Mỹ trừng phạt công ty Trung Quốc, Bắc Kinh hứa đáp trả

Bộ Thương mại Trung Quốc khẳng định sẽ đáp trả tương xứng vụ Mỹ đưa 23 công ty Trung Quốc vào danh sách đen trừng phạt.

Hôm 11/7, Bộ Thương mại Trung Quốc phát đi thông điệp cho hay, Bắc Kinh phản đối mạnh mẽ việc Mỹ đưa công ty Trung Quốc vào danh sác đen của nước này.

Mỹ vừa đưa thêm 23 công ty Trung Quốc vào danh sách đen thương mại.

Bộ này nhấn mạnh sẽ đáp trả tương xứng với hành động vi phạm các quy tắc kinh tế và thương mại mà Mỹ đã làm.

"Đây là một áp lực phi lý chống lại các công ty Trung Quốc và vi phạm nghiêm trọng các quy tắc kinh tế và thương mại. Trung Quốc kiên quyết phản đối điều này" - thông báo từ Bộ Thương mại Trung Quốc cho hay.

Bộ Thương mại Trung Quốc tiếp tục yêu cầu phía Mỹ đảo ngược quyết định, cảnh báo nếu không sẽ trả đũa Washington.

"Chúng tôi sẽ thực hiện các bước cần thiết để bảo vệ mạnh mẽ quyền và lợi ích hợp pháp của mình" - Bộ này nêu rõ.

Trước đó, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao nước này - ông Uông Văn Bân khẳng định hôm 9/7: "Trung Quốc sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các công ty Trung Quốc. Chúng tôi đồng thời phản đối các nỗ lực can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc từ phía Mỹ".

Đầu tuần, Bộ Thương mại Mỹ đã đưa vào danh sách đen 34 thực thể nước ngoài, trong đó có 23 thực thể mới từ Trung Quốc liên quan đến các cáo buộc lạm dụng đối với người Duy Ngô Nhĩ ở tỉnh Tân Cương.

Trong số này, Mỹ cáo buộc 14 công ty có liên quan vấn đề nhân quyền ở khu vực Tân Cương, 5 công ty có quan hệ với quân đội Trung Quốc và 4 công ty khác có mối quan hệ làm ăn với các công ty đã bị Mỹ trừng phạt trước đó.

Các công ty Trung Quốc bị cáo buộc liên quan vấn đề nhân quyền ở Tân Cương bao gồm Công ty Công nghệ Thông tin Tân Cương Beidou Tongchuang; Học viện Điện tử và CNTT Trung Quốc; Công ty Suzhou Keda Technology; Công ty CNTT Xinjiang Lianhai Chuangzhi; Công ty CNTT Shenzhen Cobber; Công ty CNTT Xinjiang Sailing; Công ty CNTT Beijing Geling Shentong; Công ty Công nghệ Shenzhen Hua’antai Intelligent; và Công ty Chengdu Xiwu Security System Alliance.

Mỹ thêm các thực thể trên vào "Danh sách thực thể" (Entity List) của Bộ Thương mại, theo đó sẽ cấm các doanh nghiệp Mỹ bán hàng hóa và thiết bị cho các thực thể này.

"Bộ Thương mại cam kết hành động quyết liệt và dứt khoát nhằm đối với các thực thể có liên quan đến sự vi phạm nhân quyền ở Tân Cương hoặc sử dụng công nghệ từ Mỹ để thúc đẩy các nỗ lực hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc", Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo cho biết trong một tuyên bố.

Trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã bị gia tăng giám sát và chỉ trích về các chính sách đàn áp được cho là đàn áp đối với người dân tộc Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số Hồi giáo khác cũng như việc kiềm chế phe đối lập chính trị ở Hồng Kông và đe dọa nền độc lập của Đài Loan. Bắc Kinh bác bỏ những cáo buộc này, mô tả chúng là sự can thiệp của bên ngoài nhằm vào tình hình nội bộ của nước này.

Trong bối cảnh quan hệ giữa hai cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới vẫn căng thẳng, Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp tục xem xét lại chính sách của Washington đối với Bắc Kinh trên một số mặt. Động thái vừa được đưa ra là một phần trong số hàng loạt các biện pháp mạnh hơn của Mỹ đối với Trung Quốc, bao gồm tăng cường các liên minh của Mỹ và đầu tư để làm cho nền kinh tế Mỹ cạnh tranh hơn.

Kim Hoa

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/my-trung-phat-cong-ty-trung-quoc-bac-kinh-hua-dap-tra-3435279/