Mỹ và Hàn Quốc đàm phán về chia sẻ chi phí quốc phòng

Ngày 26/6, các quan chức Mỹ và Hàn Quốc đã tổ chức vòng đàm phán mới tại thủ đô Seoul (Hàn Quốc) về chia sẻ chi phí duy trì sự hiện diện của lực lượng binh lính Mỹ tại Hàn Quốc trong bối cảnh hai nước đồng minh đang tăng cường hợp tác trong vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Trưởng đoàn đàm phán Hàn Quốc Chang Won-sam (trái) và người đồng cấp Mỹ Timothy Betts bắt tay nhau trước khi khởi động đối thoại tại thủ đô Seoul, ngày 26/6. (Ảnh: Yonhap)

Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc đưa tin, đây là phiên họp thứ 4 của vòng đàm phán thứ 10 trong khuôn khổ Thỏa thuận các biện pháp đặc biệt (SMA) giữa hai nước đồng minh. Phiên họp diễn ra tại tòa nhà Học viện ngoại giao ở phía Nam thủ đô Seoul và sẽ kéo dài tới ngày 27/6.

Mở đầu phiên họp, trưởng đoàn đàm phán Hàn Quốc Chang Won-sam và người đồng cấp Mỹ Timothy Betts bày tỏ hy vọng rằng, các vòng đối thoại hữu ích này sẽ giúp tăng cường mối quan hệ liên minh an ninh lâu đời giữa hai nước.

Theo nhận định của ông Chang Won-sam thì trải qua 3 vòng đàm phán trước, Mỹ và Hàn Quốc đã hiểu được quan điểm của nhau. Đại diện ngoại giao này hy vọng, sau phiên họp này, hai bên có thể đạt được những bước tiến quan trọng, dựa trên tinh thần hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau.

Trong khi đó, ông Timothy Betts cũng bày tỏ hy vọng rằng vòng đối thoại đang diễn ra giữa Mỹ và Hàn Quốc về chia sẻ chi phí quốc phòng sẽ mang lại kết quả “hữu ích”. Theo đại diện ngoại giao này thì mối quan hệ đồng minh Mỹ-Hàn vẫn đóng vai trò nền tảng đối với sự ổn định và an ninh trong khu vực, cũng như mang lại lợi ích cho cả người dân hai nước và trên thế giới. Ông Betts hy vọng, SMA sẽ tiếp tục duy trì vai trò trung tâm trong mối quan hệ liên minh Mỹ-Hàn. Qua đó, đại diện ngoại giao này nhấn mạnh Mỹ và Hàn Quốc cần giữ vững những công việc đang theo đuổi, ngay cả khi tình hình xung quanh có nhiều biến động.

Trước đây, Mỹ và Hàn Quốc đã 3 lần tiến hành đàm phán về các biện pháp chia sẻ chi phí quốc phòng ở Honolulu (Mỹ) hồi tháng 3/2018, tiếp đến là ở đảo Jeju (Hàn Quốc) vào tháng 4/2018 và mới đây nhất là tại thủ đô Washington D.C (Mỹ) hồi tháng trước. Hiện hai bên đang cố gắng thu hẹp bất đồng về phần đóng góp tài chính của Hàn Quốc trong bối cảnh thỏa thuận SMA hiện hành sẽ hết hiệu lực vào cuối năm nay.

Phát biểu trong cuộc họp báo cùng ngày, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Noh Kyu-duk kêu gọi Mỹ và Hàn Quốc đàm phán dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau và sự hiểu biết chung về tầm quan trọng của mối quan hệ đồng minh giữa hai nước. “Chính quyền Seoul tiếp tục duy trì lập trường gánh vác chi phí ở một mức độ hợp lý để bảo đảm sự đồn trú ổn định của các lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc – vốn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm hòa bình, ổn định trên bán đảo Triều Tiên và khu vực Đông Bắc Á” – thông điệp của ông Noh Kyu-duk nêu rõ.

Các quan chức Hàn Quốc cho biết nước này đã san sẻ trách nhiệm tài chính để duy trì sự hiện diện của các lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc (USFK) với quân số 28.500 người kể từ đầu những năm 1990. Đóng góp tài chính của Seoul cho sự hiện diện của USFK sẽ tăng từ 150 tỷ won năm 1991 lên 960 tỷ won trong năm 2018 theo một hiệp ước được hai nước đồng minh ký kết năm 2014. Hiện Mỹ và Hàn Quốc đang nỗ lực tìm tiếng nói chung để có thể đưa ra một văn kiện mới, trước khi hiệp ước hiện tại hết hiệu lực trong năm 2018.

Vào ngày 29/6 tới, USFK dự kiến sẽ di dời sở chỉ huy tới trại Humphreys tại Pyeongtaek cách thủ đô Soul khoảng 70 km về phía Nam và chấm dứt sự hiện diện kéo dài hàng thập kỷ ở Yongsan – một quận trung tâm của thủ đô Seoul.

Hiện, dư luận khu vực đang chú ý tới các sự kiện đang diễn ra giữa Mỹ và Hàn Quốc để có thể đưa ra đánh giá xem liệu việc tạm trì hoãn các cuộc tập trận chung giữa hai nước đồng minh có ảnh hưởng tới tiến trình đàm phán về vấn đề chia sẻ chi phí quốc phòng hay không./.

Thu Lan (Theo Yonhap, Koreaherald, kbs.co.kr)

Nguồn Đảng Cộng Sản VN: http://cpv.org.vn/thoi-su/my-va-han-quoc-dam-phan-ve-chia-se-chi-phi-quoc-phong-488538.html