Mỹ với Taliban ở Afghanistan: Kẻ quá đà, người quá vội

Tổng thống Donald Trump tuyên bố hủy cuộc hòa đàm về Afghanistan. Ở đây có chuyện Taliban đã quá đà và phía Mỹ đã quá nóng vội. Phân tích của Báo Thế giới & Việt Nam.

Mỹ đang tìm cách thoát khỏi sa lầy về chính trị, an ninh và quân sự ở nơi đây trong danh dự. (Minh họa của Jack Ohman/Business Insider)

Lịch sử lần này đã không lặp lại với Trại David và một khi đích danh tổng thống đương nhiệm của nước Mỹ công khai hóa điều ấy thì nguyên cớ phải rất đặc biệt và rất nghiêm trọng.

Lỡ hẹn tại Trại David

Trại David này ở Mỹ đã hai lần đi vào lịch sử thế giới: Tháng 9/1978, khi Tổng thống Mỹ Jimmy Carter mời Tổng thống Ai cập Awar al-Sadat và Thủ tướng Israel Menachem Begin đến để đàm phán hòa bình đưa đến thỏa thuận về bình thường hóa quan hệ hai nước; và tháng 7/2000, khi Tổng thống Mỹ Bill Clinton mời Thủ tướng Israel Ehud Barak và Chủ tịch Palestine Yasser Arafat đến đàm phán và ký kết thỏa thuận. Bây giờ, tổng thống đương nhiệm của nước Mỹ Donald Trump cho thiên hạ biết là Tổng thống Afghanistan Asshraf Ghani và thủ lĩnh phe Taliban ở Afghanistan đã được mời đến Trại David để mật đàm về hòa bình, hòa giải và hòa hợp dân tộc cho Afghanistan nhưng rồi việc này bị ông Trump hủy ngay sau khi phe Taliban ở Afghanistan tiến hành cuộc tấn công khiến 1 binh lính Mỹ và 11 người khác bị thiệt mạng.

Ông Trump thể hiện thái độ rất giận bực về cuộc tấn công này của Taliban mà ai cũng biết thực chất là do việc Taliban tấn công khiến cho binh lính Mỹ ở Afghanistan bị thiệt mạng. Lâu nay, Taliban vốn thường xuyên và nhiều lần tiến hành những hoạt động quân sự như thế ở Afghanistan nhưng cộng sự của ông Trump vẫn thúc đẩy quá trình đàm phán hòa bình với Taliban và sắp đạt được thỏa thuận với Taliban. Lý do ở chỗ binh lính Mỹ không bị tổn hại gì, cho tới vụ tấn công vừa rồi. Cho nên qua đó có thể thấy ngay được là ông Trump hủy cuộc hòa đàm bí mật ở Trại David giữa Taliban và Chính phủ Afghanistan vì nhu cầu đối nội và bị buộc phải như vậy, sẽ không có chuyện ông Trump vì một binh lính Mỹ bị thiệt mạng kia mà thay đổi chiến lược hay chính sách nào đó đang được triển khai thực hiện ở Afghanistan và với Taliban. Chỉ có điều là vì thế mà Trại David chưa được lần thứ ba đi vào lịch sử thế giới.

Ở đây có chuyện Taliban đã quá đà với sách lược vừa hòa đàm với Mỹ vừa tăng cường hoạt động quân sự ở Afghanistan và chuyện phía Mỹ nói chung và cá nhân ông Trump nói riêng quá nóng vội với việc tìm kiếm thỏa thuận hòa bình với Taliban để rút hết quân đội Mỹ ra khỏi Afghanistan.

Mỹ theo đuổi gì ở Afghanistan?

