Mỹ-Triều đấu khẩu gay gắt trước thềm Olympic PyeongChang

Triều Tiên cảnh báo việc nối lại các cuộc tập trận chung hàng năm giữa Mỹ-Hàn sau Thế vận hội sẽ đẩy Bán đảo Triều Tiên trở lại tình trạng đối đầu.

Tình hình Bán đảo Triều Tiên gần đây có những động thái mang tính hòa giải bất ngờ khi Triều Tiên thông báo kế hoạch cử 22 vận động viên cùng 24 huấn luyện viên và các quan chức của nước này tới tham dự Thế vận hội mùa Đông PyeongChang sẽ khai mạc ngày 9/2 tới tại Hàn Quốc.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un (phải).

Tuy nhiên, Mỹ và Triều Tiên vẫn có những tuyên bố cứng rắn, đặc biệt là Triều Tiên cảnh báo việc nối lại các cuộc tập trận chung hàng năm giữa Hàn Quốc và Mỹ sau Thế vận hội sẽ đẩy bán đảo Triều Tiên trở lại tình trạng đối đầu.

Tại Hội nghị Giải trừ quân bị do Liên Hợp Quốc bảo trợ diễn ra ngày 6/2 tại Geneva (Thụy sỹ), Mỹ cáo buộc Triều Tiên mở rộng chương trình hạt nhân đe dọa các quốc gia khác.

Đặc phái viên Mỹ về giải giáp vũ khí Robert Wood cảnh báo, vũ khí của Triều Tiên cần phải được loại bỏ hoàn toàn: “Các quan chức Triều Tiên quyết tâm không từ bỏ vũ khí hạt nhân và Triều Tiên có thể còn vài tháng nữa là có thể sở hữu năng lực tấn công tới Mỹ bằng tên lửa đạn đạo có gắn đầu đạn hạt nhân”.

Ông Robert Wood cho biết thêm: “Với những năng lực hiện có và sắp đạt dược cũng như những tuyên bố và hành động mang tính khiêu khích, Triều Tiên vẫn đặt ra mối đe dọa khẩn cấp và khó dự đoán đối với các đồng minh và đối tác của Mỹ”.

Đáp lại, nhà ngoại giao Triều Tiên Ju Yong Chol cáo buộc Mỹ tìm cách gia tăng căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên bằng cách triển khai các vũ khí chiến lược trong đó có tàu sân bay và chuẩn bị cho một cuộc tấn công phủ đầu có giới hạn chống Triều Tiên.

“Giới chức Mỹ, trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng và giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ CIA liên tục nói về mối đe dọa hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên nhằm biện minh cho lý lẽ mà họ đưa ra cho việc lựa chọn giải pháp quân sự và một khái niệm mới về tấn công phủ đầu có hạn chế đang được chính quyền Mỹ cân nhắc nhằm chống lại Triều Tiên”, ông Ju Yong Chol nhấn mạnh.

Trước đó, một bài báo do Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đăng tải bình luận rằng, nếu Mỹ và Hàn Quốc nối lại các cuộc tập trận chung quy mô lớn sau sự kiện thể thao PyeongChang, thì tình hình trên Bán đảo Triều Tiên sẽ lại bị đẩy ngược về giai đoạn tăm tối của thảm họa.

Bài báo cho rằng, ngay cả trước khi Thế vận hội mùa Đông PyeongChang 2018 diễn ra, trong khu vực và tại nhiều nơi trên thế giới đã xuất hiện ngày càng nhiều những mối lo ngại về tình hình trên Bán đảo Triều Tiên sau sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh này. Bài báo ngụ ý việc Mỹ từng tuyên bố sẽ nối lại các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc ngay sau khi Thế vận hội kết thúc.

KCNA nhấn mạnh, kế hoạch tập trận chung Mỹ-Hàn sẽ làm nguội lạnh bầu không khí cải thiện quan hệ liên Triều mà các bên khó khăn lắm mới tạo dựng được, cũng như đảo ngược xu thế phát triển.

KCNA còn chỉ ra rằng, tình hình hiện nay trong khu vực cho thấy Mỹ là kẻ quấy rối hòa bình, thủ phạm chính làm leo thang tình trạng căng thẳng và là lực cản chính đối với tiến trình trình tái thống nhất Bán đảo Triều Tiên.

Những chỉ trích nặng nề này được đưa ra sau khi Hàn Quốc và Mỹ được cho là đang lên kế hoạch tiến hành các cuộc tập trận chung hàng năm mang tên "Giải pháp Then chốt" và "Đại bàng Non" vào tháng 4 tới sau khi Thế vận hội kết thúc.

Trước đó, KCNA cũng dẫn lời một người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này lên tiếng chỉ trích Tổng thống Donald Trump, cho rằng tuyên bố của nhà lãnh đạo Mỹ trong Thông điệp Liên bang hồi tuần trước về quyết tâm gia tăng sức ép tối đa đối với Triều Tiên sẽ cản trở nỗ lực hòa giải giữa hai miền Triều Tiên.

Rõ ràng, cuộc đấu khẩu qua lại giữa Mỹ và Triều Tiên vẫn không giảm bớt bất chấp Thế vận hội mùa đông PyeongChang đang đến gần. Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence trước khi lên đường đến dự lễ khai mạc Olympic PyeongChang cũng lên tiếng loại bỏ khả năng có cuộc gặp với các quan chức Triều Tiên trong thời gian diễn ra Thế vận hội.

Ông Pence cho biết, ông chưa đề nghị bất kì cuộc gặp nào vì dự đoán được điều gì sẽ diễn ra.

Thay vào đó, Phó tổng thống Mỹ chắc chắn có cuộc gặp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trước thềm Olympic, nhằm xác nhận sự đoàn kết của 2 đồng minh Đông Bắc Á trong việc ứng phó với Triều Tiên./.

Trần Nga/VOV1

Nguồn VOV: http://vov.vn/the-gioi/mytrieu-dau-khau-gay-gat-truoc-them-olympic-pyeongchang-727791.vov