Mỹ vây kín Nga bằng hàng trăm tăng thiết giáp tối tân

Trong khi Nga chưa kịp khởi động dây chuyền sản xuất T-90M Proryv-3 thì Mỹ đã chuẩn bị gửi tới châu Âu các xe tăng M1A2C cực kỳ tối tân.

Trong tuần qua, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã tới thăm nhà máy sản xuất xe tăng chiến đấu chủ lực M1A2C thế hệ mới nhất (hay còn được gọi bằng cái tên M1A2 SEP v3) đặt tại nhà máy Lima, tại đây đã có một số lượng lớn sản phẩm được hoàn thành.

Những chiến chiến xa chủ lực M1A2C này được coi là bản nâng cấp hoàn thiện nhất của dòng MBT Abrams nổi tiếng, trong đó năng lực cả tấn công lẫn phòng thủ đều vượt trội nhờ được tích hợp hệ thống điều khiển hỏa lực tinh vi, năng lực kết nối mạng chiến trường và trang bị cả hệ thống phòng vệ chủ động (APS).

Theo giới chức quân sự Mỹ, M1A2C sẽ định hình lại phương thức tác chiến của bộ binh cơ giới trong giai đoạn đầu thế kỷ 21, nó được nhà sản xuất tự tin khẳng định rằng sở hữu những tính năng kỹ chiến thuật vượt xa mọi đối thủ cạnh tranh.

Xe tăng chiến đấu chủ lực M1A2C (M1A2 SEP v3) của Lục quân Hoa Kỳ

Xe tăng chiến đấu chủ lực M1A2C (M1A2 SEP v3) của Lục quân Hoa Kỳ

Vấn đề thu hút sự quan tâm hiện nay đó là mục đích của Mỹ khi sản xuất số lượng lớn xe tăng chiến đấu chủ lực M1A2C Abrams trên, họ dự định sẽ triển khai tại đâu và nhằm phục vụ cho chiến lược nào trong tương lai trước mắt.

Câu trả lời đã phần nào được giải đáp căn cứ vào màu sơn của chúng.

Dễ dàng nhận thấy những cỗ chiến xa này không còn mang màu vàng sa mạc đặc trưng để triển khai tại Trung Đông nữa mà họa tiết trên xe có màu chủ đạo là xanh lá với các mảng đen.

Được biết đây là màu sơn ngụy trang tiêu chuẩn của các quốc gia thuộc khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương - NATO thuộc lãnh thổ châu Âu, do vậy đích đến của lô xe tăng M1A2C này không còn nơi nào khác ngoài các địa điểm tiếp giáp biên giới Nga.

Xe chiến đấu bộ binh M2 Bradley nâng cấp cũng theo chân M1A2C tới châu Âu

Chính sách xoay trục quân sự của nước Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump có thể nhìn thấy rất rõ qua những bước đi thời gian qua, khi Washington cắt giảm hoặc rút hoàn toàn lực lượng tại Trung Đông để tái triển khai ở châu Âu.

Ngoài các xe tăng M1A2C thế hệ mới, Mỹ còn triển khai hàng trăm xe chiến đấu bộ binh M2 Bradley nâng cấp đi theo số chiến xa Abrams trên để tạo thành cụm tác chiến cơ giới cực mạnh sát nách Nga nhằm sẵn sàng phản ứng trong tình huống xấu.

Đây rõ ràng là tin không hề vui cho Moskva, khi dây chuyền sản xuất T-90M của họ chưa thực sự hoạt động, thậm chí cả trong trường hợp chạy hết công suất để đáp ứng đơn hàng của Bộ Quốc phòng thì số lượng cũng khó mà chạy đua nổi với riêng số M1A2C Mỹ điều tới châu Âu, chưa kể bên cạnh chúng còn cả Leopard 2A7+, Challenger II... của đồng minh.

Chí Linh

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/my-vay-kin-nga-bang-hang-tram-tang-thiet-giap-toi-tan-3376887/