Sau gần 18 năm hao người tốn của cho cuộc chiến tranh ở Afghanistan, Mỹ hiện đang tìm cách thoát khỏi tình trạng sa lầy về chính trị, an ninh và quân sự ở nơi đây trong danh dự và với sự đảm bảo chắc chắn là không những chỉ không xôi hỏng bỏng không mà còn không mất cả chì lẫn chài ở Afghanistan. Mỹ cần giải pháp chính trị hòa bình cho Afghanistan đảm bảo sao cho chính thể hiện tại ở Afghanistan không bị Taliban lật đổ sau khi Mỹ và đồng minh triệt thoái hoàn toàn quân đội ra khỏi Afghanistan.

Bởi vậy, giải pháp chính trị hòa bình nào cho Afghanistan cũng đều phải bao hàm tối thiểu 3 nội dung chính là thỏa thuận giữa Mỹ và Taliban về việc Mỹ và đồng minh rút quân đội ra khỏi Afghanistan và Taliban chuyển hóa từ một tổ chức vũ trang thành một lực lượng chính trị ở Afghanistan; hòa giải và hòa hợp dân tộc giữa các phe cánh chính trị và vũ trang, cộng đồng sắc tộc và tôn giáo ở Afghanistan; và cộng đồng quốc tế đóng góp giúp đất nước này tái thiết sau chiến tranh.

Ông Trump đã cam kết là chấm dứt cuộc chiến tranh ở đây và rút quân Mỹ về nước. Càng gần đến thời điểm diễn ra cuộc bầu cử tổng thống tới ở Mỹ, việc thực hiện cam kết tranh cử này trở nên càng thêm quan trọng và cấp thiết đối với ông Trump. Ông Trump vì thế hối thúc cộng sự đẩy nhanh tiến độ đàm phán hòa bình trực tiếp với Taliban ở Doha và tiến trình này giờ sắp đến hồi kết. Nhưng đi cùng với nó không thể không có tiến trình hòa bình, hòa giải và hòa hợp giữa Taliban và chính phủ Afghanistan mà cho tới nay Taliban vẫn cự tuyệt đàm phán hòa bình trực tiếp với chính phủ Afghanistan.

Mô hình ngoại giao trung gian hòa giải Trại David năm 1978 và 2000 được ông Trump áp dụng lại có nguyên do ở đấy. Ông Trump dùng việc đề cao Taliban - bằng mời sang Trại David và gặp tổng thống Mỹ - để khích lệ và thôi thúc Taliban thỏa hiệp với chính phủ Afghanistan. Ông Trump mơ tưởng đến kịch bản có được cái gọi là Thỏa thuận Trại David giữa Taliban và chính phủ Afghanistan được công bố đồng thời với thỏa thuận hòa bình giữa Mỹ và Taliban.

Triển vọng nào cho Afghanistan?

Taliban nắm được cái thóp nôn nóng và bỏ của chạy lấy người này của Mỹ hiện tại ở Afghanistan nên ráo riết thực thi sách lược vừa đàm phán hòa bình với Mỹ vừa đẩy mạnh hoạt động quâm sự ở Afghanistan, nhưng rất tránh nhằm trực diện vào quân đội Mỹ ở Afghanistan. Vụ tấn công vừa rồi có thể do Taliban quá tự tin hoặc quá sơ suất nên mới thành ra bị quá đà.

Dù vậy, việc ông Trump có ý định và có kế hoạch cụ thể cho hòa đàm trực tiếp hoặc thông qua trung gian giữa Taliban và chính phủ Afghanistan ở Trại David, cho dù không thực hiện được nữa, vẫn báo hiệu là tình hình ở Afghanistan đang ở trước những chuyển biến rất quyết định, giải pháp chính trị hòa bình cho xứ này đang dần định hình và đã đến gần chứ không phải còn xa - nếu như ông Trump không để cho ngẫu hứng đưa đến định hướng khác và phía Taliban mắc lại sai lầm trong đánh giá về Mỹ và xử lý quan hệ với Mỹ.

Dịch Dung

Dịch Dung

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/my-voi-taliban-o-afghanistan-ke-qua-da-nguoi-qua-voi-100761.html