Mỹ: Từ Osama bin Laden đến Baghdadi, tới Qasem Soleimani

Tướng Iran Qasem Soleimani được Mỹ đánh giá có vai trò tương đương với trùm khủng bố al-Qaeda Osama bin Laden hay Abu Bakr al-Baghdadi.

Tầm quan trọng của vụ ám sát tướng Iran Soleimani

Một bài viết của chuyên gia Ilan Berman - Phó chủ tịch cấp cao của Hội đồng Chính sách đối ngoại Hoa Kỳ tại Washington, D.C cho tạp chí “Lợi ích Dân tộc” (The National Interest) của Mỹ cho biết, đã có sự thay đổi về chất trong chính sách của ông Donald Trump đối với Iran.

Theo ông Ilan Berman, cuộc không kích của Hoa Kỳ giết chết vị tướng tư lệnh lực lượng al-Quds của Iran Qassem Soleimani ở sân bay quốc tế Baghdad (Iraq) là một sự kiện quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố, ít nhất là ngang hàng với sự kiện chính quyền Obama năm 2011 giết chết thủ lĩnh al-Qaeda Osama bin Laden hoặc chính quyền Trump loại bỏ thủ lĩnh của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS), Abu Bakr al-Baghdadi, vào tháng 10 vừa qua.

Vị học giả Mỹ cho rằng, từ khi bước chân vào hàng ngũ tướng lĩnh cao cấp Iran cho đến khi qua đời, Soleimani đã phụ trách Lực lượng đặc nhiệm al-Quds, cánh tay bán quân sự nối dài khắp Trung Đông của Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC).

Với cương vị đó, ông ta đã trở thành một “bậc thầy khủng bố” thực sự, hoạt động với tư cách là điều phối viên chính của Tehran với hàng loạt nhóm các nhóm cực đoan trong khu vực, từ Hezbollah ở Lebanon đến phiến quân Houthi của Yemen, đến các nhóm chiến đấu đông đảo người Shi'a (Shiite) mà Iran triển khai tại Iraq và Syria trong nửa thập kỷ qua.

Sự tự tin và lan tỏa sức mạnh của viên tướng Iran đã được thể hiện cách đây hàng chục năm, khi ông gửi một lá thư cho chỉ huy lực lượng quân sự Hoa Kỳ ở Iraq lúc đó là Tướng David Petraeus, thông báo rằng, ông ta (Soleimani) chính là người đang kiểm soát chính sách của Iran đối với Iraq, Syria, Lebanon, Dải Gaza (Palestine) và Afghanistan.

Trong những năm qua, tầm vóc của một “nhà lãnh đạo khủng bố toàn cầu” thực sự của Soleimani đã tăng lên rất cao. Bằng cách loại bỏ ông khỏi hàng ngũ lãnh đạo cao cấp của Iran, chính quyền Trump đã giáng một đòn mạnh vào sự toàn vẹn của mạng lưới các tổ chức liên kết rộng lớn và các nhóm chiến binh mà Iran đã dựng lên khắp Trung Đông.

Thế nhưng, điều quan trọng hơn trong vụ không kích của Mỹ không phải là cái chết của nhân vật số 2 Iran và những diễn biến sau nó, mà vụ tấn công này đã thể hiện cho chúng ta thấy sự thay đổi về bản chất trong chính sách của Hoa Kỳ đối với Iran.

Mỹ đã tổ chức vụ ám sát ở Iraq, giết chết tướng Iran Qasem Soleimani

Sự thay đổi trong chính sách của Mỹ với Iran

Kể từ khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran vào tháng 5 năm 2018, chính quyền Trump đã tiến hành một chiến dịch trừng phạt kinh tế mở rộng nhằm mục đích “thay đổi căn bản” hành vi của chế độ Tehran.

Trong một năm rưỡi qua, nỗ lực đó được đặt tên là “Áp lực tối đa” (“maximum pressure”) đã thành công trong việc áp đặt những áp lực kinh tế nặng nề lên Cộng hòa Hồi giáo Iran, khiến nước này khốn đốn, nhưng nó vẫn chưa buộc được chính quyền Tehran phải đầu hàng.

Trong suốt thời gian đó, Hoa Kỳ và các đồng minh chỉ đạt được những tiến bộ nhỏ trong việc làm giảm sự hiện diện của Iran trong khu vực hoặc giảm bớt ảnh hưởng gây bất ổn ở Trung Đông.

Thái độ thiếu cương quyết đó, ít nhất một phần là hậu quả của chính sách của người tiền nhiệm Obama đối với Iran. Chính quyền Obama xác định được thách thức lớn nhất đối với lợi ích của Mỹ mà Cộng hòa Hồi giáo Iran đặt ra chính là tham vọng hạt nhân dai dẳng của Tehran, nhưng lại tìm cách “tạm thời trì hoãn” những điều đó thông qua một thỏa thuận trao những lợi ích chiến lược và kinh tế to lớn cho Tehran (tức Thỏa thuận Hạt nhân Iran – IND, hay còn gọi là Kế hoạch Hành động chung Toàn diện - JCPOA).

Các tác động cố hữu mang tính chất quán tính này kéo dài sang thời Trump, với việc Nhà Trắng liên tục từ bỏ cơ hội giáng trả Iran vì đã hạ một máy bay không người lái của Mỹ (tháng 6 năm 2019), các cuộc tấn công bằng tên lửa vào các cơ sở dầu mỏ của Saudi Arabia (tháng 9 năm 2019), cũng như hàng loạt các vụ khiêu khích khác.

Thế nhưng, nay điều này đã không còn nữa.

Việc tiếp tục nhắm mục tiêu vào tướng Soleimani sau các cuộc tấn công quân sự của không lực Hoa Kỳ vào nhiều cơ sở ở Iraq của nhóm vũ trang người Shiite Kataib Hezbollah, một lực lượng ủy nhiệm quan trọng của Iran ở Syria và Iraq, đã mở ra một giai đoạn mới về mặt chất lượng trong cuộc đối đầu của chính quyền Trump với Iran.

Thông qua việc nhắm mục tiêu vào Soleimani, chính quyền Trump hiện đã chứng minh cho Iran thấy một điều còn thiếu ở người tiền nhiệm Barak Obama: Hoa Kỳ không chỉ có ý chí chính trị mà còn có cả nắm đấm quân sự cứng rắn và cây gậy kinh tế mạnh mẽ!

Iran không thể để vụ giết chết chỉ huy quân sự hàng đầu của mình trôi qua mà không có phản ứng nào. Làm như vậy sẽ gây ra một đòn đánh sập uy tín của chính quyền Tehran và những người ủng hộ tư tưởng cốt lõi của nó. Rất có thể, khi sự thù địch tăng cao, Iran sẽ có hành động trả đũa, nhưng khó có thể cho rằng Tehran sẽ tấn công trực tiếp vào quân đội Mỹ.

Khi đánh giá các lựa chọn của mình, các quan chức ở Tehran cũng nhận thức sâu sắc rằng, chính quyền Hoa Kỳ thời Donald Trump có đủ khả năng chính trị, ngoại giao, kinh tế, quân sự để giải quyết bất cứ thách thức hay đe dọa nào trong trường hợp đối đầu toàn diện với Iran.

Huy Bình

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/my-tu-osama-bin-laden-den-baghdadi-toi-qasem-soleimani-3394630/