Mỹ trao món lợi cho Nga khi dồn Damacus vào đường cùng

Iran có thể cho Syria nhiên liệu và gia hạn những món nợ, còn Nga có thể cho Syria cả hai thứ đó cùng với chỗ dựa vững chắc về quân sự.

Đường cùng

Chính phủ Syria đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nhiên liệu tồi tệ nhất kể từ cuộc nội chiến nổ ra năm 2011. Quốc gia Trung Đông này đang phải dựa vào hơn 75% nguồn nhiên liệu nhập từ bên ngoài.

Hiện tại, Syria cần dầu mỏ để tồn tại. Việc sản xuất trong nước năm 2019 của quốc gia này đạt 24.000 thùng/ngày, chỉ đáp ứng được 20 - 25% nhu cầu của nền kinh tế. Chính phủ Syria đã buộc phải phân phối nhiên liệu cho dân thường để duy trì nguồn cung hiện tại.

Giới chuyên gia nhận định rằng, Damascus hoặc phải giành lại được quyền kiểm soát các mỏ dầu ở phía đông, đặc biệt tại các khu vực của lực lượng SDF được Mỹ ủng hộ.

Về lâu dài, lực lượng SDF có thể sẽ đàm phán với Damascus dưới sự bảo hộ của Mỹ nhưng hiện tại, SDF vẫn tiếp tục tuân thủ các lệnh trừng phạt, thắt chặt các tuyến đường cung cấp dầu mỏ và đảm bảo không có nguồn hàng nào đi qua sông Euphrates để tới các khu vực do chính phủ kiểm soát.

Washington sẽ không dễ dàng bỏ qua cơ hội để xoáy vào điểm yếu chí tử này của Damacus. Mới đây, Quân đội Mỹ và đồng minh là Lực lượng Dân chủ Syria đã nổ súng vào một chiếc phà của chính phủ Syria khi nó đang cố vận chuyển dầu ở thung lũng sông Euphrates.

Người dân Syria xếp hàng chờ đổi khí đốt ở quận Salah al-Din của thành phố phía bắc Aleppo, ngày 11/2.

Người dân Syria xếp hàng chờ đổi khí đốt ở quận Salah al-Din của thành phố phía bắc Aleppo, ngày 11/2.

Theo kênh thông tin tỉnh Deir Ezzor của SDF, Liên minh chống khủng bố do Mỹ cầm đầu đã tấn công vào chiếc phà chở dầu của chính phủ Syria khi nó đang đi xuống sông Euphrates.

Mỹ đã ngăn Syria vận chuyển dầu từ các nước láng giềng như Iraq do liên quan đến các lệnh trừng phạt của chính quyền Trump đối với chính phủ ở Damascus.

Thậm chí, Washington từng cảnh báo sẽ mạnh tay áp đặt trừng phạt đối với những bên chuyển dầu mỏ cho Chính phủ Syria. Mỹ thẳng thừng rằng, các lệnh trừng phạt này nhằm mục đích cô lập ban lãnh đạo của Syria.

Iran đang là nguồn cung dầu mỏ chính của Syria, tuy nhiên Tehran cũng đang rơi vào tình trạng "khó thở" bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ. Căng thẳng Vịnh Ba Tư cũng đang dâng cao khiến cho các hoạt động của tàu chở dầu Iran bị gián đoạn.

Bằng việc cắt đứt các nguồn cung cấp dầu mỏ đến Syria, Washington đang dồn chính phủ của Tổng thống Assad vào thế bí cho dù Damacus đã giành chiến thắng trong cuộc nội chiến kéo dài hơn 8 năm.

Cứu cánh duy nhất đối với chính phủ Syria lúc này chính là Moscow. Nga có thể là một nguồn cung nhiên liệu ổn định thay thế Iran. Tuy nhiên, Tổng thống Assad sẽ dùng điều gì để đổi lấy sự giúp đỡ từ Nga?.

Chọn Nga hay Iran?

Theo Kirill Semenov - nhà phân tích về Trung Đông tại Hội đồng Quan hệ Quốc tế Nga có trụ sở ở Moscow, Nga có thể dùng điều này (cuộc khủng hoảng nhiên liệu) để chi phối ông Assad và khiến Tổng thống Syria đưa ra các quyết định mang lại nhiều lợi ích cho Nga hơn là Iran.

Chính phủ Syria đã thông báo kế hoạch sẽ cho Nga thuê cảng biển Tartous trong 49 năm và Moscow có thể sử dụng cảng biển này không chỉ cho các mục đích kinh tế mà còn để đặt căn cứ hải quân.

Phó Thủ tướng Nga Yuri Borisov đã gặp Tổng thống Assad tại Syria vào cuối tháng 4/2019 và khẳng định rằng, việc Nga thuê cảng Tartous sẽ thúc đẩy thương mại 2 nước, cũng như đem lợi lợi ích kinh tế cho Syria.

Ông Yuri Borisov nhấn mạnh, các mỏ dầu ở phía đông hiện đang nằm ngoài tầm kiểm soát của chính phủ nhưng sẽ có "một số đề xuất cụ thể" được đưa ra và "Syria nên sẵn sàng để giải quyết vấn đề".

Iran có thể cho Syria nhiên liệu và gia hạn những món nợ kinh tế, còn Nga có thể cho Syria cả hai thứ đó cùng với chỗ dựa vững chắc về quân sự.

David Butter, một chuyên gia về năng lượng tại Chatham House nhận định, cả Iran và Nga đều đang sử dụng cuộc khủng hoảng nhiên liệu để gây sức ảnh hưởng với Tổng thống Assad.

"Iran muốn đảm bảo các khoản nợ của Syria sẽ được trả lại tương xứng với sự hỗ trợ của Iran trong khi Nga dường như nghiêng về mục tiêu đạt được sự kiểm soát về quân sự và chính trị nhiều hơn", ông Butter cho biết.

Theo ông Butter, dù Nga không lên tiếng về mục đích thực sự của mình nhưng dường như "Moscow đang muốn tác động đến Tổng thống Assad trên quy mô của một sự sắp xếp chính trị nhằm đảm bảo các lợi ích kinh tế và quân sự của Nga cũng như đẩy Iran khỏi Syria".

Iran có thể cho Syria nhiên liệu và gia hạn những món nợ kinh tế, còn Nga có thể cho Syria cả hai thứ đó cùng với chỗ dựa vững chắc về quân sự. Tổng thống Assad sẽ phải sớm đưa ra quyết định, và quyết định đó sẽ ảnh hưởng lớn đến tương lai của Syria sau nội chiến. Thậm chí, quyết định của Damacus còn thay đổi cục diện cả vùng Trung Đông.

Thục Quyên

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/my-trao-mon-loi-cho-nga-khi-don-damacus-vao-duong-cung-3379944/