Mỹ - Trung lún sâu vào chiến tranh thương mại

Trung Quốc tuyên bố sẽ trả đũa ngay lập tức sau khi Mỹ đề xuất mức thuế mới với tổng giá trị 200 tỷ USD nhằm vào hàng hóa của họ, động thái làm leo thang cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Ngành thép Trung Quốc bị ảnh hưởng lớn do cuộc chiến thương mại với Mỹ. Ảnh: Reuters

Chính quyền Tổng thống Donald Trump ngày 11-7 lại tiếp tục bắn phát súng mới vào cuộc chiến thương mại đang diễn ra gay gắt với Bắc Kinh khi tuyên bố sẽ áp mức thuế 10% đối với lượng hàng hóa nhập khẩu bổ sung của Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD.

Phát biểu với Reuters, Đại diện Thương mại Mỹ Lighthizer đã xác nhận việc này. Các nhà đầu tư đang rất lo sợ một cuộc chiến tranh thương mại Trung-Mỹ leo thang hơn nữa, bởi nó có thể ảnh hưởng đến sự tăng trưởng toàn cầu. Ngày 11-7, chỉ số MSCI (chỉ số đo hiệu suất của thị trường chứng khoán trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương) ở Nhật Bản đã giảm khoảng 1%, trong khi các chỉ số chính ở Hồng Kông và Thượng Hải (Trung Quốc) phục hồi phần nào sau khi giảm hơn 2% vào cuối tuần. Chỉ số S&P500 và Dow kỳ hạn giảm khoảng 1% trong phiên giao dịch ở Phố Wall (Mỹ) vào cuối ngày 11-7.

Bắc Kinh cáo buộc Washington là “kẻ bắt nạt”

Trong tuyên bố đưa ra hôm 11-7, Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố “thật sự sốc” trước động thái mới nhất của Mỹ và nhấn mạnh sẽ kiện Washington lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Bắc Kinh cho rằng, các mức thuế mới nhất mà Mỹ áp lên hàng hóa của Trung Quốc gây phương hại cho hệ thống của WTO và gây bất lợi cho tiến trình toàn cầu hóa.

Trong một tuyên bố, Trung Quốc gọi hành động của Mỹ là “hoàn toàn không thể chấp nhận”. Bộ Ngoại giao Trung Quốc mô tả các mối đe dọa của Washington là “bắt nạt điển hình” và khẳng định, Bắc Kinh cần phải phản công để bảo vệ lợi ích của họ. “Đây là một cuộc chiến giữa chủ nghĩa đơn phương và đa phương, bảo hộ và tự do thương mại”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói tại cuộc họp thường ngày hôm 11-7. Dù Bắc Kinh không nói rõ sẽ trả đũa như thế nào, nhưng những cảnh báo của họ cũng đủ khiến cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới bị đẩy đi xa đáng lo ngại.

Ở ngay trong nước Mỹ, các nhóm doanh nghiệp và các nghị sĩ đảng Cộng hòa ở Mỹ chỉ trích gay gắt Tổng thống Donald Trump về những quyết định áp thuế gay gắt vào hàng hóa Trung Quốc.

Trung Quốc phải làm gì?

Vài ngày trước, Mỹ - Trung khai hỏa “cuộc chiến thương mại lớn nhất trong lịch sử kinh tế” khi quyết định của Washington áp mức thuế mới 25% đối với 818 mặt hàng nhập khẩu trị giá 34 tỷ USD từ Trung Quốc, chủ yếu là máy móc, thiết bị điện tử và công nghệ cao, chính thức có hiệu lực từ ngày 6-7. Ngay sau đó, Trung Quốc cũng tuyên bố các biện pháp trả đũa nhằm vào Mỹ lập tức có hiệu lực.

Vấn đề lo ngại hơn đặt ra ở đây là khi đó nếu Washington áp thêm mức thuế 10% nhằm vào hàng hóa của Trung Quốc trị giá 200-300 tỷ USD, tổng giá trị hàng hóa của Trung Quốc bị Mỹ áp thuế có thể lên tới hơn 550 tỷ USD, cao hơn cả mức giá trị hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ năm 2017 là 506 tỷ USD. Và một câu hỏi quan trọng vẫn chưa được giải đáp là nếu chính quyền Tổng thống Trump bị buộc phải đóng cửa với Trung Quốc và áp đặt giới hạn cao hơn để hạn chế các mặt hàng sản xuất của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, liệu Bắc Kinh có tìm kiếm các thị trường khác hay không?

Trên thực tế, người tiêu dùng Mỹ mua tới 1/5 tổng số lượng hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu trong năm 2017. Nhưng nếu các mặt hàng Trung Quốc bị Mỹ phong tỏa trong bối cảnh làn sóng chế độ bảo hộ và đơn phương, Bắc Kinh buộc phải tìm kiếm phương án khác. Các nền kinh tế mới nổi khác thuộc nhóm BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ và Nam Phi), các nước Châu Âu, Châu Á và các nước thành viên ASEAN, có thể là mục tiêu nhắm đến của Bắc Kinh. Nhưng có lo ngại rằng, việc Trung Quốc chuyển hướng đến các đối tác thương mại khác có khả năng tạo ra những xuất siêu mới có thể dẫn đến các tranh cãi thương mại khác.

KHẢ ANH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_192206_my-trung-lun-sau-vao-chien-tranh-thuong-mai.aspx