Mỹ và Nhật Bản từ kẻ thù thành đồng minh thế nào sau Thế chiến 2?

Từng là kẻ thù không đội trời chung của nhau trong Thế chiến 2, nhưng hai quốc gia này lại trở thành đồng minh thân cận sau khi chiến tranh kết thúc.

Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Mỹ và Nhật Bản là hai quốc gia đối đầu nhau rất kịch liệt. Tuy nhiên, sau khi Thế chiến 2 kết thúc, Nhật Bản đã trở thành đồng minh thân cận và đáng tin cậy nhất của Mỹ ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Làm thế nào mà họ thực hiện một quá trình chuyển đổi thành công như vậy từ kẻ thù thành đồng minh?

Vào tháng 12/1941, vụ tấn công bất ngờ của Nhật Bản vào Trân Châu Cảng đã gây chấn động nước Mỹ, buộc Washington chính thức tham gia vào cuộc xung đột. Gần 4 năm sau, Mỹ thả hai quả bom nguyên tử tàn khốc xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản, buộc chính phủ Nhật Bản phải chấm dứt chiến tranh.

Sau chiến tranh, Nhật Bản phải chịu sự chiếm đóng kéo dài 7 năm của quân đội Mỹ với mục đích giải thể quân đội phát xít và thay đổi hoàn toàn thể chế chính trị của Đế quốc Nhật Bản.

Nhưng sau chiến tranh, mục tiêu của Mỹ không chỉ là thiết lập hòa bình và tái thiết Nhật Bản. Đối mặt với một trật tự thế giới mới, Mỹ đã tìm cách biến quốc đảo này trở thành “bức tường thành” chống lại sự lan rộng của chủ nghĩa cộng sản ở châu Á.

Để làm được điều đó, Mỹ đã rút ra những bài học quan trọng từ hậu quả của Thế chiến thứ nhất. Họ tận dụng tình trạng kinh tế tuyệt vọng của người dân Nhật Bản và tâm lý bất mãn với chính phủ để gieo mầm dân chủ và viết lại hiến pháp, đồng thời thực hiện những chính sách để xây dưng lại đất nước này.

Hoàng đế Hirohito và Tướng MacArthur, trong cuộc gặp đầu tiên tại Đại sứ quán Mỹ ở Tokyo, ngày 27/9/1945.

Hoàng đế Nhật Bản không phải chịu trách nhiệm chiến tranh

Tướng Douglas MacArthur, chỉ huy tối cao của các cường quốc Đồng minh giám sát quá trình chuyển đổi sau chiến tranh của Nhật Bản, đã nghiêm túc rút ra những bài học từ các hiệp ước sau Thế chiến thứ nhất.

Thay vì làm bẽ mặt nước bại trận và yêu cầu các khoản bồi thường khổng lồ như những nước đã kéo nền kinh tế Đức xuống dốc, Mỹ tạo tiền đề cho một mối quan hệ tích cực hơn bằng cách đối xử với Nhật Bản và đặc biệt là Hoàng đế của nước này.

Lo sợ trước nạn đói lớn có thể xảy ra, người Mỹ đã vận chuyển lương thực bằng máy bay để viện trợ cho Nhật Bản, góp phần ngăn chặn cuộc khủng hoảng nhân đạo và tình trạng bất ổn có thể xảy ra sau đó.

Thay vì xét xử Hoàng đế Hirohito vì tội ác chiến tranh, Mỹ cho phép ông tiếp tục ngồi trên ngai vàng với tư cách là lãnh tụ tinh thần của người dân Nhật Bản. Chính quyền của Tổng thống Harry Truman lập luận rằng bằng cách để cho nhà lãnh đạo quốc gia giữ thể diện, Mỹ có thể nhận được sự hợp tác hiệu quả từ người dân, góp phần chuyển đổi từ một quốc gia đế quốc theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan sang một quốc gia dân chủ.

Trong quá trình hỗ trợ sự chuyển đổi của Nhật Bản sang một xã hội dân chủ, Mỹ đã hiểu tầm quan trọng của sự ủng hộ từ công chúng. Tài liệu phác thảo chính sách hậu đầu hàng của Mỹ đối với Nhật Bản nhấn mạnh rằng “Mỹ mong muốn thành lập một chính phủ mới tuân thủ chặt chẽ các nguyên tắc dân chủ trên cơ sở phù hợp với nguyện vọng của đại đa số người dân”.

Chắc chắn, chính phủ quân sự dưới thời MacArthur có quyền lực và sự kiểm soát rộng rãi trong khi giám sát quá trình chuyển đổi kinh tế, chính trị xã hội và văn hóa của Nhật Bản.

Tuy nhiên, để giúp người Nhật tránh "mất đi lòng tự trọng và tự tin", các lực lượng của Mỹ đóng vai trò giám sát quá trình chuyển đổi của xã hội Nhật Bản đã khuyến khích các quan chức và người dân địa phương chủ động và độc lập hơn trong việc thực hiện các cải cách theo quy định. Nhờ vậy mà Mỹ đã thực hiện được các mục tiêu đề ra, cũng như tạo dựng được lòng tin với người dân.

