Mỹ từng thừa nhận cuộc trưng cầu dân ý Crimea

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry vào năm 2014 từng thừa nhận kết quả bỏ phiếu Crimea nhưng không công khai mà thách thức trưng cầu lần 2.

RT mới đây dẫn tiết lộ của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, hồi năm 2014, đại diện chính quyền Mỹ đã từng thừa nhận tính hợp pháp của cuộc bỏ phiếu, đưa Crimea thống nhất vào Nga nhưng không công bố điều này.

Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov (phải) và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tại Moscow.

Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov (phải) và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tại Moscow.

Theo lời ông Lavrov tiết lột trong cuộc phỏng vấn với trang RBK, Ngoại trưởng của chính quyền Tổng thống Barack Obama là ông John Kerry hồi tháng 4/2014 rằng, cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea đã được tiến hành minh bạch, rõ ràng và đã phản ánh được ý chí của người dân trên bán đảo.

Tuy nhiên, đó chỉ là lời ông Kerry đã nói với ông Lavrov mà không hề công khai sau đó. Thay vì thừa nhận cuộc bỏ phiếu hợp pháp, ông Kerry lại đề nghị Crimea tiến hành một cuộc bỏ phiếu khác.

"John Kerry đã nói với tôi vào tháng 4/2014: 'Mọi thứ đều rõ ràng. Mọi thứ xảy ra theo cách mà người Crimea muốn. Nhưng, về mặt hình thức, hãy tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý nữa" - ông Lavrov nêu.

Sau đó, phía Nga đã nhanh chóng bác bỏ các quan điểm của ông John Kerry và cho rằng, ý tưởng của ông là không cần thiết.

"Nếu bạn đã hiểu tất cả mọi thứ, tại sao lại khiến cho tất cả mọi người phải đi bỏ phiếu lại một lần nữa?" - ông Lavrov nói.

Dù là tuyên bố có lợi cho Nga ở thời điểm đó nhưng ông Lavrov vẫn tôn trọng quan điểm của ông John Kerry và không tiết lộ đến nội dung này.

Dẫu vậy, quan điểm của Ngoại trưởng Mỹ cũng cho thấy sự ủng hộ của ông đối với Nga về vấn đề Crimea. Ở chức vụ của ông Kerry vào thời gian đó, việc thừa nhận tính hợp pháp, dân chủ của cuộc bỏ phiếu ở Crimea nhằm thống nhất bán đảo này với Nga, là điều không thể.

Chính quyền Mỹ đã chỉ trích một cách quyết liệt về ý tưởng trưng cầu dân ý ở Nga ngay cả trước khi nó diễn ra. Mỹ, theo đó là EU, đã tung các lệnh trừng phạt đối với Nga và cả Crimea vì quyết định sáp nhập này.

Trong các tuyên bố công khai, ông Kerry vẫn tuyên bố rằng, sự xuất hiện của các lực lượng Nga tại Crimea ở thời điểm tiến hành bỏ phiếu giống như Nga đang tiến hành một cuộc xâm lược vào bán đảo này. Cuộc trưng cầu dân ý sau đó đã bị "chiếm đoạt về nội dung" và kết quả là "không có thật".

Lập trường đó đã không thay đổi dù có sự thay đổi quyền lực ở Washington. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Robert Palladino gần đây đã ví von cuộc bỏ phiếu ở Crimea là "cái gọi là 'trưng cầu dân ý' trên nòng súng".

Tổng thống Nga Vladimir Putin từng nói về cuộc trưng cầu dân ý này, ông ca ngợi việc người dân trên bán đảo này bỏ phiếu để quyết định việc có sáp nhập vào Nga hay không.

Nhà lãnh đạo Nga khẳng định, kết quả của cuộc trưng cầu dân ý vào mùa xuân 2014 ở Crimea đã thể hiện đúng nguyện vọng của người dân Crimea, đồng thời cho rằng, việc phương Tây từ chối công nhận kết quả này thể hiện "sự thiếu tôn trọng đối với các nguyên tắc dân chủ".

Kênh truyền hình Nga “Rossia-1” đã cho công chiếu bộ phim tài liệu “Crimea, Con đường trở về tổ quốc” của đạo diễn A.Kondrashov dẫn các cuộc phỏng vấn của Tổng thống Putin tường thuật lại diễn biến cuộc sáp nhập lịch sử này.

Tổng thống Putin kể lại, ở thời điểm đó, các sự kiện liên quan đến đảo chính ở Ukraine bắt đầu diễn ra, nhà lãnh đạo Nga mới nghĩ ngay đến những người Nga sống ở Crimea có thể bị nguy hiểm.

Ông khẳng định, những việc Nga làm ở Crimea chỉ là hỗ trợ và tạo cơ hội "cho người dân được thể hiện quan điểm của mình về việc họ sẽ sống tiếp theo như thế nào" chứ không hề nghĩ tới việc tách bán đảo này khỏi Ukraine theo một kế hoạch nào.

Tổng thống Nga kể tiếp: "Việc đầu tiên tôi làm là giao cho Văn phòng Tổng thống bí mật tiến hành một cuộc thăm dò dư luận về quan điểm của người dân Crimea, thái độ của họ đối với khả năng sát nhập vào Nga. Kết quả là, số người muốn sát nhập vào Nga chiếm tới 75% dân chúng".

Từ đó, ông quyết định tiến hành chiến dịch nhằm sáp nhập Crimea mà không được phép đổ máu.

Lúc đó tại Crimea đang có hơn 20.000 quân nhân Ukraine, được vũ trang rất tốt. Để có thể phong tỏa và tước vũ khí 20.000 quân nhân này, cần phải có một sự lựa chọn lực lượng nhất định, những chuyên gia biết làm việc này.

Do vậy, ông đã ra lệnh cho Bộ Quốc phòng mượn cớ tăng cường bảo vệ các căn cứ quân sự Nga ở Crimea để điều đặc nhiệm của Tổng cục Tình báo quân sự (GRU), lực lượng lính thủy đánh bộ và lính đổ bộ đường không tới Crimea.

Tổng thống Nga Vladimir Putin chỉ đạo thống nhất Crimea không đổ máu.

Ban đầu, Nga đã làm mọi cách để họ các đơn vị Quân đội Ukraine không thể sử dụng được các phương tiện liên lạc chuyên dụng riêng mà buộc phải sử dụng các loại phương tiện liên lạc công khai. Khi đó, Nga hoàn toàn nắm được toàn bộ các cuộc nói chuyện trong lực lượng Ukraine và tinh thần hoảng loạn của các binh sĩ, chỉ huy của họ.

Các cựu chiến binh Ukraine cũng đã góp công sức vào quá trình thuyết phục một vị tư lệnh Ukraine chạy sang phía chính quyền ở Crimea.

"Phải nói rằng những người Ukraine xử sự rất đàng hoàng – họ là những quân nhân. Họ đã cố trung thành với lời tuyên thệ. Nhưng không hiểu là họ tuyên thệ với ai? Quốc gia thì gần như không còn nữa.

Tổng thống bị lật đổ. Còn ông ấy (Tổng thống Yanukovich), nói gì thì nói, vẫn là Tổng tư lệnh tối cao hợp pháp của Các lực lượng vũ trang. Thế thì ai sẽ ra lệnh? Đó là những người mới cướp chính quyền chăng? Hoàn toàn không phải là những người chính thống có phải không?" - Tổng thống Nga nhấn mạnh.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/my-tung-thua-nhan-cuoc-trung-cau-dan-y-crimea-3381449/