Mỹ-Trung tại Buenos Aires, chiến tranh hay hòa hoãn?

Tuy cuộc gặp Trump-Tập bên lề G-20 Summit là cơ hội tốt để hai bên dàn xếp tranh chấp nhưng còn quá sớm để Mỹ-Trung hòa hoãn nên chắc sẽ 'vừa đánh vừa đàm'.

LTS: Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được bài phân tích quan hệ Trung - Mỹ xoay quanh cuộc gặp thượng đỉnh bên lề G-20 của nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Dy.

Tòa soạn xin mời quý bạn đọc theo dõi và trân trọng cảm ơn nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Dy. Văn phong và nội dung bài viết, thể hiện quan điểm, góc nhìn của tác giả.

Khi lãnh đạo các nước G-20 kéo nhau đến Buenos Aires (Argentina) để họp mặt vào cuối tuần này (như đại hội quần hùng trong truyện chưởng Kim Dung), thiên hạ hầu như chỉ chú ý đến Donald Trump và Tập Cận Bình, là hai “anh hùng cái thế” đứng đầu hai bang lớn nhất thế giới đang giao chiến để giành quyền bá chủ thiên hạ.

Câu hỏi nhiều người nóng lòng muốn biết là khi Donald Trump gặp Tập Cận Bình tại Bueros Aires trong bữa tiệc tối thứ bảy này (1/12/2018) liệu hai bên sẽ hòa hoãn hay tiếp tục chiến tranh?

Tổng thống Mỹ, Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình (phải) (Ảnh:Reuters).

Theo lịch âm, thứ Bảy này là ngày “hành hỏa”, gặp sao “Xích Khẩu và Huyền Vũ” chiếu, chắc lành ít dữ nhiều.

Dư âm xung đột

Tại APEC Summit 2018 (Port Moresby, 15-18/11/2018), do bất đồng nghiêm trọng vì đối đầu Mỹ-Trung nên (lần đầu tiên trong lịch sử) hội nghị kết thúc mà không có tuyên bố chung.

Theo Bonnie Glaser (chuyên gia CSIS) thất bại này là do “hành động ngu xuẩn của Trung Quốc”.

"Tất cả chúng ta phải kết luận là Trung Quốc làm mọi cách để tiếp tục các tập quán thương mại bất công của họ”. (In Race for Global Power, US and China Push Nations to Pick a Side, Adward Wong & Alan Rappeport, New York Times, November 21, 2018).

Kết quả APEC Summit 2018 tuy làm nhiều người thất vọng, nhưng không bất ngờ, trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và Trump sẵn sàng “xóa bàn cờ chơi lại” vì theo ông các định chế quốc tế (như WTO và APEC) nay không còn phù hợp với lợi ích của “nước Mỹ trên hết”.

Nhiều người cho rằng một số tổ chức quốc tế (như APEC và ASEAN) đang trở thành các “câu lạc bộ để tranh cãi” (talking shop).

Trump đã đến dự APEC 2017 tại Đà Nẵng nhưng không đến dự APEC Summit 2018, mà cử Mike Pence thay mặt đến “để cãi nhau” (vì vai trò Phó tổng thống thường là “bad cop”, kẻ đấm).

Thất bại của APEC 2018 (tại Port Moresby) thật đáng tiếc nhưng nó chỉ lặp lại thất bại của ASEAN 2012 (tại Phnom Penh).

Theo Reuters (14/11/2018) bắt đầu có dấu hiệu Bắc Kinh muốn đàm phán nên đã gửi văn thư cho Washington kèm theo danh sách gồm 142 mục để đáp lại những đòi hỏi của Washington.

Nhưng, Robert Lighthizer (Đại diện thương mại Mỹ) đã phủ nhận tin tức nói rằng Mỹ có thể hoãn đợt đánh thuế mới lên hàng Trung Quốc.

Lighthizer khẳng định Mỹ vẫn đánh thuế hàng Trung Quốc trị giá $267 tỷ nếu các yêu cầu của Mỹ không được Trung Quốc đáp ứng.

Trong khi đó, Trump tỏ ra lấp lửng về khả năng có thỏa hiệp hay không, làm mọi người hồi hộp đoán già đoán non, trước cuộc gặp Trump-Tập bên lề G-20 Summit tại Buenos Aires.

