Mỹ từ chối sửa khung pháp lý internet, chiến thắng cho các mạng xã hội

Tòa án Tối cao Mỹ hôm thứ Năm (18/5) đã trao chiến thắng cho các công ty công nghệ và mạng xã hội (MXH), khi từ chối sửa đổi các biện pháp bảo vệ pháp lý đối với các công ty internet.

Quyết định của các thẩm phán là một chiến thắng quan trọng đối với các công ty công nghệ như Google, Twitter và Facebook, vốn phụ thuộc rất nhiều vào các biện pháp bảo vệ từ Điều 230 của Đạo luật về khuôn phép trong giao tiếp, nhằm bảo vệ các nền tảng trực tuyến khỏi trách nhiệm pháp lý đối với nội dung do người dùng đăng tải.

Các MXH như Twitter hay Facebook sẽ không phải chịu các ràng buộc pháp lý về các nội dung trên nền tảng của mình ở Mỹ. Ảnh minh họa: AP

Luật này từ lâu là nền tảng cho các mô hình kinh doanh của nhiều công ty công nghệ, trao quyền cho họ để cho phép người dùng tự do đăng trên trang web của họ mà không sợ trách nhiệm pháp lý.

Có nghĩa, nếu người dùng lấy thông tin hoặc bài viết trên báo chí và đăng trên MXH, thì các công ty này cũng không vi phạm luật bản quyền hay trách nhiệm pháp lý nào. Ngoài ra, các sai phạm liên quan đến pháp luật nếu có sẽ thuộc về người dùng, chứ không phải các MXH.

Trong những năm qua, cuộc tranh luận xung quanh Điều 230 đã trở nên căng thẳng về mặt chính trị và xã hội. Các công ty Công nghệ lớn đã phải đối mặt với hàng loạt chỉ trích trong các chính quyền Mỹ, trong đó có việc Đảng Dân chủ cho rằng Điều 230 đã giúp các nền tảng trốn tránh trách nhiệm vì không ngăn chặn được thông tin sai lệch.

Các nhóm công nghệ đã lo sợ rằng việc giảm bớt hoặc loại bỏ các “lá chắn 230” này có thể buộc họ phải tích cực hơn trong việc gỡ bỏ nội dung, vì họ sẽ phải chịu nhiều trách nhiệm pháp lý hơn nếu để tài liệu có thể gây hại tồn tại trên trang web của mình.

Vụ kiện này có liên quan đến các khiếu nại từ các thành viên gia đình nạn nhân đã chết trong các cuộc tấn công của tổ chức khủng bố ISIS. Họ cáo buộc Google và Twitter đã hỗ trợ nhóm khủng bố sử dụng nền tảng của các công ty để phổ biến nội dung của chúng.

Nhưng tòa án phán quyết các nguyên đơn đã không chứng minh được các công ty có lỗi. “Việc các bị đơn chỉ tạo ra các nền tảng truyền thông của họ không đáng trách hơn việc tạo ra email, điện thoại di động hoặc internet nói chung”, các thẩm phán viết trong quyết định về vụ kiện Twitter, được công bố cùng với vụ kiện Google có liên quan.

“Vô số công ty, học giả, người sáng tạo nội dung và các tổ chức xã hội dân sự đã tham gia với chúng tôi trong trường hợp này…”, cố vấn chung của Google Halimah DeLaine Prado cho biết trong một tuyên bố. “Chúng tôi sẽ tiếp tục công việc của mình để bảo vệ quyền tự do ngôn luận trực tuyến, chống lại nội dung có hại và hỗ trợ các doanh nghiệp cũng như người sáng tạo thu lợi từ internet”.

Tòa án cũng không đồng ý với việc quy trách nhiệm cho các hệ thống thuật toán. Đây là một chiến thắng dành cho các nền tảng trực tuyến, khi đánh giá rằng việc trừng phạt các thuật toán có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến khả năng lọc và định hướng nội dung trên internet.

“Các thuật toán đề xuất của các bị đơn chỉ là một phần của cơ sở hạ tầng mà qua đó tất cả nội dung trên nền tảng của họ được lọc”, các thẩm phán đã viết trong phán quyết. “Hơn nữa, các thuật toán đã được trình bày là bất khả tri về bản chất của nội dung”.

Hoàng Hải (theo FT, AP, Reuters)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/my-tu-choi-sua-khung-phap-ly-internet-chien-thang-cho-cac-mang-xa-hoi-post248302.html