Mỹ trừng phạt vẫn tăng giao thương với Nga: EU nên học

Bất chấp trừng phạt kinh tế Nga, Mỹ vẫn tăng cường giao thương nhưng châu Âu lại chịu thiệt vì bó hẹp trong quan điểm gây sức ép với Nga.

Đại sứ Nga tại Pháp Alexei Meshkov và đặc phái viên của Pháp tại Nga Sylvie Bermann khi tới dự diễn đàn kinh doanh "Gặp gỡ với Nga" tại Pháp đã hối thúc các thành viên châu Âu tăng cường giao dịch và hợp tác kinh doanh với Nga.

Nga hối thúc châu Âu cải thiện đầu tư kinh doanh vào Nga bất chấp trừng phạt kinh tế.

Dù châu Âu hiện đang áp đặt nhiều đòn trừng phạt kinh tế lên Nga nhưng các thành viên EU nên tăng cường đầu tư vào Nga giống như những công ty Mỹ.

Theo ông Meshkov, dù Mỹ cũng áp đặt trừng phạt lên Nga nhưng các doanh nghiệp Mỹ vẫn tiếp tục mua hàng của Nga, giao dịch với Nga vẫn diễn ra. Trong khi đó, các doanh nghiệp của châu Âu thì nghiêm túc thực hiện các lệnh trừng phạt của mình và chịu thiệt hại do các lệnh trừng phạt ấy.

Theo Đại sứ Nga, Washington mua động cơ tên lửa của Nga và thậm chí các mặt hàng quân sự và cũng không có hạn chế trong lĩnh vực hạt nhân.

Nhưng châu Âu lại đang tự làm mình chịu thiệt hại vì các đòn trừng phạt của Nga.

Đại sứ Meshkov cho rằng, điều đặc biệt quan trọng là các lệnh trừng phạt Nga tác động lớn tới châu Âu và các doanh nghiệp châu Âu nhưng châu Âu không làm gì để "bảo vệ lợi ích kinh tế của chính họ".

"Doanh nghiệp Nga- Mỹ đã và đang tiếp tục phát triển, kể cả trong các lĩnh vực công nghệ cao nhất. Đó là vì các đối tác Mỹ không bao giờ tự bắn vào chân mình, giống như những người bạn châu Âu. Thật đáng tiếc" - Thông tấn TASS dẫn lời ông Alexei Meshkov.

Để giải quyết vấn đề này, Đại sứ Nga tại Pháp nhấn mạnh, các công ty nước ngoài nên quan tâm tới việc mang dây chuyển sản xuất của mình vào Nga.

"Những người đến Nga với công nghệ của riêng họ chắc chắn sẽ có được lợi thế so với các đối tác khác, những người chỉ sử dụng các hoạt động xuất nhập khẩu đơn giản" - Đại sứ Meshkov giải thích.

Về phần mình, Đại sứ Pháp tại Nga Sylvie Bermann đồng ý rằng Pháp và châu Âu nên tăng cường hợp tác kinh doanh với Nga, đồng

"Chúng ta không chỉ nên xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa mà còn đầu tư vào các dự án trên lãnh thổ của đất nước" - bà Bermann nhấn mạnh.

Một ví dụ trong đầu tư của Pháp vào các dự án năng lượng Nga như dự án Yamal LNG, mang lại cơ hội cho Tập đoàn dầu khí đa quốc gia của Pháp Total và cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Ngay cả các quan chức các nước thành viên châu Âu cũng phải thừa nhận rằng sự trừng phạt của EU nhằm vào Nga đang mang đến các thiệt hại nặng nề cho chính châu Âu.

Chủ tịch Hội đồng quản trị của Phòng Thương mại Nga - Đức Matthias Schepp hồi tháng 6/2019 dẫn số liệu cho thấy, các biện pháp trừng phạt mà Mỹ áp đặt lên Nga đã khiến các công ty Đức hoạt động tại Nga thiệt hại hàng tỷ euro.

"Có hơn 4.500 công ty Đức hoạt động tại Nga và nền kinh tế Đức đều chịu ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt Mỹ. Có thể tính toán được các tổn thất do Mỹ mang tới gây ảnh hưởng tới họ lên tới vài tỷ euro" - ông Schepp nói trong cuộc họp báo.

Phòng này đã tiến hành một nghiên cứu trên 141 công ty Đức tại Nga và phát hiện ra, các doanh nghiệp này đã mất tổng cộng 1,1 tỷ euro (khoảng 1,2 tỷ USD) kể từ Mỹ áp đặt trừng phạt lên Nga vào năm 2014.

Chủ tịch Rainer Zele của Phòng Thương mại Nga- Đức cho rằng, các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào nhiều công ty Đức hoạt động tại Nga là cách để giành lợi thế trên thị trường. Do đó, Chính phủ Đức cũng như nhiều thành viên châu Âu khác là đối tác của Nga đều cần chú ý để giảm thiểu tối đa hậu quả từ các lệnh trừng phạt. Động thái đơn giản hơn nữa là gỡ bỏ các lệnh trừng phạt.

Các chuyên gia từ Viện Kiel về kinh tế thế giới đã ước tính mỗi tháng nền kinh tế Đức chịu lỗ 727 triệu USD, đây là mức thiệt hại nghiêm trọng với quốc gia châu Âu này.

Tháng 1/2017, Chủ tịch Ủy ban Kinh tế phụ trách phía Đông Đức Wolfgang Büchel đã cho biết các biện pháp trừng phạt Nga đã làm Đức tổn thất 60.000 việc làm và gây ra thiệt hại kinh tế lên đến hàng chục tỷ euro cho toàn bộ Liên minh châu Âu.

Số liệu trong năm 2015 cho thấy, tổn thất của các nước phương Tây do các hạn chế thương mại với Nga lên đến 44 tỷ USD và EU chiếm 90% trong số liệu thiệt hại này.

Thủ tướng Nga Dmitry Mevedev đã từng nói về các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga như "gậy ông đập lưng ông" khi châu Âu cũng phải chịu tổn thất kinh tế. Trong khi đó, Mỹ vốn là quốc gia ít có hợp tác với Nga nên dù tung trừng phạt lớn tiếng tới đâu, thiệt hại của Mỹ là không quá lớn.

Huy Vũ

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/my-trung-phat-van-tang-giao-thuong-voi-nga-eu-nen-hoc-3389634/