Vừa đánh vừa đàm

Theo New York Times, Trump và Tập sẽ gặp ăn tối sau cuộc họp G-20 Summit tại in Buenos Aires (1/12/2018) và có khả năng Trump sẽ thỏa thuận chưa tăng mức thuế từ 10% lên 25% cho $250 tỷ (từ 1/2018) và chưa đánh thuế thêm $267 tỷ (như đã dọa), vì sợ cuộc chiến thương mại sẽ biến thành “chiến tranh lạnh về kinh tế” (a full-fledged economic Cold War).

Trong khi đó, nội bộ Nhà Trắng vẫn chia rẽ giữa phái ôn hòa như Larry Kudlow (Cố vấn kinh tế) và Steven Mnuchin (Bộ trưởng Tài chính) muốn thỏa hiệp và nhóm cứng rắn như Peter Navarro (Cố vấn thương mại) và Robert Lighthizer (Đại diện thương mại) muốn đánh tiếp.

Nếu Navarro và Lighthizer cùng có mặt tại Buenos Aires, chắc họ sẽ tận dụng mọi cơ hội để thuyết phục Trump phải tiếp tục cứng rắn với Trung quốc. (Trump Could Seek a China Trade Truce at G-20, Despite Tough Talk, Mark Landler, New York Times, November 27, 2018).

Ely Ratner (chuyên gia an ninh quốc tế tại CNAS) cho rằng, nếu có thỏa thuận tại cuộc gặp Trump-Tập bên lề G-20 Summit cũng chỉ là “hoãn bình chiến thuật ngắn hạn” (tactical pause at best for short-term relief), chứ không tác động lâu dài đến xu hướng đối đầu về địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc.

Tập Cận Bình đã bỏ qua những cơ hội có thể thỏa hiệp để tránh đối đầu với Mỹ (dưới thời Obama).

Ngay sau bầu cử Tổng thống Mỹ (cuối năm 2016), Tập đã “đánh mất nước Mỹ” (Xi had lost the United States). Dù Donald Trump hay Hillary Clinton lên cầm quyền, thì Washington cũng sẵn sàng thách thức Trung Quốc về mọi mặt. (There Is No Grand Bargain With China, Ely Ratner, Foreign Affairs, November 27, 2018).

Theo Ratner, cá tính của Tập đã loại trừ khả năng thỏa hiệp giữa hai nước lớn. Về các lĩnh vực quan trọng, giữa hai bên chẳng có gì chung, mà chỉ có nhân nhượng tượng trưng vì chính trị.

Tập Cận Bình không thể đáp ứng những lo ngại cơ bản của Mỹ về chính sách công nghiệp và mô hình kinh tế nhà nước của Trung Quốc.

Mọi cử chỉ thiện chí chỉ là tạm thời, và mọi cố gắng hòa giải rồi sẽ thất bại. Dù Trump và Tập có thỏa thuận gì tại Argentina cũng không thay đổi được xu hướng đối đầu.

Hiện nay, thách thức Trung Quốc là một cơ hội thiết yếu và hiếm hoi để đoàn kết nước Mỹ về chính trị (China challenge presents a rare and essential opportunity for US political unity).

Cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đều đồng thuận về vấn đề này (bipartisan consensus on the issue). Tăng cường năng lực cạnh tranh để ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc là mục tiêu cơ bản của Mỹ.

Bốn cái bẫy lớn

Trong khi đó các chuyên gia về Trung Quốc nhận định Trung Quốc đang đứng trước “bốn cái bẫy lớn”.

Thứ nhất là “bẫy thu nhập trung bình” (middle-income trap). Hiện nay, mức thu nhập bình quân của người Trung Quốc là khoảng $9.000/năm, còn quá thấp so với ngưỡng thu nhập cao (trên $12.000-$13.000). Muốn thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, phải thay đổi thể chế.

Thứ hai là “bẫy Thucydides Trap”. Theo giáo sư Graham Allison (cựu giám đốc Belfer Center, Harvard), đối đầu Mỹ-Trung là không thể tránh khỏi, khi Mỹ (siêu cường cũ) và Trung Quốc (siêu cường mới) đang bị xô đẩy vào một cuộc chiến để tranh giành vị trí đứng đầu thế giới.

