Mỹ, Triều Tiên cân nhắc cử đại diện liên lạc thường trú

Các quan chức Mỹ và Triều Tiên cân nhắc việc trao đổi các đại diện liên lạc, bước tiến mới nhất trong cam kết bình thường hóa quan hệ mà hai bên đã đạt được từ hội nghị đầu tiên.

Mỹ và Triều Tiên đang nghiêm túc cân nhắc việc mỗi nước cử các đại diện liên lạc sang công tác ở nước kia, một động thái có thể dẫn đến hình thành các cơ quan bảo vệ “lợi ích” ở mỗi nước.

Hai nguồn tin ngoại giao cao cấp của CNN nói rằng bước tiến trước mắt sẽ là trao đổi các đại diện này. Theo đó, Mỹ có thể sẽ cử một số viên chức liên lạc đến Triều Tiên để thành lập văn phòng, dẫn đầu bởi một quan chức ngoại giao cao cấp nói được tiếng Triều Tiên.

Nếu đạt được bước tiến này, đây sẽ là bước đi quan trọng tiến tới dần bình thường hóa quan hệ giữa hai bên.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un sẽ gặp lại trong hội nghị thượng đỉnh tại Hà Nội ngày 27-28/2. Các đoàn tiền trạm của hai nước đã đến Hà Nội để chuẩn bị cho cuộc gặp.

Phái đoàn Mỹ và Triều Tiên được cho là vẫn đang tiếp tục đàm phán về nội dung và thỏa thuận dự kiến cho hội nghị.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un (trái) gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump trong hội nghị thượng đỉnh tại Singapore ngày 12/6/2018. Ảnh: AFP.

Lần gặp đầu tiên tại Singapore tháng 6/2018 giữa lãnh đạo hai nước được xem là cột mốc lịch sử trong quan hệ Mỹ - Triều. Họ đã ra tuyên bố chung cam kết cùng nỗ lực để hướng tới một bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân. Họ cũng cam kết “xây dựng quan hệ Mỹ Triều mới phù hợp với mong muốn hòa bình và thịnh vượng của nhân dân hai nước”.

Tuy vậy, tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên vẫn được coi là chậm chạp và bế tắc, và không có nhiều các kết quả và nhượng bộ cụ thể.

Hiện giới quan sát vẫn chờ xem hai nhà lãnh đạo có thể ký các thỏa thuận cụ thể hơn tại Hà Nội để thúc đẩy tiến trình giải giáp hạt nhân đang đình trệ tại bán đảo Triều Tiên hay không.

Năm 1994, Mỹ và Triều Tiên cũng từng tính đến việc trao đổi 7 nhân viên liên lạc từ mỗi nước, theo “Thỏa thuận Khung”. Mỹ đã đi xa tới mức ký hợp đồng thuê mặt bằng trong văn phòng của phái đoàn Đức tại Triều Tiên. Triều Tiên cũng đã khảo sát các địa điểm ở thủ đô Washington D.C. của Mỹ.

Nhưng đến cuối năm 1995, Triều Tiên đã hủy bỏ toàn bộ kế hoạch. Theo CNN, điều này có thể xuất phát từ vụ việc trực thăng Mỹ bị bắn rơi khi bay qua Khu phi quân sự sang phía Triều Tiên cuối năm 1994.

Trọng Thuấn

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/my-trieu-tien-can-nhac-cu-nhan-vien-lien-lac-thuong-tru-post917693.html