Tuyển dụng thông dịch viên tiếng Nhật cho quân đội Mỹ vào tháng 1/1943.

Nisei giữ vai trò quan trọng trong và sau chiến tranh

Khi chiến đấu với quân Nhật trong Thế chiến thứ hai, Mỹ đã triển khai một lực lượng bí mật đó là những người Mỹ gốc Nhật thế hệ thứ nhất (Nisei). Những người này từng tham gia chiến tranh với vai trò là phiên dịch viên của Cục Tình báo Mỹ trên mặt trận Thái Bình Dương.

Họ được sinh ra từ cha mẹ là người Nhật nhập cư, một số Nisei nói tiếng Nhật rất tốt, trước khi nổ ra chiến tranh, nhiều người còn được cha mẹ của họ gửi trở lại Nhật Bản để được giáo dục.

Lường trước xung đột có thể xảy ra với Nhật Bản, Mỹ đã tuyển dụng và huấn luyện Nisei để thu thập thông tin tình báo. Trong chiến tranh, các Nisei được giao nhiệm vụ theo dõi thông tin liên lạc, dịch bản đồ và tài liệu của đối phương, đồng thời giúp thẩm vấn tù binh Nhật Bản.

Năm 1944, Tướng Charles Willoughby, giám đốc tình báo của MacArthur, từng nhấn mạnh rằng “một phiên dịch viên Nisei có giá trị bằng một tiểu đoàn bộ binh”. Ông ước tính rằng các phiên dịch viên người Mỹ gốc Nhật đã giúp rút ngắn thời gian cuộc chiến xuống hai năm.

Nisei cũng đóng một vai trò quan trọng trong thời kỳ quân Đồng minh chiếm đóng và tái thiết Nhật Bản. Hơn 5.000 người đã phục vụ trong thời gian này, họ có vai trò rất quan trọng vì họ có hiểu biết sâu sắc hơn về các chuẩn mực lịch sử, chính trị xã hội, văn hóa, tôn giáo, kinh tế, giáo dục và thực tiễn của đất nước.

Trong những tháng đầu tiên của cuộc chiếm đóng, Nisei đã đóng vai trò quan trọng trong việc trao trả các tù nhân chiến tranh của Mỹ và Đồng minh, đồng thời đưa binh lính và thường dân Nhật Bản sống ở nước ngoài về nước.

Họ đã hỗ trợ việc trả tự do cho các tù nhân chính trị, tham gia truy lùng tội phạm chiến tranh và thu thập bằng chứng để truy tố họ. Họ theo dõi dân chúng để tìm bất kỳ dấu hiệu phản kháng nào có thể cản trở sự thay đổi dân chủ của quốc gia.

Về mặt tài chính, họ đã giúp giải tán và phá hủy các ngành công nghiệp liên quan đến chiến tranh của Nhật Bản, đồng thời nỗ lực phá vỡ các tập đoàn tài chính, thị trường chợ đen thời chiến và tội phạm có tổ chức.

Viết lại Hiến pháp Nhật Bản

Có lẽ điều quan trọng nhất, Nisei đã hỗ trợ trong việc soạn thảo hiến pháp mới của Nhật Bản. Bao gồm khoảng 103 Điều, có hiệu lực ngày 3/5/1947. Các điều khoản sâu rộng của nó bao gồm cải cách ruộng đất, quyền bầu cử của phụ nữ, thành lập tự do ngôn luận, hội họp và tôn giáo, thành lập liên đoàn lao động và thiết lập hệ thống giáo dục kiểu Mỹ.

Điều quan trọng then chốt trong hiến pháp mới là Điều 9, trong đó Nhật Bản từ bỏ lực lượng quân sự. Điều luật tuyên bố, “Thành tâm mong muốn một nền hòa bình quốc tế dựa trên công lý và trật tự, người dân Nhật Bản mãi mãi từ bỏ chiến tranh như một quyền chủ quyền của quốc gia và các hành động đe dọa hoặc sử dụng vũ lực như một phương tiện giải quyết tranh chấp quốc tế. Để đạt được mục tiêu này các lực lượng trên bộ, trên biển và trên không, cũng như các tiềm năng chiến tranh khác, sẽ không bao giờ được duy trì”.

Tuy nhiên, trong nhiều thập kỷ qua khi tình hình địa chính trị đã thay đổi ở Thái Bình Dương và trên toàn cầu, điều luật này đã trở thành chủ đề tranh luận ở Nhật Bản nhưng hiến pháp vẫn chưa được sửa đổi.

Lê Hưng(Nguồn: history.com)

Nguồn VTC: https://vtc.vn/my-va-nhat-ban-tu-ke-thu-thanh-dong-minh-the-nao-sau-the-chien-2-ar767771.html