Mỹ vừa nhu vừa cương với Iran

Một mặt Mỹ vẫn tuyên bố chỉ sử dụng các biện pháp trừng phạt và áp lực chính trị đối với Iran nhưng có thể họ cũng đang xúc tiến kế hoạch quân sự.

(ĐVO) Người đứng đầu Lầu Năm góc Leon Panetta có kế hoạch gặp Bộ trưởng Quốc phòng Israel Ehud Barak bên lề Hội thảo quốc tế về an ninh họp ở Halifax (Canada) ngày 18/11/2011.

Ông Panetta tuyên bố với các phóng viên trước khi bàn thảo với đồng nghiệp Israel của mình: “Đòn quân sự đánh Iran sẽ gây tác hại đến kinh tế toàn cầu. Cần phải tiếp tục như trước đây: Xiết chặt các biện pháp trừng phạt và gây áp lực chính trị”. Liệu có nên coi tuyên bố này hoàn toàn đúng như vậy? Các chuyên gia Nga cho rằng không hoàn toàn như vậy.

Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Iran đương đại Rajab Safarov nói: “Công khai thì Panetta có thể nói bất cứ điều gì, nhưng cuộc gặp này sẽ bàn về việc chuẩn bị hành động vũ lực dưới ánh sáng báo cáo gần đây nhất của IAEA về chương trình hạt nhân của Iran và các tuyên bố của ban lãnh đạo Iran về khả năng đánh đòn phòng ngừa không báo trước cho Mỹ”.

Theo chuyên gia này, Washington đang làm mọi việc để kích động các đồng minh của mình (Israel, Anh và Pháp) gây tình hình căng thẳng ở vùng Vịnh Persian.

Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta và người đồng cấp Ehud Barak.

Chủ tịch Viện Cận Đông, ông Yevgeny Satanovsky nói: “Panetta từng phụ trách CIA, làm việc trong bộ máy chính phủ thời Tổng thống Clinton, từng là chính khách và đang dùng những thủ thuật quen thuộc”.

Ông Rajab Safarov cho rằng Israel không đủ sức một mình tiến hành chiến dịch quân sự có hiệu quả chống lại Iran. Và Mỹ thực chất hoàn toàn có thể đưa ra một sự giúp đỡ cần thiết cả về mặt trang bị kỹ thuật, cả về khả năng trinh sát vũ trụ và cung cấp tài chính. Nhưng Washington quan tâm làm sao dấu kín khả năng có thể có xung đột.

Thượng nghị sĩ, lãnh đạo phái đoàn thường trực của Hội đồng liên bang (thượng viện Nga) tại liên đoàn nghị viện châu Á, ông Rudick Iskuzhin nói: “Tuyên bố của Lầu Năm góc là nỗ lực phát tiếp tín hiệu cho Tehran, Mỹ không muốn gây chiến tranh. Mục đích là làm sao để Iran chịu đối thoại hơn, kể cả trong khuôn khổ hợp tác với IAEA”.

“Cuộc gặp ở Canada sẽ nêu vấn đề có tính nguyên tắc: Đối phó như thế nào nếu mạng lưới những người ủng hộ Iran tích cực hoạt động mạnh lên trên toàn cầu khi xảy ra khủng hoảng? Nếu nhà máy điện nguyên tử Iran Bushehr bị ném bom, thì những người này có thể đáp trả bằng cách phá nổ một mục tiêu tương tự đâu đó ở Mỹ hoặc châu Âu," Iskuzhin chia sẻ.

Iskuzhin nói tiếp: “Người Mỹ và Israel buộc phải hành động nhưng phải chú ý đến Nga và Trung Quốc. Theo ông này, Moscow không cho rằng các biện pháp trừng phạt kinh tế có thể buộc Tehran đối thoại xây dựng. Mà theo Iskuzhin, vẫn phải đối thoại tích cực và thường xuyên liên tục với Iran. Nhất là đã thấy rõ những tiến bộ nhất định. Ví dụ, Tehran đã bày tỏ sẵn sàng tiếp đoàn thanh sát của IAEA".

Nguyễn Vũ (theo Izvestia)

Nguồn Đất Việt: http://quocphong.baodatviet.vn/home/qpcn/my-vua-nhu-vua-cuong-voi-iran/201111/179638.datviet