Mỹ - Trung Quốc: Chiến tranh tiền tệ - Có hay không?

Mỹ - Trung Quốc không chỉ đã xô đẩy nhau vào vòng xoáy bất hòa mới mà còn khiến cho thế giới phải lưu tâm đến câu hỏi được đặt ra cùng với những động thái mới đây nhất là liệu có xảy ra chiến tranh tiền tệ giữa họ hay không? Phân tích của Báo Thế giới & Việt Nam.

Có hay không nguy cơ thật sự về khả năng xảy ra chiến tranh tiền tệ giữa Mỹ và Trung Quốc? (Biếm họa của Jiao Haiyang, Nguồn: china.org.cn)

Câu hỏi trên được đặt ra bởi, trong bối cảnh 12 vòng đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa đưa lại cho hai bên thỏa thuận nào giúp khắc phục xung khắc thương mại và hai bên vẫn tiếp tục leo thang căng thẳng với nhau thì có hai chuyện mới là lần đầu tiên kể từ 11 năm nay, đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc bị mất giá so với đồng USD và lần đầu tiên kể từ 24 năm nay, Mỹ coi Trung Quốc là thao túng tiền tệ. Một ngày trước khi Mỹ chính thức tuyên bố coi Trung Quốc là thao túng tiền tệ, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất cơ bản - lần đầu tiên kể từ năm 2008.

Thao túng tiền tệ - có hay không?

Kể từ cuộc chiến tranh tiền tệ năm 1931, chiến tranh tiền tệ luôn là mối đe dọa đối với tăng trưởng của kinh tế thế giới và bóng ma ám ảnh quan hệ quốc tế. Về lý thuyết, chiến tranh tiền tệ là việc dùng những biện pháp về chính sách tiền tệ, đặc biệt là chính sách lãi suất, tỷ giá hối đoái và can thiệp vào thị trường ngoại hối để theo đuổi và thực hiện những mục đích chính trị, tăng khả năng cạnh tranh quốc tế của nền kinh tế của mình nhưng đồng thời gây thiệt hại cho nền kinh tế khác.

Vì thế, phá giá đồng tiền thường là giai đoạn đầu của quá trình có thể dẫn dắt đến chiến tranh tiền tệ. Ở đây cần phải phân biệt giữa đồng tiền bị mất giá do áp lực của thị trường và đồng tiền bị mất giá do chủ ý can thiệp của nhà nước. Từ đó có thể thấy, nếu đồng tiền bị mất giá do tác động của thị trường thì không thể coi nhà nước có đồng tiền ấy là thao túng tiền tệ.

Ở Mỹ, từ năm 2015 có hẳn một bộ luật để định lượng hóa và định tính hóa những tiêu chí được sử dụng để xác định và phân loại đối tác kinh tế và thương mại của Mỹ có thuộc diện thao túng tiền tệ hay không. Hai tiêu chí quan trọng nhất trong đấy là đối tác kia phải xuất siêu ít nhất 20 tỷ USD trong trao đổi thương mại song phương hàng năm với Mỹ và có hành động phá giá đồng tiền liên tục và có hệ thống.

Nhìn vào thực trạng hiện tại ở cả phía Trung Quốc lẫn phía Mỹ thì có thể dễ dàng nhận thấy, Trung Quốc không có, hoặc chưa có, chủ ý sử dụng việc phá giá đồng Nhân dân tệ làm vũ khí và con chủ bài mới trong cuộc xung khắc thương mại lần này với Mỹ, cho dù hiện như thế không có nghĩa là trong tương lai vẫn sẽ cứ tiếp tục như thế và phía Mỹ chưa có đủ cơ sở xác đáng để coi Trung Quốc là thao túng tiền tệ.

Đúng là đồng Nhân dân tệ vừa rồi bị mất giá so với đồng USD nhưng ai ai cũng không thể không nhìn thấy và xác nhận là, Trung Quốc từ năm 2008 đến nay luôn chủ ý duy trì ổn định tỷ giá hối đoái của đồng bản tệ, tức là phải dùng dự trữ ngoại hối để can thiệp vào thị trường giữ cho đồng bản tệ không bị mất giá. Chỉ cần Trung Quốc ngừng làm việc này thì lập tức đồng Nhân dân tệ sẽ bị mất giá. Cuộc xung khắc thương mại mà Mỹ gây ra với Trung Quốc tạo áp lực ghê gớm đối với đồng tiền của Trung Quốc.

Cho nên có thể thấy, đồng Nhân dân tệ vừa rồi bị mất giá so với đồng USD là do Trung Quốc không can thiệp vào thị trường nữa để giữ tỷ giá của nó ổn định chứ không phải chủ định phá giá đồng bản tệ. Thời điểm của việc này khiến nó có được tác động của một đối sách của Trung Quốc đối với Mỹ. Rất có thể phía Trung Quốc không tin rằng, rồi đây sẽ sớm đạt được thỏa thuận với Mỹ về giải pháp cho cuộc xung khắc thương mại nên không còn cần thiết phải can thiệp để đồng bản tệ không bị mất giá nữa.

Ai chủ ý và ý đồ của từng bên

Chính phủ Mỹ có quyền coi Trung Quốc là thao túng tiền tệ và đã sử dụng quyền ấy theo cách duy ý chí đối với Bắc Kinh chứ đâu có phải vì những tiêu chí đề ra trong bộ luật năm 2015 kia đã được đáp ứng.

Theo luật pháp Mỹ, Fed độc lập với chính phủ nước này về hoạch định và vận hành chính sách tiền tệ. Fed chứ không phải chính phủ Mỹ quyết định có để xảy ra chạy đua phá giá đồng tiền hay chiến tranh tiền tệ giữa Mỹ và Trung Quốc hay không.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tuy đề cử ông Jerome Powell vào cương vị đứng đầu Fed nhưng không phải là thượng cấp của ông Powell về điều hành Fed. Lúc đầu, ông Trump chủ trương làm cho đồng USD mạnh nhưng về sau thúc ép Fed giảm lãi suất cơ bản, tức là duy trì đồng bản tệ yếu. Cho tới nay, Fed không hoàn toàn bất chấp ông Trump nhưng không để cho ông Trump tùy ý sai khiến.

Từ đó có thể thấy, hiện tại chưa có nguy cơ thật sự về khả năng xảy ra chiến tranh tiền tệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Hai bên dùng khả năng xảy ra chiến tranh tiền tệ để răn đe lẫn nhau, gia tăng áp lực và nhắc nhở nhau chớ để xảy ra chiến tranh tiền tệ nhiều hơn là chuẩn bị dư luận và đi những bước đi đầu tiên hướng tới cuộc chiến tranh tiền tệ. Hai bên chắc chắn đều thừa hiểu về mức độ lợi bất cập hại và phản tác dụng của việc xô đẩy nhau vào cuộc chiến tranh tiền tệ đối với không chỉ chính họ mà còn đối với cả quan hệ kinh tế và thương mại của họ với các đối tác khác trên thế giới.

Những gì họ vừa mới làm chưa đủ để tự khắc dẫn đến chiến tranh thương mại. Hai bên rồi có thể còn đưa đẩy nhau đi xa hơn thêm chút ít nữa nhưng chắc chắn sẽ dừng lại ở ranh giới giữa xung khắc thương mại và chiến tranh tiền tệ.

Dịch Dung

Dịch Dung

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/my-trung-quoc-chien-tranh-tien-te-co-hay-khong-99207.html