Mỹ-Trung đạt thỏa thuận: Sự bình thản của Trung Quốc

Tổng thống Trump ca ngợi thỏa thuận vừa đạt được là tuyệt vời cho cả hai bên, tuy nhiên giới chức Trung Quốc tỏ ra khá bình thản.

Tuyên bố của ông Trump và sự bình thản của Trung Quốc

Ngày 13/12, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết đã đã đạt thỏa thuận thương mại giai đoạn một với Trung Quốc, gần một tiếng sau khi nói thông tin về thỏa thuận trên báo Mỹ là "tin vịt".

"Chúng tôi đã đồng thuận thỏa thuận giai đoạn một rất lớn với Trung Quốc. Họ đồng ý với nhiều thay đổi về cấu trúc và mua số lượng lớn sản phẩm nông nghiệp, năng lượng, sản xuất cùng nhiều thứ khác", Tổng thống Mỹ Donald Trump đăng trên Twitter. Ông Trump cho biết mức thuế 25% sẽ được giữ nguyên, trong khi mức 15% trước đó sẽ giảm một nửa xuống 7,5%.

Trong thông báo, Tổng thống Trump cũng cho biết Mỹ sẽ hạn chế một số mức thuế đã được áp vào hàng hóa Trung Quốc. Tuy nhiên, thuế quan 25% đã được áp dụng đối với hàng hóa của Trung Quốc trước đây vẫn được duy trì.

Ngoài ra, Tổng thống Trump cũng khẳng định Mỹ sẽ lập tức bắt đầu đàm phán thỏa thuận thương mại giai đoạn 2 với Trung Quốc thay vì chờ đến sau cuộc bầu cử năm 2020.

"Đây là một thỏa thuận tuyệt vời cho hai bên. Xin cảm ơn", Tổng thống Trump viết.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters

Cùng ngày, tại một cuộc họp báo tại Bắc Kinh, các quan chức Trung Quốc cũng thông báo đạt được tiến bộ quan trọng của thỏa thuận giai đoạn 1 với Mỹ.

Trung Quốc quyết định hủy kế hoạch áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu của Mỹ dự kiến cũng có hiệu lực từ ngày 15/12, đồng thời tăng cường nhập khẩu lúa mỳ và ngô của Mỹ.

Tuy nhiên, theo ông Vương Thụ Văn, Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc, hai bên vẫn chưa ký kết thỏa thuận này và hiện các quan chức thương mại của Trung Quốc và Mỹ đang thảo luận thời điểm cũng như địa điểm ký kết thỏa thuận.

Trước đó, theo một nguồn tin của Reuters, trong khi Mỹ hoãn đợt áp thuế 15% lên 160 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu và rút lại các khoản thuế bổ sung trước đó, Trung Quốc sẽ chấp nhận mua 50 tỉ USD hàng nông sản Mỹ trong năm 2020.

Số hàng hóa này được ước tính cao gấp đôi so với lượng nông sản Trung Quốc mua của Mỹ năm 2017, trước khi chiến tranh thương mại nổ ra.

Dù vậy, khi được hỏi về tình hình của đàm phán thương mại với Mỹ hiện tại, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh không hề đả động tới việc đã đạt được thỏa thuận một phần hay bất cứ sự đồng thuận nào khác với Mỹ.

Báo Tuổi trẻ dẫn lời chuyên gia nghiên cứu của Quỹ Hinrich Foundation, ông Stephen Olson, phát biểu trong một cuộc họp báo tại TP.HCM hôm 12/12: "Không một chút ngần ngại nào, tôi có thể khẳng định chưa từng thấy điều gì giống với những gì đang diễn ra hiện nay. Sự biến động, hỗn loạn, khó lường này trong thương mại quốc tế thực sự là chưa từng có trước đây.

Tôi không chỉ nói trong vòng 3 thập kỷ tôi làm việc về thương mại toàn cầu, mà trong 7 thập kỷ kể từ khi trật tự thương mại hiện đại được hình thành sau Thế chiến thứ 2".

Ông Olson cũng khẳng định bản thân ông tin chắc sự biến động và khó lường này đang trở thành một "sự bình thường mới", buộc cả thế giới phải học cách thích ứng theo.

Sau khi được hỏi liệu ý kiến của mình có thay đổi sau diễn biến mới nhất, ông Olson khẳng định rằng quan điểm của ông về cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vẫn không hề thay đổi.

"Ngày hôm trước tôi có nói rằng một thỏa thuận tạm thời "giai đoạn 1" sẽ rất khiêm tốn và chưa sâu. Thỏa thuận này chỉ giải quyết một phần nhỏ của những vấn đề dễ giải quyết trong tranh chấp giữa Mỹ và Trung Quốc, để lại các vấn đề khó nhằn hơn. Vì thế, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung trước mắt sẽ vẫn tiếp diễn", ông Olson nhấn mạnh.

Cũng theo chuyên gia này, các vấn đề căn cơ giữa Mỹ và Trung Quốc không thể giải quyết nhanh chóng. Ông giải thích đây là thách thức lớn về mặt hệ thống, khi 2 nền kinh tế vận hành theo 2 cách khác nhau phải cùng hòa giải vì cùng vận hành trong một hệ thống thương mại của thế giới.

Các nhà đàm phán Mỹ và Trung Quốc chưa đạt được thỏa thuận, họ chỉ mới "đồng thuận về nguyên tắc". Đây là "cách nói chuyện của những nhà đàm phán", nghĩa là chúng ta có thỏa thuận về các điểm chính nhưng vẫn phải làm việc về chi tiết.

"Trong bất cứ thỏa thuận thương mại nào, ác quỷ luôn là chi tiết", ông Olson lưu ý.

Thị trường phản ứng trái chiều

Trước thông tin Mỹ và Trung Quốc đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, thị trường Mỹ đã có những phản ứng trái chiều.

Chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 14,68 điểm xuống còn 28.117 điểm; chỉ số S&P 500 giảm 1,34 điểm xuống còn 3.167 điểm. Trong khi đó, chỉ số tổng hợp Nasdaq lại tăng 12,59 điểm lên suýt soát 8.730 điểm.

Trên thị trường quốc tế, các chỉ số chính đều tăng. Cụ thể, chỉ số Hang Seng tăng 2,57%; chỉ số Nikkei-225 của Nhật Bản tăng 2,55%; chỉ số tổng hợp Shanghai của Trung Quốc tăng 1,78%; chỉ số FTSE 100 tăng 1,9%; chỉ số DAX của Đức tăng 0,68% và chỉ số CAC 40 của Pháp tăng 0,72%.

Trong diễn biến khác, Bộ Thương mại Mỹ cho biết doanh số bán lẻ trong tháng 11 đạt 528 tỷ USD, tăng nhẹ 0,2% so với tháng trước nhưng thấp hơn mức dự báo 0,5% của các nhà kinh tế.

Trong khi đó, theo Bộ Lao động Mỹ, giá nhập khẩu hàng hóa tăng 0,2% trong tháng 11, chủ yếu do giá xăng dầu tăng sau khi giảm 0,5% trong tháng 10. Giá dầu thô theo kỳ hạn tăng 1,15% lên 59,86 USD/thùng, dầu thô Brent tăng 1,26% lên 65,01 USD/thùng. Giá vàng theo kỳ hạn tăng 0,56%.

Trong thời gian 12 tháng tính đến tháng 11/2019, giá nhập khẩu hàng hóa vào Mỹ giảm 1,3%.

An Nhiên

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/my-trung-dat-thoa-thuan-su-binh-than-cua-trung-quoc-3393308/