Mỹ và EU áp đặt biện pháp trừng phạt mới đối với Myanmar

Các nước phương Tây đang gây sức ép với chính quyền về cuộc đàn áp bạo lực đối với những người biểu tình ủng hộ dân chủ. Động thái này diễn ra trong bối cảnh quân đội Myanmar củng cố quan hệ với Nga.

Quân đội Myanmar đã tiếp quản đất nước kể từ cuộc đảo chính ngày 1/2. Ảnh: AFP

Bài liên quan

Hỗn loạn do thiếu tiền mặt bao trùm bóng tối lên khắp Myanmar

Myanmar bác bỏ nghị quyết của LHQ hối thúc cấm vận vũ khí

Liên Hợp Quốc kêu gọi ngừng cung cấp vũ khí cho Myanmar

EU đã thực hiện các biện pháp trừng phạt mới đối với các quan chức hàng đầu trong chính quyền quân sự cầm quyền của Myanmar hôm thứ Hai (21/6) liên quan đến vi phạm nhân quyền.

Khối 27 thành viên đã áp đặt lệnh cấm đi lại và đóng băng tài sản đối với 8 quan chức, đồng thời nhắm vào 4 'thực thể kinh tế' có liên hệ với quân đội Myanmar.

EU chỉ trích các quan chức vì 'phá hoại nền dân chủ và pháp quyền, cũng như vi phạm nhân quyền nghiêm trọng'. Các biện pháp trừng phạt đối với các công ty do quân đội kiểm soát nhằm gây tổn hại về mặt tài chính cho chính quyền.

EU cho biết: "Bằng cách nhắm vào các ngành đá quý và gỗ, các biện pháp này nhằm hạn chế khả năng thu lợi từ các nguồn tài nguyên thiên nhiên của chính quyền Myanmar, đồng thời tránh gây tổn hại không đáng có cho người dân Myanmar".

Anh cũng đã bổ sung ba thực thể kinh tế Myanmar vào danh sách trừng phạt của mình vào thứ Hai (21/6), bao gồm một công ty ngọc trai nhà nước và một công ty gỗ.

Các biện pháp trừng phạt được đưa ra khi chính phủ nước này quay sang ủng hộ Nga.

Nhà lãnh đạo quân đội Min Aung Hlaing đã gặp người đứng đầu Hội đồng An ninh Quốc gia Nga Nikolai Petrushev hôm thứ Hai trước một hội nghị an ninh quốc tế ở Moscow trong tuần này.

Hội đồng An ninh Quốc gia Nga cho biết hai bên đã thảo luận về chủ nghĩa khủng bố, các vấn đề an ninh khu vực và sự can thiệp của nước ngoài vào các vấn đề của Myanmar. Theo một tuyên bố của hội đồng, hai nước tái khẳng định mong muốn tăng cường hơn nữa hợp tác song phương.

Nga là nhà cung cấp vũ khí lớn cho quân đội Myanmar. Chuyến đi tới Moscow là chuyến đi nước ngoài thứ hai của Min Aung Hlaing kể từ khi ông trở thành nhà lãnh đạo trên thực tế của Myanmar.

Quân đội Myanmar đã nắm quyền kiểm soát đất nước vào ngày 1 tháng 2, sau cuộc đảo chính khi quân đội cáo buộc đảng của bà Suu Kyi có hành vi gian lận trong cuộc bầu cử năm ngoái.

Bà Suu Kyi hiện đang bị xét xử vì nhập trái phép máy bộ đàm cho vệ sĩ của bà và vi phạm các hạn chế của đại dịch trong chiến dịch bầu cử năm ngoái, cùng các cáo buộc khác. Những người ủng hộ bà Suu Kyi tin rằng các cáo buộc có động cơ chính trị và được tạo ra để ngăn bà trở lại nhiệm sở.

Quân đội Myanmar đã tiến hành cuộc đàn áp đối với người biểu tình và phe đối lập kể từ cuộc đảo chính. Một nhóm nhân quyền nổi tiếng trong khu vực cho biết, hơn 860 người đã bị các lực lượng an ninh giết hại trong những tháng qua, với hơn 4.500 người bị chính quyền bỏ tù.

Quang Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/my-va-eu-ap-dat-bien-phap-trung-phat-moi-doi-voi-myanmar-post140243.html