Mỹ - Trung đối đầu thương mại khốc liệt

Trung Quốc phát tín hiệu cho thấy họ và Liên minh châu Âu (EU) đang tiến gần thỏa thuận thương mại nhằm mở cửa thị trường Trung Quốc hơn nữa

Tổng thống đắc cử Joe Biden của Mỹ hôm 28-12 kêu gọi thành lập liên minh "các nước có chung tầm nhìn" để gia tăng sức ép, buộc Trung Quốc chịu trách nhiệm về các hành vi sai trái trong thương mại, công nghệ và nhân quyền.

Nhắc lại kế hoạch xóa bỏ chính sách "Nước Mỹ trên hết" của Tổng thống đương nhiệm Donald Trump, ông Biden nhấn mạnh với mọi vấn đề liên quan đến quan hệ Mỹ - Trung, từ theo đuổi một chính sách ngoại giao cho tầng lớp trung lưu đến bảo đảm an ninh và thịnh vượng cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Washington "sẽ mạnh mẽ và hiệu quả hơn khi được các nước có chung tầm nhìn hậu thuẫn".

Cùng ngày, trong một động thái cũng nhằm gia tăng sức ép lên Trung Quốc, chính quyền Tổng thống Trump đã củng cố lệnh cấm các nhà đầu tư Mỹ rót vốn vào các công ty Trung Quốc bị nghi liên quan đến quân đội kể từ tháng 11-2021.

Theo tài liệu hướng dẫn được Bộ Tài chính Mỹ công bố nhằm làm rõ sắc lệnh được ông Trump ký vào tháng rồi, lệnh cấm được áp dụng với các nhà đầu tư quỹ giao dịch hối đoái, quỹ chỉ số cũng như chứng khoán của các công ty bị liệt vào danh sách do Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) sở hữu hoặc kiểm soát.

Công nhân tại một dây chuyền lắp ráp xe điện của hãng sản xuất ôtô Volkswagen (Đức) ở TP Thượng Hải - Trung Quốc Ảnh: REUTERS

Công nhân tại một dây chuyền lắp ráp xe điện của hãng sản xuất ôtô Volkswagen (Đức) ở TP Thượng Hải - Trung Quốc Ảnh: REUTERS

Tài liệu nhấn mạnh mọi công ty con của các công ty trên đều là đối tượng bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định lệnh cấm "bảo đảm nguồn vốn của Mỹ không đóng góp vào sự phát triển và hiện đại hóa các cơ quan an ninh, tình báo và quân đội Trung Quốc".

Ngoại trưởng Pompeo nói thêm rằng lệnh cấm giúp giảm bớt nỗi lo giới đầu tư Mỹ có thể vô tình hỗ trợ những công ty do quân đội Trung Quốc kiểm soát thông qua các khoản đầu tư trực tiếp, gián tiếp hoặc thụ động khác. Tính đến thời điểm hiện tại, theo Reuters, Lầu Năm Góc đã đưa 35 công ty Trung Quốc vào danh sách đen nêu trên, trong đó có Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Trung Quốc (SMIC) và Tổng Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC).

Ngoài lệnh cấm nhằm vào các công ty quân đội Trung Quốc, chính quyền Tổng thống Trump còn thực hiện nước đi mới liên quan đến ứng dụng TikTok, thuộc sở hữu của Công ty ByteDance (Trung Quốc).

Bộ Tư pháp Mỹ hôm 28-12 cho biết họ đang kháng cáo phán quyết hồi đầu tháng này của Thẩm phán Tòa án Liên bang tại thủ đô Washington Carl Nichols về việc cho phép TikTok tiếp tục hoạt động tại Mỹ.

Chính quyền Tổng thống Trump thời gian qua viện dẫn những lo ngại về an ninh quốc gia trong chiến dịch nhằm vào TikTok, với lập luận dữ liệu cá nhân của người dùng Mỹ có thể bị chính phủ Trung Quốc thu thập. TikTok, ứng dụng có hơn 100 triệu người dùng tại Mỹ, đã phủ nhận cáo buộc này.

Trong phán quyết hôm 7-12, Thẩm phán Nichols cho rằng Bộ Thương mại Mỹ dường như đã vượt quyền hạn khi áp đặt hàng loạt hạn chế liên quan đến dịch vụ cung cấp nội dung, lưu trữ dữ liệu và các giao dịch kỹ thuật khác có thể khiến TikTok không thể hoạt động tại Mỹ.

CAO LỰC

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/my-trung-doi-dau-thuong-mai-khoc-liet-20201229221227434.htm