Mỹ tung đòn cấm vận: Doanh số trăm tỉ của Huawei bị đe dọa

Động thái đưa Huawei cùng 70 chi nhánh vào 'danh sách đen' xuất khẩu mà Mỹ vừa thực hiện có nguy cơ làm xáo trộn chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu, vốn liên kết chặt chẽ với hoạt động kinh doanh của hãng viễn thông Trung Quốc.

Huawei đối mặt với tương lai u ám - Ảnh: Reuters

Huawei đối mặt với tương lai u ám - Ảnh: Reuters

Bộ Thương mại Mỹ ngày 15.5 đưa Huawei cùng 70 chi nhánh vào Entity List - danh sách đơn vị bị giới chức Mỹ nhận định có khả năng tham gia hoạt động đi ngược lại lợi ích hoặc an ninh quốc gia Mỹ.

Như vậy, công ty Mỹ khi muốn cung cấp linh kiện cho Huawei phải xin giấy phép căn cứ theo hàng loạt quy định kiểm soát xuất khẩu. Chứng minh được việc bán sản phẩm không gây tổn hại đến an ninh quốc gia là chuyện khó khăn.

Đối thủ Huawei tại Trung Quốc từng chịu lệnh cấm tương tự. ZTE vào giữa năm ngoái phải ngừng gần như tất cả hoạt động chính và ước tính bị lỗ hơn 3 tỉ USD, tập đoàn sau đó phải đáp ứng hàng loạt yêu cầu do Mỹ đưa ra để được “tạm tha”.

Giới phân tích nhận định Huawei cũng sắp lâm vào tình trạng việc làm ăn chịu ảnh hưởng xấu. Kịch bản nhẹ nhất là bị gián đoạn, còn nặng nhất là toàn bộ tê liệt.

Dù doanh thu khá khả quan - đến năm 2018 đã chạm mốc 105 tỉ USD (gấp 8 lần ZTE), nhưng hoạt động kinh doanh của Huawei thời gian qua gặp phải không ít áp lực do chiến lược kêu gọi tẩy chay quy mô toàn cầu mà chính quyền Mỹ đang nỗ lực thực hiện. Giới chức Mỹ nhiều lần khuyến cáo sản phẩm Huawei tạo điều kiện cho chính phủ lẫn quân đội Trung Quốc thực hiện hoạt động gián điệp.

Reuters dẫn lời nhân viên một công ty Mỹ nhận định, tình hình sẽ trở nên cực kỳ khó khăn với Huawei, do trong thời gian ngắn vài năm chẳng thể nào tìm ra đơn vị Trung Quốc đủ sức thay thế nhà cung cấp Mỹ.

Không chỉ một mình Huawei, thiệt hại dự kiến còn lan sang những nhà cung cấp đang bán linh kiện cho hãng viễn thông Trung Quốc.

Trong tổng số 70 tỉ USD chi mua sắm linh kiện năm 2018 của Huawei, công ty Mỹ gồm có Qualcomm, Intel Corp và Micron Technology Inc nhận đến 11 tỉ USD. Vì lệnh cấm mới họ chuẩn bị mất đi khoản thu này. Một mối nguy nữa là công ty Mỹ như Apple hứng chịu trả đũa từ Trung Quốc.

Danh sách những nhà cung cấp Mỹ đang bán linh kiện cho Huawei - Ảnh: Reuters

Nhà cung cấp linh kiện châu Á và châu Âu cũng bị tổn thương nếu Huawei buộc phải hạn chế sản xuất, nhà mạng viễn thông phụ thuộc sản phẩm Huawei sẽ gặp bất lợi trong cuộc đua triển khai mạng 5G ở các quốc gia.

Theo giám đốc điều hành một đơn vị bán chip cho Huawei: “Họ có thể quản lý nguồn cung linh kiện điện thoại di động tương đối tốt vì sở hữu nhà máy sản xuất riêng. Tuy nhiên máy chủ và mạng viễn thông thì lại khác. Không nhận được linh kiện từ Mỹ thì Huawei chẳng thể sản xuất máy chủ, không sản xuất máy chủ thì không cần mua linh kiện liên quan từ các nước khác nữa”.

Công ty môi giới Jefferies nhận định trước tình thế Mỹ cắt nguồn cung, Huawei nhiều khả năng phải dời kế hoạch triển khai 5G tại Trung Quốc trong năm 2020.

Một số nhân vật trong ngành tiết lộ, Huawei có dự trữ linh kiện quan trọng phòng trường hợp gián đoạn nguồn cung. Từ mục tiêu trữ đủ sử dụng từ 6 - 9 tháng nay hãng viễn thông này tăng lên 12 tháng, thậm chí 24 tháng, theo Jefferies.

Trả lời phỏng vấn Reuters, Chủ tịch luân phiên Huawei - Hứa Dũng khẳng định tập đoàn có kế hoạch dự phòng nhằm đối phó biến động bất ngờ.

Chiến tranh thương mại

“Nỗi đau” mà chuỗi cung ứng toàn cầu phải chịu sẽ tăng nếu chiến tranh thương mại gây hại đến ngành công nghệ Trung Quốc.

Nhà phân tích Doh Hyun-woo thuộc công ty dịch vụ tài chính NH Investment & Securities lưu ý: “Lo ngại lớn nhất hiện tại là đồng minh Mỹ ngừng mua sản phẩm Huawei do sợ làm mất lòng chính quyền Mỹ”.

Nguồn tin của Reuters đánh giá dường như vì không thấy triển vọng sớm đạt thỏa thuận chấm dứt chiến tranh thương mại, nên Mỹ quyết định tung đòn “giết chết” Huawei.

Cẩm Bình (theo Reuters)

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/the-gioi-c-79/my-tung-don-cam-van-doanh-so-tram-ti-cua-huawei-bi-de-doa-113287.html