Thứ ba là “bẫy Kindleberger”. Theo giáo sư Jojeph Nye (tác giả “quyền lực mềm”), Trung Quốc có thể sa vào tình huống khủng hoảng của thập niên 1930 khi trật tự thế giới đổ vỡ.

Thứ tư là “bẫy biến đổi khí hậu”, vì Trung Quốc phát triển quá nóng, nay lãnh đạo Trung Quốc phải có chính sách hợp tác quốc tế để đối phó với những thực tế mới.

Để tránh được bốn cái bẫy này là rất khó (hầu như là bất khả thi), nếu Trung Quốc không thay đổi thể chế. (China’s Four Traps, Andrew Sheng

and Xiao Geng, Project Syndicate, November 26, 2018)

Theo các chuyên gia về Trung Quốc, vấn đề đối nội của Trung Quốc hiện nay là về thể chế và cơ cấu (structural) chứ không phải về quản trị và vận hành (operational).

Mọi giải pháp chiến thuật để đối phó và hoãn binh nhằm tồn tại và phát triển tiếp như trước không còn khả thi.

Thứ nhất, nó đã vượt qua giới hạn (threadhold) mà quy luật cho phép. Thứ hai, nó không còn được người dân (trong nước) đồng tình như trước. Thứ ba, nó không còn được Mỹ và phương Tây (bên ngoài) hỗ trợ như trước (mà ngược lại còn đang đối đầu).

Chính vì vậy, vấn đề đối ngoại của Trung Quốc hiện nay (đang đối đầu với Mỹ) là về thể chế và cơ cấu (structural) giữa hai hệ thống chính trị và hai mô hình phát triển khác nhau, chứ không phải chỉ về quản trị và vận hành (operational).

Mọi giải pháp chiến thuật để đối phó và hoãn binh nhằm giải tỏa tạm thời căng thẳng hiện nay sẽ không giải quyết được những vấn đề cơ bản.

Tuy mô hình kinh tế do nhà nước chủ đạo hiện nay của Trung Quốc có thể huy động được nguồn lực và tạo ra tăng trưởng trong ngắn hạn, nhưng không một mô hình nào như vậy có thể duy trì được tăng trưởng mãi mãi.

Điều không may đối với Tập Cận Bình là ông lên cầm quyền khi chu kỳ tăng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sắp chấm dứt.

Cuộc chiến thương mại mà Trump khởi xướng bằng áp đặt thuế quan lên hàng nhập khẩu có thể làm rung chuyển nền kinh tế Trung Quốc vốn phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu.

Sức mạnh của Trung Quốc cũng là gót chân Asin, một khi người dân Trung Quốc không chịu phục tùng.

Theo Gordon Chang, kẻ thù thực sự của Trung Quốc không phải là Mỹ hay Nhật, mà chính là Trung Quốc (Xi Jinpings Debt Trap, Gordon Chang, National Interest, October 16, 2018).

Xung đột hệ thống

Đối đầu Mỹ-Trung không chỉ là cuộc chiến thương mại đơn thuần, mà là một cuộc chiến tổng lực giữa hai siêu cường đại diện hai hệ thống chính trị và hai mô hình phát triển khác hẳn nhau. Cuộc chiến thương mại chỉ là “bề nổi của tảng băng chìm”.

Nếu chỉ quan tâm đến chiến tranh thương mại, sẽ không nhìn thấy một bức tranh lớn hơn nhiều, như “thấy cây mà không thấy rừng”.

Đây có thể là cuộc chiến quan trọng nhất thế kỷ 21, để sắp xếp lại trật tự thế giới và định hình lại lịch sử thế giới mới, còn ẩn tàng nhiều ẩn số và biến số khó lường.

Nói theo thuyết “cái bẫy Thucydides” (của Graham Allison) thì đây là cuộc chiến không thể tránh khỏi giữa Mỹ (cường quốc cũ đang suy yếu) với Trung Quốc (cường quốc mới đang trỗi dậy), để tranh giành vị trí thống trị thế giới.

