Mỹ và Nga bất đồng về siêu tên lửa 9M729 sẽ tạo thuận lợi cho Trung Quốc trỗi dậy

Cho đến hiện tại siêu tên lửa 9M729 của Nga vẫn là mấu chốt vấn đề bất đồng giữa Washington và Moscow. Trong khi Mỹ đòi phải phá bỏ loại vũ khí này để giữ hiệp ước INF thì Nga lại cương quyết cho rằng loại vũ khí này không vi phạm.

Ông Jeffrey Eberhardt, Đại diện đặc biệt về Không phổ biến vũ khí hạt nhân của Mỹ, yêu cầu Nga loại bỏ ngay các tên lửa 9M729 đang được quân đội nước này triển khai.

Ông Jeffrey Eberhardt, Đại diện đặc biệt về Không phổ biến vũ khí hạt nhân của Mỹ, yêu cầu Nga loại bỏ ngay các tên lửa 9M729 đang được quân đội nước này triển khai.

Mỹ coi những tên lửa này là mối nguy lớn nhất đối với quân đội và các đồng minh ở châu Âu. Theo Washington, tầm bắn và khả năng hủy diệt của thứ vũ khí này vượt ra ngoài những ràng buộc của Hiệp ước Giải trừ các tên lửa tầm trung và ngắn hơn (INF).

Ông Eberhardt nói rằng việc nối lại các cuộc đàm phán giữa Washington và Moscow để đưa ra lệnh tạm hoãn triển khai các tên lửa tầm trung và tầm ngắn hơn ở châu Âu là không có ý nghĩa, vì phía Nga được cho là đã triển khai tên lửa 9M729 ở châu Âu.

"Nga đã vi phạm hiệp ước, vì vậy giải pháp là họ phải loại bỏ những tên lửa này", ông Eberhardt cho biết.

Tuy nhiên, phía Mỹ không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào về việc triển khai tên lửa của Nga ở châu Âu. Đồng thời, trước đó phía Nga đã trình diễn tên lửa này, qua đó chứng minh rằng khả năng của nó không vi phạm hiệp ước INF.

Cho đến hiện tại siêu tên lửa 9M729 của Nga vẫn là mấu chốt vấn đề bất đồng. Trong khi Washington đòi phải phá bỏ loại vũ khí này để giữ hiệp ước INF thì Moscow lại cương quyết cho rằng loại vũ khí này không vi phạm và người Mỹ đã đòi hỏi vô cớ.

Hiệp ước INF được ký đã phá tan nỗi ám ảnh về tên lửa đạn đạo chiến thuật tầm trung của Mỹ và Liên Xô.

Tuy nhiên giờ đây, tên lửa 9M729 của Nga lại đang đưa đến một sự đổ vỡ của INF, đồng thời mở ra cuộc chạy đua vũ trang mới.

Phía Mỹ cho rằng, Nga đã cố tính che giấu tầm phóng thực sự của tên lửa 9M729. Con số công bố là 480 km của Moscow đưa ra chỉ là sau khi tên lửa bị rút bớt nhiên liệu. Washington tiếp tục đòi Moscow phải phá hủy loại tên lửa này.

Nga lại cáo buộc lại rằng tất cả chỉ là cái cớ và Mỹ đang tích cực triển khai các hệ thống tên lửa tầm trung - thứ mà trước đây vốn đã bị cấm do hiệp ước INF.

Tổng thống Putin cho biết, Nga có đủ năng lực để sản xuất các loại tên lửa tầm trung mới hiện đại hơn nếu Mỹ cứ cố tình vi phạm.

Mỹ đã rục rịch khi tuyên bố sẵn sàng cho nối lại việc sản xuất hệ thống tên lửa Tomahawk phiên bản phóng từ mặt đất.

Mỹ biện minh rằng Nga đã cố tình lừa đi yêu cầu của họ, vì vậy quá trình rút bỏ khỏi thỏa thuận này được tính toán là sẽ diễn ra trong vòng sáu tháng trừ khi Moscow có hành động khắc phục các vi phạm.

Phản ứng lại hành động của Mỹ, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bác bỏ mọi cáo buộc, đồng thời tuyên bố rằng Moscow cũng sẽ đình chỉ mọi nghĩa vụ của mình theo hiệp ước nhằm đáp trả động thái của Mỹ.

Tên lửa 9M729 là phiên bản mới hơn của tên lửa 9M728 – một loại tên lửa được trang bị cho hệ thống Iskander-M. Loại tên lửa này được phát triển bởi Cục Thiết kế Novator ở Yekaterinburg.

Chúng được trang bị một hệ thống điều khiển giúp đạt độ chính xác cao hơn. Tầm bắn tối đa của tên lửa 9M729 theo Nga công bố là 480km. Ngoài đầu đạn thường còn có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.

Trước cáo buộc của Mỹ, Nga đã cho “trình làng” tên lửa 9M729 để các tùy viên quân sự nước ngoài có thể trực tiếp nhìn thấy loại vũ khí mới này trong một nỗ lực nhằm giải tỏa nỗi quan ngại của phương Tây, mở đường cho các cuộc đối thoại nhằm giữ lại hiệp ước INF.

Tuy nhiên, điều đáng tiếc là các đại diện của Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Liên minh Châu Âu (EU) và NATO đều không đến tham dự sự kiện giới thiệu tên lửa của Nga.

Diễn biến này khiến người ta lo ngại Nga và Mỹ sẽ không thể tháo gỡ được cuộc đối đầu xung quanh tên lửa 9M729 để giữ lại hiệp ước INF.

INF được ký kết là để giải quyết một cuộc khủng hoảng tên lửa hạt nhân Liên Xô nhắm vào các thủ đô các nước phương Tây và ngược lại.

Hiệp ước INF được ông Mikhail Gorbachev và ông Ronald Reagan ký năm 1987 cấm Liên Xô và Mỹ phát triển, triển khai và thử nghiệm các tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo được phóng đi từ mặt đất với tầm bắn từ khoảng 300 đến 3.400 dặm (tương đương từ 482km đến 5.470km).

Hiệp ước này được coi là một thành tựu lớn đạt được trong nỗ lực nhằm “tháo ngòi” căng thẳng trong Chiến tranh Lạnh và giúp hóa giải nỗi lo sợ về vũ khí hạt nhân ở châu Âu.

Sau khi Liên Xô tan rã, Nga kế thừa và tiếp tục thực hiện cam kết trong hiệp ước này. Hai nước đồng thời cũng liên tục gia hạn INF. Sự việc chỉ ngưng lại khi xuất hiện tên lửa 9M729.

Không ít ý kiến cho rằng Mỹ và Nga sẽ tiếp tục "cò cưa thi gan" xung quanh sự kiện tên lửa 9M729. Tuy Moscow và Washington đều thông báo các dự án tên lửa mới nếu INF thực sự sụp đổ.

Tuy vậy cả Nga và Mỹ đều hiểu rằng, nếu INF sụp đổ sẽ không có lợi cho cả đôi bên. Nếu hai cường quốc không nhanh chóng tìm được tiếng nói chung thì cả hai cường quốc sẽ dần yếu thế, tạo điều kiện để Trung Quốc tiếp tục trỗi dậy và khẳng định quyền lực của mình trước thế giới.

Việt Hùng

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/my-va-nga-bat-dong-ve-sieu-ten-lua-9m729-se-tao-thuan-loi-cho-trung-quoc-troi-day-post483599.antd