Mỹ - Triều bế tắc, ông Kim tìm đường nới cấm vận từ TT Putin?

Sau hai hội nghị thượng đỉnh với Mỹ không đạt tiến triển, Triều Tiên đang hy vọng nhờ cậy Nga trong nỗ lực thoát khỏi cô lập kinh tế. Tổng thống Putin dường như rất sẵn lòng.

Hãng tin TASS của Nga đưa tin Moscow đã chuyển lời mời ông Kim Jong Un sang thăm chính thức Nga và đang chờ phản hồi từ phía Triều Tiên. Như thường lệ, Bình Nhưỡng giữ im lặng về lịch trình của nhà lãnh đạo, nhưng tình báo Hàn Quốc tuần trước nói Kim Chang Son, chánh văn phòng của ông Kim và là người người đã đến Singapore và Hà Nội tiền trạm cho các cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Donald Trump, đã đến Moscow trong tháng 3.

Ông Kim Chang Son là người phụ trách hậu cần cho các chuyến đi của ông Kim Jong Un, sự có mặt của ông là một chỉ dấu cho thấy chuyến thăm rất có thể sẽ diễn ra.

Cơ hội tăng ảnh hưởng của Nga

Tờ Wall Street Journal (WSJ) bình luận rằng đối với ông Kim, cuộc gặp ông Putin sẽ là cơ hội mời gọi sự ủng hộ của Nga, là một đồng minh truyền thống và là một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, cơ quan trực tiếp giám sát lệnh cấm vận Triều Tiên vì chương trình vũ khí hạt nhân. Ông Kim sẽ tìm cách nhờ cậy ông Putin trong việc nới lỏng các lệnh trừng phạt, và tạo ra kế hoạch ngoại giao dự phòng trường hợp quan hệ ngoại giao với đối tác chính là Bắc Kinh xấu đi.

Moscow luôn là đồng minh về kinh tế và ngoại giao đã hỗ trợ Bình Nhưỡng kể từ thời của lãnh đạo Triều Tiên Kim Nhật Thành, ông nội của ông Kim Jong Un, sau chiến tranh thế giới thứ 2. Liên Xô đã hỗ trợ Triều Tiên chống lại lực lượng do Mỹ dẫn đầu trong Chiến tranh Triều Tiên, và viện trợ kinh tế trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev (trái) tạm biệt lãnh đạo Triều Tiên Kim Nhật Thành sau khi ký hiệp ước phòng thủ chung tháng 7/1961. Ảnh: AP.

Lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev (trái) tạm biệt lãnh đạo Triều Tiên Kim Nhật Thành sau khi ký hiệp ước phòng thủ chung tháng 7/1961. Ảnh: AP.

Ông Putin sẽ coi cuộc gặp ông Kim sắp tới là cơ hội tăng ảnh hưởng của Moscow trong chính trị quốc tế, đồng thời thu thập thông tin tình báo về cuộc đàm phán hạt nhân Mỹ - Triều, Andrei Lankov, chuyên gia người Nga về vấn đề Triều Tiên, giáo sư Đại học Kookmin ở Seoul, nói với WSJ.

Lập trường của Nga là chống lại việc thay đổi chính thể ở Bình Nhưỡng và thống nhất bán đảo Triều Tiên dưới quyền Seoul, nhưng ủng hộ việc dỡ bỏ chương trình hạt nhân của Triều Tiên, ông Lankov cho biết.

“Sự ổn định là ưu tiên cao nhất trong chính sách bán đảo Triều Tiên của Nga”, ông Lankov nói với WSJ.

Triều Tiên nhờ cậy Nga trong vấn đề cấm vận

Hội nghị Mỹ - Triều ở Hà Nội đã không đi đến tuyên bố chung, vì hai bên bất đồng về các nhượng bộ có thể trao cho bên kia. Cả hai bên đều đổ lỗi cho bên kia đã không nhượng bộ đủ, với Mỹ mong muốn Triều Tiên thực hiện thêm việc giải giáp hạt nhân còn Triều Tiên muốn nhiều lệnh cấm vận được gỡ bỏ.

Tháng trước, một nhà ngoại giao cao cấp của Bình Nhưỡng cho biết ông Kim sẽ sớm quyết định có tiếp tục đàm phán hay không.

Không nới lỏng được cấm vận, ông Kim sẽ không thể đạt được mục tiêu phát triển được kinh tế do chính mình đặt ra. Chính quyền ông đã gửi thư đến tổng thư ký Liên Hợp Quốc vào tháng trước kêu gọi xem xét lại lệnh cấm vận và gọi đó là “hành động chống lại loài người” có mục đích khiến Triều Tiên chìm mãi trong “thời kỳ đen tối trung đại”, theo truyền thông nhà nước Triều Tiên.

Không nới lỏng được cấm vận, ông Kim sẽ không thể đạt được mục tiêu phát triển được kinh tế do chính mình đặt ra. Ảnh: AFP.

Đây chính là việc mà Triều Tiên đang cần nhờ cậy ông Putin. Các nhà ngoại giao Nga trong những tháng nay đã kêu gọi Liên Hợp Quốc cân nhắc nới lỏng trừng phạt. Năm 2016, Nga đã chấp nhận yêu cầu của Mỹ thắt chặt cấm vận Triều Tiên sau khi ông Kim tiến hành thử tên lửa và hạt nhân hàng loạt.