Những diễn biến khó lường có thể tác động lớn đến Việt Nam như một rủi ro vì liên lụy tới Trung Quốc, và do vị trí trọng yếu của Việt Nam tại Biển Đông, nay là tâm điểm của tranh chấp chiến lược Mỹ-Trung tại vùng Indo-Pacific.

Trước đây, người Mỹ do ngộ nhận về Trung Quốc, nên đã theo đuổi chủ trương hợp tác (như “Constructive Engagement”) suốt bốn thập kỷ, đến gần đây mới tỉnh ngộ và chuyển sang đối đầu.

Nay, người Trung Quốc cũng do ngộ nhận về Mỹ nên đã bị động và bất ngờ về cuộc chiến thương mại đang leo thang trở thành cuộc chiến tổng lực chưa thấy điểm dừng, nên đang mắc kẹt về chiến lược.

Điều đáng lưu ý là sau bầu cử giữa kỳ của Mỹ (6/11/2018), Trump vẫn giành được sự đồng thuận của cả hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ, như “đồng thuận Washington mới”.

Chắc Bắc Kinh đang đau đầu tìm cách đối phó, sau khi nhận ra hệ thống tuyên truyền một chiều của họ (do thiếu phản biện) nên đã làm cho họ nhầm lẫn về Trump.

Tuy chưa thể đánh giá được liệu Trung Quốc sẽ bị tổn thương tới đâu sau khi “hết đạn” và Việt Nam sẽ bị liên lụy thế nào, nhưng có nhiều dấu hiệu là khả năng ứng phó của Trung Quốc tỏ ra rất hạn chế, trong khi đó khả năng ứng phó của chúng ta chắc còn hạn chế hơn nhiều.

Thứ nhất, để đối phó với các đòn trừng phạt của Mỹ bằng thuế quan, Trung Quốc có thể ăn miếng trả miếng, nhưng sau đợt hai (hết năm nay) chắc sẽ “hết đạn”.

Thứ hai, Trung Quốc có thể tiếp tục phá giá đồng nhân dân tệ (Yuan), nhưng chắc chắn sẽ làm các nhà đầu tư rút tiền ồ ạt để tháo chạy (capital flight).

Thứ ba, Trung Quốc có thể bán tháo trái phiếu chính phủ Mỹ mà họ nắm giữ (như chủ nợ lớn nhất), nhưng chắc chắn sẽ làm tụt giá ngay lập tức và thiệt hại rất lớn. Vì vậy cả ba phương án trên đều phản tác dụng như “gậy ông lại đập lưng ông”.

Tuy cuộc gặp Trump-Tập bên lề G-20 Summit là cơ hội tốt để hai bên dàn xếp tranh chấp ở cấp cao nhất, nhưng chắc còn quá sớm để Mỹ-Trung hòa hoãn dừng cuộc chiến, nên chắc sẽ “vừa đánh vừa đàm”.

Thứ nhất, cuộc chiến mới chỉ bắt đầu nên khó dừng lại, vì “đâm lao phải theo lao”.

Thứ hai, phát biểu của Tập Cận Bình tại Hội chợ CIIE 2018 (Thượng Hải, 5/11/2018) và của Vương Kỳ Sơn tại Diễn đàn Kinh tế mới (Singapore, 6/11/2018) cho thấy “đồng thuận Bắc Kinh” (Beijing Consensus) chưa thay đổi.

Thứ ba, Bắc Kinh đang thăm dò xem Trump thực sự muốn gì, nên Vương Kỳ Sơn đã gặp lại “bạn cũ” là Henry Paulson (cựu Bộ trưởng tài chính) và Henry Kissinger tại Singapore trước khi ông đến Bắc Kinh gặp Tập.

Đây là dịp tốt để Tập Cận Bình và Vương Kỳ Sơn tham khảo ý kiến “những người bạn Mỹ” trước cuộc gặp Trump-Tập tại Buenos Aires.

Nhưng thời thế đã thay đổi, với “đồng thuận Washington mới” nếu Bắc Kinh chỉ điều chỉnh chiến thuật thì “quá ít và quá muộn” (too little too late).

Nguyễn Quang Dy

Nguồn Giáo Dục VN: http://giaoduc.net.vn/quoc-te/mytrung-tai-buenos-aires-chien-tranh-hay-hoa-hoan-post193359.gd