa của Bình Nhưỡng.

Ngay cả các chuyên gia về nền chính trị châu Á đã ngạc nhiên với những tiến bộ mà Bình Nhưỡng đạt được trong lĩnh vực tên lửa và hạt nhân. Trong nhiều năm qua, quan niệm phổ biến nhất về Triều Tiên là: “Một nước nghèo có mức phát triển kinh tế rất thấp, toàn bộ ngân sách bỏ ra để phát triển tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân”.

Trên thực tế, tiềm năng của Bình Nhưỡng trong lĩnh vực công nghiệp quân sự và khoa học-kỹ thuật là lớn hơn nhiều so với dự đoán của các chuyên gia. Trong một số lĩnh vực, Triều Tiên đã đạt đến tầm trình độ mà nhiều nước phương Tây không thể sánh kịp.

Như thường lệ, khi đánh giá nhịp độ phát triển của Bình Nhưỡng, các chuyên gia sử dụng những dữ liệu về mức sống dân cư. Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào số liệu đó thì không thể đánh giá đúng đắn mức phát triển công nghiệp, khoa học và giáo dục của một đất nước như Triều Tiên.

Triều Tiên tuyên bố tên lửa của nước này có thể tấn công tới Mỹ

Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên có thể tự sản xuất máy điều khiển số vì đã duy trì và cải thiện các công nghệ nhận được từ Liên Xô vào những năm 1980. Bình Nhưỡng còn tự sản xuất xe hơi và xe tải, máy móc nông nghiệp, toa tàu hỏa, tàu biển các loại đơn giản hay thiết bị cho các nhà máy nhiệt điện và thủy điện.

Triều Tiên còn có một cơ sở sản xuất linh kiện điện tử rất hiện đại, có khả năng phát triển và sản xuất thiết bị điện tử tiêu dùng từ linh kiện nhập khẩu. Nước này còn có thể tự sản xuất máy bay hạng nhẹ và cung cấp dịch vụ trọn gói cho các máy bay nhập khẩu.

Trong lĩnh vực công nghệ thông tin, Triều Tiên đã tự phát triển một hệ điều hành riêng dựa trên hệ điều hành nổi tiếng Android, cũng như có thể phát triển nhiều ứng dụng di động độc đáo.

Khi đánh giá tổng quát về tiềm năng của Bình Nhưỡng trong lĩnh vực công nghiệp, khoa học- kỹ thuật và giáo dục, có thể so sánh thực trạng hiện nay của Triều Tiên với các nước Đông Âu trong phe xã hội chủ nghĩa vào những thập niên 80 của thế kỷ trước. Tuy nhiên, không chỉ về công nghệ dân dụng mà cả về công nghệ quân sự, cũng không ai được phép coi thường Triều Tiên.

Không thể coi thường công nghệ quân sự Triều Tiên

Ngành công nghiệp quân sự của Triều Tiên có thể tự sản xuất các hệ thống tên lửa phòng không, xe tăng, xe bọc thép, tổ hợp tên lửa chống tăng, các hệ thống pháo mặt đất rất mạnh mẽ.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/my-tra-gia-dat-vi-danh-gia-thap-ten-lua-trieu-tien-3341319/