Moscow dường như sẵn sàng viện trợ kinh tế giới hạn cho Triều Tiên, dù ảnh hưởng của Nga lên Triều Tiên đã giảm nhiều kể từ Chiến tranh Lạnh, Wi Sung Lac, cựu đại sứ Hàn Quốc tại Moscow, nói với WSJ.

Ngày 4/4, truyền thông nhà nước Triều Tiên cho biết một lô hàng chứa lúa mì từ Nga đã đến Triều Tiên thông qua Chương trình Lương thực Thế giới.

Quan hệ Nga - Triều chung lợi ích

Nga và Mỹ đều muốn Triều Tiên từ bỏ kho vũ khí hạt nhân nhưng có cách tiếp cận khác nhau với mục tiêu này, Andrea Kendall-Taylor, nhà nghiên cứu cao cấp ở Trung tâm vì An ninh Mới cho nước Mỹ ở Washington, nói với WSJ.

“Triều Tiên là một vấn đề mà có sự trùng hợp với lợi ích giữa Nga và Mỹ, và hai nước có thể hợp tác”, bà nói.

Nhưng Nga cũng muốn giảm ảnh hưởng của Mỹ ở Đông Bắc Á và điều Nga cho là chiến lược đơn phương của Mỹ. Moscow cũng tin rằng lệnh cấm vận đang trói buộc ông Kim theo cách khiến giải giáp hạt nhân trở nên khó hơn, theo bà Kendall Taylor.

Trong ván cờ Nga - Triều, Nga là nước có ghế thường trực trong Hội đồng Bảo an, cho phép phủ quyết mọi đề xuất tăng cường cấm vận Triều Tiên của Mỹ, và đó là "lá bài nặng ký" của ông Putin khi gặp gỡ ông Kim. Nhưng đồng thời, Moscow không bỏ thể đơn phương gỡ bỏ cấm vận Triều Tiên mà không có sự ủng hộ của các thành viên thường trực khác trong hội đồng như Mỹ, Anh và Pháp.

Ông Putin và ông Kim cùng chung các mục tiêu như Triều Tiên được mở cửa cho thương mại và Mỹ giảm hiện diện quân sự ở Hàn Quốc, theo Neil Bhatiya, một nhà nghiên cứu ở Trung tâm vì An ninh Mới cho nước Mỹ.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Il (trái) cụng ly với Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Moscow tháng 8/2001. Ảnh: AP.

Bạn hàng lớn nhất của Triều Tiên là Trung Quốc, với tổng kim ngạch thương mại đạt 4,8 tỷ USD, theo số liệu tổng hợp của cơ sở dữ liệu mang tên Observatory of Economic Complexity do Học viện Công nghệ Massachussetts (MIT) quản lý. Nhưng Triều Tiên cũng nhập khẩu 74 triệu USD hàng hóa từ Nga năm 2017 và xuất khẩu 4 triệu USD, cũng theo cơ sở dữ liệu này.

Giá trị cao nhất trong hàng xuất khẩu của Triều Tiên là nhạc cụ để quân đội Nga sử dụng, theo ông Lankov.

Mối lo quan hệ Trung Quốc xấu đi

Hội nghị thượng đỉnh với Nga cũng là dịp để Triều Tiên trở nên vững vàng hơn và giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Quan hệ giữa Triều Tiên và Trung Quốc đã gặp nhiều trắc trở trong những năm gần đây, một phần vì ông Kim đã loại bỏ những nhân vật thân Trung Quốc trong chính quyền, giáo sư khoa học chính trị Vipin Narang của MIT, nói với WSJ.

“Việc ông Kim đánh cược thêm vào mối quan hệ với Nga để phòng trường hợp quan hệ với Trung Quốc xấu đi cũng là điều dễ hiểu”, ông nói.

Ông Kim đã thăm Trung Quốc vài lần trong năm vừa qua trong nỗ lực tăng cường quan hệ với Bắc kinh. Đồng thời, truyền thông nhà nước Triều Tiên vẫn nhấn mạnh cần thắt chặt quan hệ với Moscow.

Ông Wi, vị cựu đại sứ Hàn Quốc ở Nga, nói Nga là đối tác truyền thống và việc ông Kim củng cố quan hệ với những quốc gia như vậy là dễ hiểu, dù đàm phán với Mỹ diễn biến theo chiều hướng nào.

Chuyến thăm Nga sẽ có ý nghĩa lịch sử với ông Kim, vì cha và ông nội của ông đều đã đến đó bằng tàu. Ông Kim cũng đã đi tàu mất hơn 60 tiếng để đến ga Đồng Đăng, Lạng Sơn trước khi lên xe ôtô về Hà Nội tham dự hội nghị thượng đỉnh với ông Trump. Nhưng để đi tàu đến Moscow sẽ lâu hơn nhiều, theo WSJ.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (phải) gặp lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un ở Bình Nhưỡng tháng 5/2018. Ảnh: Bộ Ngoại giao Nga.

Trọng Thuấn (Theo Wall Street Journal)

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/my-trieu-be-tac-ong-kim-tim-duong-noi-cam-van-tu-tt-putin-post933232.html